Đầu tư một số cảng hàng không trọng yếu, tác động đến KT-XH
Sau khi tiếp thu góp ý của các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương và ý kiến của Hội đồng thẩm định quy hoạch, hiện nay dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại quy hoạch này, những định hướng đổi mới, đột phá thể hiện tầm nhìn phát triển của ngành hàng không trong nhiều năm tới có thể nhìn thấy rất rõ. Cụ thể như:
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng các CHK và hệ thống tổ chức, quản lý bảo đảm hoạt động bay đồng bộ, tiên tiến, hiện đại, an toàn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); đáp ứng nhu cầu phát triển có tính đến sự hài hòa giữa các vùng, miền; hỗ trợ hiệu quả công tác khẩn nguy cứu trợ; kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác; phát triển vận tải đa phương thức và các trung tâm dịch vụ logistics tại các CHK có nhu cầu vận tải hàng hóa lớn, đặc biệt là các CHK đóng vai trò đầu mối.
Tập trung nguồn lực đầu tư một số CHK trọng yếu, đóng vai trò đầu mối, có tính lan tỏa và tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế.
Theo đó, giai đoạn đến năm 2030 sẽ ưu tiên tập trung đầu tư một số CHK lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng Thủ đô Hà Nội (CHK Nội Bài) và vùng TP.HCM (CHK Tân Sơn Nhất và Long Thành); từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 CHK hiện hữu, đầu tư 6 CHK mới để nâng tổng số CHK của cả nước đưa vào khai thác lên 29 CHK, tổng công suất thiết kế hệ thống CHK đáp ứng khoảng 283 triệu hành khách, đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận tới CHK trong phạm vi 100km.
Tầm nhìn đến năm 2050: Hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế mang tầm cỡ khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM.
Theo Quy hoạch, giai đoạn đến năm 2030 sẽ đầu tư 6 sân bay mới (Long Thành, Nà Sản, Lai Châu, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết); đồng thời nghiên cứu, khảo sát và báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc bổ sung quy hoạch, xây dựng sân bay tại các đảo như Lý Sơn, Phú Quý... hay quần đảo có nhu cầu phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, trong quá trình triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tư vấn lập quy hoạch đã nghiên cứu, đề xuất đầu tư đưa vào khai thác các CHK mới đảm bảo 100% dân số đối với đồng bằng và 95% dân số đối với miền núi có thể tiếp cận tới CHK trong phạm vi 100km. Nâng cấp các CHK tại các trung tâm kinh tế vùng, đảm bảo nhu cầu phát triển KT-XH.
"Việc đề xuất định hướng nêu trên nhằm đáp ứng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không và thiết bị bảo đảm hoạt động bay đồng bộ, đáp ứng mục tiêu tham gia đảm bảo an ninh chủ quyền vùng trời; đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo quốc phòng, an ninh, hoạt động khẩn nguy, cứu trợ; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương", ông Thắng cho hay.
Kết nối các phương thức, phát huy lợi thế cảng biển
Nhiều năm qua, một trong những "điểm nghẽn" khiến hệ thống cảng biển chưa phát huy hết lợi thế, tiềm năng chính là việc kết nối với các phương thức vận tải khác. Cũng từ đó, chi phí logistics của Việt Nam luôn ở mức cao, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân.
Thế nhưng, tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/09/2021 của Thủ tướng Chính phủ), lần đầu tiên, các bến cảng phục vụ phương tiện thủy nội địa trong vùng nước cảng biển được đưa vào quy hoạch nhằm tháo gỡ điểm nghẽn giao thông kết nối với cảng biển.
Về định hướng hạ tầng giao thông kết nối, sẽ phát triển các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển loại đặc biệt và cảng biển loại một trên hành lang Bắc-Nam; hình thành các bến cho phương tiện thủy nội địa trong vùng nước cảng biển; hệ thống đường bộ cao tốc kết nối với các cảng biển loại đặc biệt, hệ thống quốc lộ, đường địa phương kết nối trực tiếp đến hệ thống cảng biển.
Cảng biển được ưu tiên lựa chọn vị trí
Trong quy hoạch 5 chuyên ngành, cảng biển được ưu tiên lựa chọn vị trí. Các phương thức đường thủy, đường bộ và đường sắt, tùy thuộc lượng hàng thông qua cảng, chủng loại hàng, cự ly, điều kiện tự nhiên và khả năng huy động nguồn lực sẽ được ưu tiên kết nối với vai trò gom và giải tỏa hàng hóa cho cảng biển.
Điểm đột phá nhất của quy hoạch chính là hình thành hai cảng biển loại đặc biệt là Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) đón tàu trung chuyển quốc tế. Hai cảng biển đặc biệt này đóng vai trò cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, tiếp nhận các tàu đi tuyến biển xa; 15 cảng loại I tiếp nhận tàu đi tuyến nội Á, Australia, châu Phi; 19 cảng biển loại II, III tiếp nhận tàu trên các tuyến biển cự ly ngắn, trung bình, đóng vai trò cảng vệ tinh gom hàng cho các cảng biển chính.
Đặc biệt, quy hoạch định hướng phát triển bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long để có thể triển khai đầu tư khi có đủ điều kiện; các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển KT-XH của cả nước hoặc liên vùng; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp; các bến cảng tại các huyện đảo phục vụ phát triển KT-XH gắn với quốc phòng-an ninh và chủ quyền biển đảo.
"Có thể dễ dàng nhận thấy, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có định hướng rõ ràng, cùng tầm nhìn chiến lược để phát huy lợi thế của từng vùng miền, địa phương. Với cảng nước sâu tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Hải Phòng, trong tương lai, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể đi thẳng tới Bắc Mỹ, thay vì trung chuyển tại các cảng trong khu vực, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh", một chuyên gia thuộc Hiệp hội cảng biển Việt Nam đánh giá.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.