Ảnh minh họa |
Tại cuộc họp Sơ kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương diễn ra ngày 7/2 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp duy tu không đảm bảo.
“Toàn bộ công tác duy tu đã được đấu thầu, tiền chuyển cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có làm hay không, các chi cục đường bộ, thanh tra Tổng cục phải biết và xử lý thật nặng, kể cả là cấm tham gia đấu thầu đối với các doanh nghiệp duy tu không đảm bảo yêu cầu”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, các đơn vị cần tăng cường, kiểm tra, kiểm soát việc duy tu, bảo dưỡng ở các dự án BOT; xem xét các cầu yếu, cầu nhỏ hẹp, đường cong… trong đó, ưu tiên xử lý các điểm đen tiềm ẩn mất an toàn giao thông; thanh tra các doanh nghiệp thực hiện duy tu, bảo dưỡng đường bộ…
Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần bố trí kinh phí để xử lý toàn bộ các điểm đen tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ như: Đường cong, bán kính hẹp, cầu hẹp, cầu yếu. Về nguyên tắc là phải ưu tiên xử lý hết toàn bộ các điểm đen. Trường hợp quá khả năng cân đối vốn, phải có kế hoạch cụ thể, công trình nào làm trước, công trình nào xử lý sau”.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cho biết: Các hoạt động thu, nộp, quản lý phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đã đi vào nề nếp và ổn định. Trên cơ sở thông báo của Kho bạc Nhà nước, báo cáo số thu của Cục Đăng kiểm Việt Nam và trực tiếp theo dõi, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, bảo đảm nguồn thu không bị thất thoát, không bị sử dụng sai mục đích, công khai, minh bạch.
Theo đó, thu phí đường bộ nộp vào ngân sách nhà nước tính đến ngày 31/12/2017 là trên 7.143 tỷ đồng bằng 111,82% so với năm 2016 và bằng 116,65% kế hoạch thu cả năm 2017. Trung bình mỗi ngày thu xấp xỉ 27 tỷ đồng. Tổng nguồn chi năm 2017 đạt trên 8.142 tỷ đồng.
Đánh giá về một số kết quả hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương trong năm 2017, ông Lê Hoàng Minh cho biết, thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đối với 148 tuyến quốc lộ, bao gồm 20.582km đường do 5 Cục Quản lý đường bộ và 51 Sở Giao thông Vận tải quản lý (chưa tính 3.234km quốc lộ thuộc dự án BOT và quốc lộ đang có dự án xây dựng cơ bản).
Đối với công tác sửa chữa định kỳ, đến hết 31/12/2017, các cơ quan được giao nhiệm vụ đã tiến hành sửa chữa được 243 cây cầu với 33.302 m2 mặt cầu, 4.939m khe co giãn cầu được sửa chữa; sửa chữa trên 10.410.000m2 mặt đường rải bê tông nhựa; 4.562m cống, 350.274m rãnh thoát nước được xây mới, thay thế và bổ sung; 88.919m hộ lan mềm, tôn sóng (năm 2016 sửa chữa, thay mới 96.987m hộ lan mềm, tôn sóng)…cải tạo 418 điểm đen, tiềm ẩn mất tai nạn giao thông.
Trong năm 2018, Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài ngành để phổ biến, tuyên truyền các hoạt động về Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, thông tin kết quả công tác sử dụng nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, bảo đảm hoạt động của Quỹ được công khai, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và người dân; Chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan có liên quan hoàn thành công tác phê duyệt, đấu thầu các dự án bảo trì đường bộ trong Quý I/2018 triển khai việc thi công ngoài hiện trường sớm nhất, có thể từ cuối Quý I và đầu Quý II năm 2018, bảo đảm cơ bản hoàn thành công tác sửa chữa định kỳ trước mùa mưa bão năm 2018 của từng khu vực.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương Nguyễn Văn Thể yêu cầu Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Vụ Kế cấu hậ tầng giao thông cập nhật hoàn thiện lại báo cáo tổng kết năm 2017 của Quỹ trên cơ sở phải đưa ra được đánh giá bức tranh tổng thể về hạ tầng giao thông. Trong gần 23.000 km đường phải chỉ rõ ra được có bao nhiêu cây cầu yếu, cầu nhỏ, hẹp; bao nhiêu điểm đen, tiềm ẩn mất an toàn giao thông; bao nhiêu công trình đến hạn cần đại tu…để thấy được nhu cầu cần sửa chữa.
Người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải cũng giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong Quý I phải đưa ra đề xuất cơ chế vận hành việc quản lý, vận hành liên quan đến bảo trì đường bộ; trong tháng 3 Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải phải có báo cáo Đề án về công tác đảm bảo duy tu sửa chữa thường xuyên cho hệ thống đường quốc lộ./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.