|
|
Giao thông hỗn loạn, ùn ứ khiến cho áp lực công việc của các tài xế xe buýt trên địa bàn Tp.HCM càng tăng cao |
Một hội thảo mới đây đã gióng lên hồi chuông về sự xuống cấp của hệ thống xe buýt TPHCM, cũng như sớm tìm ra giải pháp hữu hiệu. Tình trạng ùn ứ tại Tp.HCM và Hà Nội đang là bài toán nan giải của chính quyền địa phương, thế nhưng các nhóm vận tải hành khách công cộng lại chưa được đầu tư bài bản. Tại Tp.HCM hơn 1.300 xe buýt đã đưa vào sử dụng 10 năm khiến cho chất lượng phục vụ ngày càng đi xuống khiến cho người dân cảm thấy sợ mỗi khi bước lên xe.
Bỗng được gọi là “hung thần”
Nỗi sợ của những người dân khi bước lên xe buýt không chỉ là do chất lượng xe xuống cấp mà còn do thái độ phục vụ của các tài xế, các tiếp viên không thân thiện khiến cho tình trạng các xe buýt trên địa bàn thành phố càng ít người đi. Vô hình chung, những chiếc xe buýt đi trên đường phố bỗng trở thành “hung thần” trong mắt người dân. Trong buổi tọa đàm “Tài xế trẻ với trách nhiệm, đạo đức” diễn ra tại Sở GTVT Tp.HCM, các tài xế xe buýt và taxi trên địa bàn thành phố mong muốn đóng góp những ý kiến để cải thiện tình trạng của các nhóm vận tải hành khách công cộng hiện nay, biến các “hung thần” này trở thành những “thiên thần” trên đường phố.
Đóng góp ý kiến cá nhân của mình với mong muốn các tài xế luôn lái xe có trách nhiệm và đạo đức, Anh Phạm Văn Đậu tài xế Taxi của hãng xe Mai Linh cho biết: Hiện nay chất lượng xe buýt trên địa bàn Tp.HCM không cao. Nhiều xe buýt cũ kĩ, hư hỏng và không được bảo trì tốt, mỗi khi dừng lại trạm và sau đó di chuyển thì khói đen xuất hiện dày đặc, nhiều xe lên ga rất lâu và chạy ì ạch. Chính vì chất lượng xe không đảm bảo khiến cho hành khách đi trên xe dường như bị tra tấn. Trong khi đó các tài xế chạy ẩu, nhiều hành khách khi chưa kịp lên xe hoặc ngồi xuống ghế thì xe đã di chuyển khiến cho họ bị té ngã. Đây là một số nguyên nhân khiến cho người dân mất lòng tin vào xe buýt và có cảm giác sợ mỗi khi bước lên xe.
Các tuyến xe buýt hiện nay trên địa bàn Tp.HCM vẫn phân bố chưa hợp lý |
Bên cạnh đó, việc phân bố các tuyến xe buýt hiện nay vẫn chưa hợp lý khiến cho tình trạng một số khu vực thì xe buýt dày đặc, nhưng một số nơi người dân muốn sử dụng xe buýt thì không có tuyến nào. Và để đi đến một địa điểm mà họ phải qua 2-3 tuyến xe khác nhau vừa tốn chi phí, vừa mất thời gian, công sức…khiến cho người dân không mặn mà với xe buýt. Các xe buýt di chuyển trên đường nhưng thường xuyên đi vào giữa đám đông phương tiện xe máy, lại di chuyển ra vào trạm liên tục. Đồng thời, tại các ngã tư mỗi khi có đèn đỏ lượng phương tiện dừng lại rất đông nhưng có từ 3-5 xe buýt nối đuôi nhau dẫn đến tình trạng dù đèn xanh đã xuất hiện nhưng xe vẫn không thể di chuyển . Tình trạng này chính là nguyên nhân khiến cho việc ùn ứ trên nhiều tuyến đường không thể khắc phục. Cụ thể có thể kể đến một số tuyến đường như: Mạng Tháng 8, Trường Chinh, Xô Viết Nghệ Tĩnh…
Đồng quan điểm với những tài xế taxi khi đưa ra những mặt hạn chế của xe buýt, một tài xế tuyến 33 ( bến xe An Sương – Đại học Quốc gia Tp.HCM) cũng mong muốn cải thiện hình ảnh “hung thần đường phố” đặc biệt là trong mắt người dân để họ sử dụng xe buýt nhiều hơn.
Ông Nguyễn Đức Trị, Trung tâm điều hành xe buýt công cộng Tp.HCM cũng nêu quan điểm. Hầu hết các xe buýt trên địa bàn đều đưa vào hoạt động từ năm 2003 cho đến nay. Dù các xe này có được bảo hành, sửa chữa tốt nhưng với lộ trình lặp lại hằng ngày dày đặc như thế thì chất lượng các xe xuống cấp là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, các tài xế lại làm việc trong môi trường khắc nghiệt, tình trạng xe đông đúc khiến cho những bất cập về chất lượng xe buýt và chất lượng phục vụ ngày càng nhiều.
“Công lực” càng cao, sức chịu đựng càng giỏi
Ông Nguyễn Ngọc tường – Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM cho biết. Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra chủ đề ATGT năm 2016 là “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỉ cương của người thực thi công vụ”. Và trong năm 2016 ngoài việc tuân thủ quy định của pháp luật, chúng ta phải chú trọng đến yếu tố con người đó chính là “trách nhiệm”. Như vậy trách nhiệm ở đây bao gồm cả các tài xế taxi và tài xế xe buýt. Chúng ta đang phấn đấu kéo giảm ít nhất 5% số thiệt hại do TNGT trên cả 3 mặt gồm: số vụ tai nạn, số người bị thương và số người chết. Tuy nhiên chúng ta chỉ mới kéo giảm được số vụ tai nạn và số người bị thương, riêng số người chết từ đầu năm đến nay lại tăng.
Ông Nguyễn Ngọc tường – Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM cho rằng các tài xế xe buýt phải có sự nhẫn nại mới xử lý được các tình huống trên đường |
Dù con số thống kê các vụ tai nạn liên quan đến 2 loại hình này rất ít. Cụ thể, số người tử vong liên quan đến xe buýt chỉ có 5 vụ và 1 vụ liên quan đến taxi và trong danh sách 10 đối tượng gây ra tai nạn trên địa bàn thành phố thì taxi đứng thứ 10 và xe buýt đứng thứ 6.
Và hiện nay, chúng ta đang phấn đấu để nâng cao hệ thống xe công cộng hoạt động trong địa bàn thành phố. Bởi người dân các tỉnh thành, người nước ngoài khi đến đây đều nhìn vào hệ thống xe công cộng để đánh giá một phần bộ mặt của thành phố.
Tình hình giao thông hiện nay của Tp.HCM và Hà Nội là ùn tắc nghiêm trọng lượng phương tiện dày đặc, gây cản trở rất lớn cho việc phát triển chung của thành phố. Nhiều năm nay, Ủy Ban ATGT, Sở GTVT Tp.HCM cùng nhiều cơ quan ban ngành đã tổ chức nhiều chương trình, nhiều cuộc hội thảo để các tài xế nâng tinh thần trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông. Tuy nhiên vấn đề mà ông Nguyễn Ngọc Tường quan tâm nhất đó chính là cách xử lý tình huống của các tài xế. Ông gọi một khái niệm chung cho vấn đề này là “công lực”.
Nhiều xe buýt trên địa bàn phải đón trả khách trong tình trạng giao thông ùn tắc |
Theo ông, nếu nói theo đánh giá khoa học thì phải đặt dấu hỏi là “công lực” thâm hậu của các tài xế hiện nay đang là bao nhiêu? Đối với các tài xế xe buýt lái xe trong điều kiện hiện nay trên địa bàn thành phố, với lượng phương tiện đông đúc như vậy, nhưng nhiều năm qua không gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng nào là một điều may mắn. Vì các tài xế lái xe trong điều kiện khắc nghiệt như thế nhưng hằng ngày nhưng phải đảm bảo thời gian, đảm bảo lịch trình, đảm bảo an toàn. Trong khi di chuyển trên đường các tài xế còn gặp lại gặp những tình huống như xe gắn máy tạt đầu xe, hoặc lạng lách phía trước. Lúc này, chính những tài xế cần phải giữ bình tĩnh và xử lý khôn ngoan, không nổi nóng, thì tôi cho rằng “nội công” của các tài xế rất thâm hậu. Những tài xế nào chịu đựng được những tình huống đó, thì là những tài xế lâu năm có kinh nghiệm và có trình độ thâm hậu.
Và trên thực tế có những tài xế trẻ gặp những tình huống đó thì lại nổi nóng và có những hành vi khác thường và phản ứng ngay. Thì sự phản ứng này đối với các tài xế xe buýt hay taxi là vô cùng nguy hiểm. Nếu chúng ta đã chấp nhận là tài xế thì chúng ta phải có một công lực thâm hậu, để khi tham gia trên đường các tài xế có những cách ứng xử khôn ngoan. Tôi nghĩ rằng, không một tài xế nào chạy xe lại muốn gây ra tai nạn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.