Cần cơ chế giám sát, hậu kiểm đường ủy thác địa phương bảo trì

Tiêu điểm tháng 18/04/2023 14:09

Hiện có nhiều địa phương trên cả nước được Bộ GTVT ủy thác quản lý bảo trì các tuyến quốc lộ và thực hiện công tác bảo trì các tuyến tỉnh lộ. Tuy nhiên, công tác này nhận được sự quan tâm, hiệu quả khác nhau trong công tác quản lý bảo trì dẫn đến chất lượng, hiệu quả cũng như bảo đảm giao thông không đồng đều.


Cần cơ chế giám sát, hậu kiểm đường ủy thác địa phương bảo trì - Ảnh 1.

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo trì đường bộ cần có sự chung tay, phối hợp của chính quyền các cấp và các đơn vị liên quan

Thả nổi vi phạm

Qua tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT thời gian đầu tháng 4/2023 trên tuyến QL.10 qua địa bàn huyện Đông Hưng, TP. Thái Bình (tỉnh Thái Bình), nhiều đoạn, vị trí đường không duy trì được chất lượng bảo trì. Cụ thể, đoạn từ km77+000 - km78+600 là khu vực có mật độ giao thông lớn và thường xảy ra ùn tắc, va chạm do vạch sơn kẻ đường bị mờ. Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Thái Bình, vấn đề sơn vạch kẻ đường bị mờ, mất dấu diễn ra trong thời gian dài là một trong những nguyên nhân khiến giao thông phức tạp, tiềm ẩn TNGT và gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm.

Trong khi việc đảm bảo chất lượng bảo trì chưa được quan tâm đúng mức thì từ năm 2022 đến nay, UBND tỉnh Thái Bình đã 3 lần có văn bản đề nghị Bộ GTVT, Cục ĐBVN đầu tư kinh phí để mở rộng QL.10 đoạn từ km77 - km78+600, lắp đặt hệ thống chiếu sáng cũng như đề nghị lắp biển hạn chế tốc độ đoạn từ km81+172 - km84+140 và đầu tư cầu vượt tại nút giao km83+500.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo đơn vị bảo trì tuyến QL.10 cho biết, hạng mục trên không nằm trong gói thầu bảo trì thường xuyên mà thuộc gói thầu sửa chữa định kỳ. Trong khi đó, hiện địa phương chưa tổ chức đấu thầu gói thầu bảo trì sửa chữa định kỳ.

Qua tìm hiểu tại Sở GTVT Thái Bình cho thấy, những năm qua, Sở GTVT tỉnh Thái Bình không có bộ phận chuyên trách về quản lý bảo trì. Phải đến cuối tháng 3/2023, UBND tỉnh Thái Bình mới ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý bảo trì đường bộ trực thuộc Sở GTVT.

Không riêng ở Thái Bình, qua ghi nhận tuyến QL.5 đoạn qua địa bàn tỉnh Hưng Yên (do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính quản lý bảo trì và không qua đấu thầu) thì có tới 20 đoạn, vị trí hành lang bị lấn chiếm nghiêm trọng, đấu nối trái phép và tồn tại nhiều năm không bị xử lý.

Tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm

Qua khảo sát một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ thuộc địa bàn tỉnh Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Lào Cai cho thấy công tác duy tu, bảo trì khá tốt, mặt đường êm thuận, không bị đọng nước, hệ thống báo hiệu, vạch sơn đường rõ ràng..., thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông.

Ông Phạm Hồng Thái - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định cho biết, nguồn kinh phí cấp cho công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đối với quốc lộ tại địa phương khoảng 57 triệu đồng/km (gồm chi phí quản lý đường, cầu lớn và chi phí điện chiếu sáng...), đường tỉnh khoảng 22 triệu đồng/km. So với định mức (khoảng 80 triệu đồng/km), nguồn kinh phí trên được bố trí, phân bổ theo thứ tự ưu tiên để tập trung cho những công việc có tính chất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ATGT như sơn, bổ sung biển báo, lắp đặt các cụm đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng; xử lý "điểm đen", ví trí phức tạp về giao thông.

"Tổ chức tốt việc lựa chọn nhà thầu thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên có ý nghĩa quan trọng, qua đó chọn lựa được những đơn vị quản lý có năng lực tốt để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, bảo vệ hành lang và kiểm soát tải trọng cũng là nhiệm vụ hàng đầu trong việc duy trì chất lượng các tuyến đường", ông Thái nhấn mạnh.

Bên cạnh việc kiểm soát tải trọng và giữ hành lang ATGT, ông Nguyễn Đức Cảnh - Phó Giám đốc Ban Quản lý bảo trì, Sở GTVT tỉnh Hưng Yên cho biết, hợp đồng bảo trì được thực hiện với thời hạn 3 năm/lần và áp dụng loại hợp đồng có điều chỉnh giá. UBND tỉnh Hưng Yên luôn tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo trì, đơn cử như vào thời điểm cuối năm sẽ thông báo chủ trương về nguồn vốn để có thể tổ chức đấu thầu, mở hồ sơ thầu, giúp công tác bảo trì đường được liên tục

"Sự quan tâm, đồng hành của các chủ đầu tư trong giải quyết các tình huống, thực tế phát sinh sẽ giúp nâng cao hiệu quả bảo trì. Việc chủ động tốt nhân sự, máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ để giảm thủ công sẽ góp phần kịp thời thực hiện các mục tiêu theo yêu cầu bảo trì", ông Nguyễn Sỹ Trọng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đức chia sẻ.

Để công tác bảo trì đường bộ đạt hiệu quả cao, ông Kiều Văn Dũng - Phó Giám đốc Ban Quản lý bảo trì đường bộ Lào Cai cho rằng cần có sự chung tay, phối hợp của chính quyền địa phương từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã trong việc quản lý đất đai và bảo vệ hành lang ATGT trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện qua địa phương. Sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, đơn vị quản lý sẽ giúp đơn vị bảo trì thực hiện hiệu quả hơn việc bảo vệ chất lượng đường, tạo thuận lợi cho phương tiện lưu thông và ngăn ngừa TNGT. Bên cạnh đó, việc hạn chế chia nhỏ gói thầu và kéo dài thời hạn thầu lên 5 năm sẽ giúp công tác quản lý bảo trì được tập trung, tạo điều kiện để đơn vị trúng thầu đầu tư thiết bị, nâng hiệu quả bảo trì.

Theo ông Lê Hồng Điệp - Trưởng phòng Quản lý bảo trì, kết cấu hạ tầng giao thông (Cục ĐBVN), nếu làm không tốt, khối lượng bảo trì sẽ không được nghiệm thu. Địa phương, đơn vị nào làm tốt công tác bảo trì hàng năm sẽ là cơ sở để Cục xem xét giao thêm, ủy thác khối lượng bảo trì, có như vậy mới khuyến khích các địa phương làm tốt và hiệu quả. Còn nếu địa phương, đơn vị nào làm qua loa, không đảm bảo sẽ bị phê bình, thậm trí là không giao ủy thác và không được xem xét hồ sơ dự thầu hoạt động bảo trì.