Việt Nam chia sẻ với các nước ASEAN cách ngành hàng hải "vượt bão" Covid-19

Tác giả: Nguyên Khang

saosaosaosaosao
Vận tải 22/09/2022 15:26

Trong năm 2021, dù chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Tại Hội nghị Nhóm công tác vận tải hàng hải ASEAN lần thứ 43 diễn ra tại Nha Trang, Việt Nam đã có những chia sẻ cách ngành hàng hải "vượt bão" Covid -19.

Tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch Covid-19

Trong tổng số hơn 703 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm vừa qua, hàng xuất khẩu đạt hơn 184 triệu tấn, tăng 4%; hàng nội địa đạt gần 303 triệu tấn, tăng 5%. Riêng hàng container ước đạt gần 24 triệu TEU, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển cũng có sự khởi sắc trong đại dịch, ước đạt 156,5 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020.

Vậy điều gì đã giúp ngành hàng hải Việt Nam đạt những con số ấn tượng như vậy. 

Ngành hàng hải Việt Nam ứng phó thế nào trong thời gian dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Mặc dù hoạt động hàng hải chịu tác động lớn từ dịch Covid-19, song tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2021 vẫn tăng so với năm 2020

Tại Hội nghị Nhóm công tác vận tải hàng hải ASEAN lần thứ 43 diễn ra tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa (từ 20 - 22/9) do Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, có sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), các đối tác đối thoại và các hiệp hội khu vực, Việt Nam đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này. 

Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho biết, năm 2021, tổng sản lượng hàng hóa qua cảng biển này đạt hơn 90,7 triệu tấn; tổng sản lượng hàng container thông qua cảng biển đạt 5,7 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2020.

Ngành hàng hải Việt Nam ứng phó thế nào trong thời gian dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm ứng phó của của ngành hàng hải trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

"Để đạt được kết quả này, ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, chúng tôi đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch mà Chính phủ, ngành y tế Việt Nam chỉ đạo như: thực hiện 5K, tiêm vaccine… Đồng thời, áp dụng các khuyến nghị trong phòng chống dịch đối với hoạt động hàng hải của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), IMO Nhật Bản…", đại diện Cảng vụ hàng hải Hải Phòng nói.

Tương tự, tại khu vực do Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu quản lý, cơ quan chức năng cũng tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch mà Chính phủ Việt Nam triển khai. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ, giúp đỡ các tàu có thuyền viên dương tính với Covid-19. 

Theo báo cáo, tính đến tháng 3/2022, có tổng cộng 39 tàu (12 tàu cờ Việt Nam và 27 tàu mang cờ nước ngoài) có thuyền viên nhiễm Covid-19 đã liên hệ với cảng vụ để được hỗ trợ.

"Trong tổng thời gian dịch Covid-19 diễn ra, hơn 400 tàu cùng 4.200 thuyền viên đã được cảng vụ cùng ngành chức năng Việt Nam hỗ trợ, điều trị. Điều này càng tạo cho các chủ tàu niềm tin về sự an toàn khi lưu thông hàng hóa qua cảng", cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu chia sẻ.

Tạo điều kiện tối đa cho hàng hóa lưu thông

Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được xếp hạng thứ 11 trên tổng số 370 cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu.

Ngành hàng hải Việt Nam ứng phó thế nào trong thời gian dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Trong thời gian Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành hàng hải Việt Nam vừa ứng phó với dịch vừa triển khai các biện pháp giúp hàng hóa lưu thông ổn định

Khu vực cảng biển này là hệ thống cảng nước sâu và cụm cảng container lớn nhất Việt Nam, có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp tổng trọng tải đến 100.000 DWT; tàu hàng lỏng (dầu, LPG, LNG…) tổng trọng tải đến 80.000 DWT và tàu container tổng trọng tải đến 214.000 DWT (sức chở 18.340 Teus).

Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết, năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tổng số tàu, thuyền qua cảng Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 90.100 lượt (giảm 5% so với năm 2020).

Dẫu vậy, các chỉ số khác các đều tăng. Tổng sản lượng hàng hóa qua cảng biển đạt hơn 113 triệu tấn, tăng 0,37%; trong đó, riêng tại cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đạt gần 105 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. 

Đặc biệt, tổng sản lượng hàng container thông qua cảng biển đạt khoảng 8,35 triệu Teu, tăng tới 11 % so với năm 2020.

Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đơn vị đã triển khai hàng loạt biện pháp để đảm bảo hàng hóa lưu thông. Cảng đã chủ trì, tổ chức làm việc trực tuyến với các chủ tàu, chủ hàng và doanh nghiệp cảng để triển khai "Phương án phòng chống dịch Covid-19" cụ thể cho từng tàu trước khi tàu vào cảng. Đơn vị đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho tàu, trao đổi hồ sơ, tài liệu hay hội họp, làm việc online.

Đặc biệt, đơn vị đã xây dựng phương án điều tiết phân luồng hàng hóa, xác định cảng thay thế, bến đang khai thác hiện hữu trong tình huống bến cảng tạm dừng khai thác do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến ách tắc cục bộ. 

Ngoài ra, thiết lập, duy trì mối liên hệ chặt chẽ giữa chủ tàu - chủ cảng - chủ hàng để kịp thời trao đổi, thống nhất giải quyết các tình huống phát sinh ngoài mong muốn hay các trường hợp bất khả kháng khác.

"Đại dịch Covid-19 được coi là một thách thức phi truyền thống đối với an toàn và an ninh trên toàn cầu và cộng đồng. Vì vậy, hợp tác quốc tế là rất cần thiết và sẽ được thúc đẩy để tránh làm gián đoạn chuỗi cung ứng vận tải biển, giúp ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Cơ chế hợp tác đặc biệt sẽ được thiết lập để tạo điều kiện thuận lợi tối đa giữa các nước ASEAN", đại diện Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu nhấn mạnh.

Tại Hội nghị Nhóm công tác vận tải hàng hải ASEAN lần thứ 43, phái đoàn Hàng hải Singapore đánh giá cao những biện pháp mà ngành hàng hải Việt Nam triển khai trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, xem đây là kinh nghiệm quý. Đại diện Singapore cho biết thêm, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng của nước này cũng đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch để hàng hóa qua Singapore được lưu thông thuận lợi nhất.


Ý kiến của bạn

Bình luận