Nỗ lực khắc phục bất cập đơn giá, định mức

Tác giả: M. Tùng - H. Lộc

saosaosaosaosao
Tiêu điểm tháng 18/04/2023 14:12

Theo đánh giá của nhiều nhà thầu, cơ quan quản lý đường bộ, định mức kinh phí dành cho bảo trì quốc lộ và các đường địa phương hiện thấp hơn khá nhiều so với khối lượng công việc theo yêu cầu hợp đồng, khiến các đơn vị bảo trì gặp khó khăn.


Nỗ lực khắc phục bất cập đơn giá, định mức - Ảnh 1.

QL.37 đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định được ưu tiên kinh phí bảo trì để mở rộng bảo đảm ATGT

Đơn giá thấp, yêu cầu chất lượng cao

Dịch vụ bảo trì đường bộ gồm 3 nội dung chính: quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên; sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất các hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ. Hiện nay, việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ đều thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi.

Theo lãnh đạo một số đơn vị trúng thầu bảo trì thường xuyên, hiện kinh phí bảo trì các gói thầu bảo dưỡng thường xuyên quốc lộ trung bình ở mức 50 - 55 triệu đồng/km/năm, còn đối với các tuyến đường tỉnh có sự khác nhau (phần lớn thấp hơn mức trên) tùy theo khả năng bố trí vốn của mỗi địa phương. Nhìn chung, với mức kinh phí trên và ở mức thấp hơn, đơn vị bảo trì gặp nhiều khó khăn khi đáp ứng đúng, đủ mục tiêu của hợp đồng.

Đề cập cụ thể đến bất cập giữa đơn giá, định mức, một số nhà thầu cho biết, định mức bạt lề đường bằng máy hiện được tính khoảng 70 nghìn đồng/km, nhưng phải làm thủ công vì máy không làm được do vướng hệ thống cọc tiêu, hộ lan, biển báo; phát quang cây cỏ (mái ta-luy) chỉ được tính 2 lần/năm; cắt cỏ (cỏ lề đường) tính 6 lần/năm nhưng thực tế trung bình mỗi tháng phải làm 1 lần (12 lần/năm) để cọc tiêu không bị che lấp. Rãnh hở phải nạo vét theo tháng nhưng định mức chỉ 2 lần/năm; định mức không có hạng mục đào rãnh thoát nước nhưng thực tế phải làm ở một số tuyến để thoát nước, giữ đường; định mức nạo vét rãnh kín khoảng 7 nghìn đồng/m, nhưng thực tế phải nhấc và lắp lại tấm đan nắp (và có rủi ro gãy, vỡ) nên thấp hơn nhiều so với định mức 40 nghìn đồng/tấm của định mức xây dựng cơ bản cho hạng mục lắp tấm đan... Mặt khác, định mức sơn vạch kẻ đường tính kiểu như sơn nước là không phù hợp (0,788 kg sơn/m2), bởi hiện nay các tuyến đường đều sơn kẻ đường bằng sơn dẻo nhiệt phản quang (3 - 5 kg sơn/m2) và các chủ đầu tư cũng đều yêu cầu phải sơn dẻo nhiệt chứ không dùng sơn nước...

Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Ngọc Phẩm - Giám đốc Công ty CP Đường bộ 232 chia sẻ, kinh phí 50 - 55 triệu đồng/km chỉ phù hợp để thực hiện tốt quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đối với những tuyến đường mới được xây dựng, đạt cấp kỹ thuật đồng bộ tất cả các hạng mục và lưu lượng xe lưu thông trên đường phù hợp với thiết kế đường. Còn đối với các tuyến đường cũ, đã xây dựng từ trên 15 năm mới chỉ trung tu mặt đường, còn hệ thống cống rãnh đã cũ hỏng thì công tác duy tu rất vất vả, do đó mức kinh phí trên không thể đáp ứng để thực hiện đúng các mục tiêu theo hợp đồng. "Kinh phí dành cho quản lý, bảo dưỡng thường xuyên thực tế chỉ đáp ứng 30 - 35% so với định mức công việc, nhưng khi nghiệm thu đòi hỏi phải đảm bảo thực hiện 100% định mức theo hợp đồng. Do vậy, khi kiểm tra, nghiệm thu chất lượng bảo trì và đối chiếu với hợp đồng, có những hạng mục chỉ đạt được chất lượng tương đối. Nếu việc nghiệm thu soi, chiếu đúng hết tất cả các điều khoản, mục tiêu thì nhà thầu sẽ bị khấu trừ, giảm thanh toán rất nhiều và sẽ không nhà thầu nào làm nổi", ông Phẩm giãi bày.

Đồng quan điểm, ông Phạm Ân Trường - Giám đốc Công ty CP Phát triển xây dựng và Thương mại số 909 cho rằng, nguồn vốn hạn chế nên đơn giá của một số hạng mục chỉ được tính bằng 30 - 50% so với định mức theo quy định. Sự chênh lệch lớn giữa đơn giá, khối lượng công việc và yêu cầu nghiệm thu, thanh toán gây khó khăn cho nhà thầu khi triển khai công việc và phải giải thích với chủ đầu tư.

Còn theo ông Kiều Văn Dũng - Phó Giám đốc Ban Quản lý bảo trì đường bộ Lào Cai, hành lang đường bộ được quản lý theo quy định nhà nước, nhưng lại không có kinh phí để đền bù, giải tỏa vi phạm hành lang. Trong khi đó, hành lang quốc lộ, đường tỉnh hiện có rất nhiều thay đổi so với các năm trước, giá nhân công, vật tư liên tục tăng cao, ngoài ra tốc độ phát triển các khu dân cư tập trung, thị trấn, thị tứ nhanh và bám đường khiến hệ thống thoát nước đường bộ bị cản trở, dễ xảy ra ngập úng, sạt lở, ảnh hưởng chất lượng đường.

Thiếu thống nhất, đồng bộ về loại hình hợp đồng

Sau 1 năm thực hiện định mức quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ (Thông tư số 44/2021 của Bộ GTVT, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2022), không ít nhà thầu cho biết, sự bất cập về đơn giá, định mức khiến đơn vị bảo trì gặp khó khăn, đời sống của người lao động vất vả. Tuy vậy, đây là lĩnh vực truyền thống của nhiều doanh nghiệp (trước đây là đơn vị sự nghiệp, sau chuyển sang công ty cổ phần) nên đều cố gắng ở mức cao nhất, thậm chí lấy nguồn từ dịch vụ bảo trì khác (sửa chữa định kỳ, đột xuất đường bộ, tham gia các dự án xây dựng) để duy trì việc làm cho người lao động.

Do đó, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bảo trì đường bộ cũng như cơ quan quản lý đều mong những bất cập về đơn giá, định mức sớm được giải quyết để phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phẩm, để thực hiện tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên, Bộ GTVT, Cục ĐBVN cần bố trí kinh phí thực hiện 100% định mức một số hạng mục không sử dụng vật tư trong công tác bảo dưỡng thường xuyên (hót sụt, cắt cỏ, bạt lề, vệ sinh đường, hộ lan...), có như vậy mới đáp ứng đủ yêu cầu của chủ đầu tư.

Còn theo ông Trương Văn Thuyết - Phó Giám đốc Công ty CP Đường bộ 242, các tuyến đường cần được đầu tư hoàn chỉnh, đạt cấp kỹ thuật đồng bộ sau đó mới bàn giao cho đơn vị trúng thầu bảo trì thường xuyên. Các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện để duy trì chất lượng đường.

Theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, bên cạnh các tuyến đường cấp tỉnh, hiện nay khá nhiều tuyến quốc lộ được ủy thác cho sở GTVT địa phương thực hiện công tác quản lý bảo trì, làm chủ đầu tư dự án, gói thầu bảo trì, tuy cùng tính chất dịch vụ như nhau song lại có sự áp dụng khác nhau về loại hình gói thầu. Đó là cùng áp dụng thời hạn gói thầu 3 năm/lần nhưng có nơi áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói (không điều chỉnh giá như tại Thái Bình), nơi áp dụng điều chỉnh giá (như tại Hưng Yên)...

Đối với gói thầu bảo trì các tuyến đường tỉnh, có địa phương áp dụng theo hình thức thủ tục đấu thầu theo quy định xây dựng cơ bản (như tỉnh Hưng Yên), có nơi theo quy định của dịch vụ phi tư vấn (như tỉnh Hải Dương). Thực tế trên cũng gây ra sự thiếu thống nhất, bất cập trong công tác quản lý bảo trì, xác định đơn giá, định mức bảo trì đường địa phương.

Lãnh đạo Công ty CP Quản lý đường bộ Thái Bình cho rằng: Hợp đồng bảo trì thường xuyên tại Thái Bình được đấu thầu rộng rãi, với thời hạn 3 năm/lần và là hợp đồng trọn gói, không điều chỉnh giá. Việc không điều chỉnh giá rất bất cập, gây khó khăn cho nhà thầu khi giá cả thực tế biến động mạnh, trượt giá lớn. Để đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp và chất lượng bảo trì cần áp dụng theo loại hợp đồng có điều chỉnh giá. Bên cạnh đó, nên gộp công việc bảo trì thường xuyên và sửa chữa đường theo kế hoạch vào cùng một gói thầu để tạo đồng bộ trong quản lý bảo trì các tuyến đường.

Theo một cán bộ Sở GTVT tỉnh Hải Dương, nên có hướng dẫn để áp dụng thống nhất trên toàn quốc về căn cứ áp dụng, thủ tục, loại hình hợp đồng với các gói thầu bảo trì để tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương. Về vấn đề này, ông Đặng Văn Lương - Phó Giám đốc Sở Giao thông - Xây dựng Lào Cai cho rằng cần có giải pháp đồng bộ để nâng chất lượng, hiệu quả bảo trì đường bộ, trong đó quy định thời hạn gói thầu bảo trì thường xuyên nên được điều chỉnh tăng từ 3 năm như hiện nay lên 5 năm. Điều này giúp tạo điều kiện cho các đơn vị trúng thầu tham gia bảo trì, đầu tư trang thiết bị, khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo trì và hiện đại hóa dịch vụ này.