QL4D xuất phát từ Pa So (điểm giao với QL12, thuộc xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), chạy qua huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) tới Tx. Sa Pa, rồi qua TP. Lào Cai và kết thúc ở cửa khẩu Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
Toàn tuyến dài khoảng 190km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Lai Châu dài khoảng 89km, được Cục Đường bộ VN ủy thác Sở GTVT Lai Châu quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng.
Khảo sát của PV Tạp chí GTVT ngày 14 - 15/9, QL4D đi qua địa bàn tỉnh Lai Châu xuất hiện nhiều vị trí mặt đường, lề đường, hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng giao thông không duy trì chất lượng kỹ thuật... gây khó khăn, nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Dễ nhận thấy trên QL4D có các đoạn cong cua có lề đường (phần tiếp giáp giữa nền đất và mặt đường nhựa) bị phá vỡ liên kết, không còn sơn vạch kẻ lề đường, có nơi tôn sóng hộ lan có dấu hiệu bị người dân tháo dỡ. Đặc biệt, khá nhiều đoạn hàng rào tôn hộ lan ở các đoạn cong cua bị mất mắt phản quang làm mất tác dụng nhận biết, định hướng cho người điều khiển phương tiện giao thông vào ban đêm (chụp tại Km6+100 QL4D)
Có vị trí rãnh thoát nước hai bên dọc tuyến QL4D bị đất, rác thải lấp kín làm mất tác dụng thoát nước (chụp tại Km11+400)
Những vệt võng, lún mặt đường, biến dạng kết cấu mép đường tại nơi cong cua trên QL4D qua địa bàn tỉnh Lai Châu không được sửa chữa, khắc phục kịp thời gây lo ngại cho phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là vào ban đêm, khi thời tiết xấu
Một số cọc tiêu trên tuyến QL4D bị xiêu vẹo, nứt gãy hay biển báo gjao thông chất lượng xuống cấp nhưng không được bảo trì kịp thời
Ghi nhận tại Km24+500 và Km24+600 có một số điểm đấu nối trực tiếp từ công trình ven đường vào QL4D, nhưng không có biển báo hiệu giao thông theo quy định, cho thấy biểu hiện không được cấp phép đấu nối, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông. Đặc biệt, công trình tại Km24+500 là nơi cấp nước mui xe, hàng ngày nước thải từ khu vực này chảy và gây đọng trên mặt đường, trong khi nước được coi là "kẻ thù" của đường giao thông
Tương tự, thực địa trên tuyến QL32 đi qua địa bàn tỉnh Lai Châu, PV Tạp chí GTVT cũng ghi nhận một số vị trí ven đường có cỏ bị khô vàng bất thường, có thể do phun thuốc diệt cỏ. Tại Km399+300 cũng có hiện tượng nước đọng trên mặt đường. Điều này nếu không được đơn vị duy tu xử lý, về lâu dài sẽ có nguy cơ phá vỡ kết cấu hạ tầng giao thông
Rãnh thoát nước dọc tuyến bị lấp, mặt đường bị nước đọng, mắt phản quang trên hàng rào tôn hộ lan bị mất
Từ thực tế ghi nhận được trên QL4D và QL32, PV Tạp chí GTVT đã liên hệ và trao đổi với ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó giám đốc Sở GTVT Lai Châu. Ông Hưởng cho biết, Sở GTVT thường xuyên chỉ đạo nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên sửa chữa những vị trí đường trên QL4D và QL32 (đoạn đang quản lý bảo trì, không nằm trong dự án đang thi công trên tuyến) qua địa bàn tỉnh Lai Châu hư hỏng nhỏ, thực hiện theo khối lượng trong dự toán được duyệt hàng năm.
Còn đối với các hư hỏng lớn, Sở GTVT đã đề xuất và được Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch bảo trì năm 2024 tại Văn bản số 7646/BGTVT-KCHT ngày 14/7/2023, gồm các hạng mục bổ sung, hoàn thiện hệ thống ATGT trong đó có các đoạn Km8 - Km18, Km60 - 68+400; Km75 - 89 (QL4D ), đoạn qua khu vực thị trấn Than Uyên (QL32) - đoạn không nằm trong dự án đường nối cao tốc. Hiện các dự án đang triển khai trình Cục Đường bộ VN thẩm định, phê duyệt.
Tuy vậy, thực tế trên được PV ghi nhận cũng phần nào cho thấy, khá nhiều vị trí đường hư hỏng không lớn, mắt phản quang trên hàng rào tôn hộ lan bị mất hay rãnh thoát nước dọc tuyến bị lấp, mặt đường bị nước đọng... không được nhà thầu bảo trì tuyến đường thực hiện kịp thời, không duy trì thường xuyên chất lượng kết cấu đường, hạng mục bảo đảm ATGT trên hai tuyến QL4D và QL32 vốn nhiều đèo dốc, cong cua nguy hiểm.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.