Ông Ngọ Duy Hiểu - Trưởng ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐVN - phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đ.T |
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Vũ Đại Thắng, sau 30 năm thực hiện Luât Đầu tư nước ngoài, khu vực FDI đã góp phần không nhỏ vào phát triển KTXH đất nước, nâng cao vị thế của VN trên trường quốc tế. Các dự án FDI được đầu tư 19/20 ngành, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo được các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mạnh, chiếm khoảng 14% tổng thu ngân sách đóng góp thiết thực cho ngân sách quốc gia.
Tuy nhiên hiện khu vực FDI cũng bộc lộ những bất cập như các dự án FDI trong công nghiệp chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỉ lệ nội địa hóa thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. Do đó, cần rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng tình hình lao động của khu vực DN FDI thời gian qua để từ đó đề ra những giải pháp phù hợp, có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của lao động trong khu vực FDI, nhằm tận dụng tối đa dòng vốn FDI. Đặc biệt, chuyển từ lợi thế nhân công giá rẻ sang nhân công kỹ thuật cao.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - Nguyễn Văn Phong, hiện tỉnh này có 16 KCN đã thu hút được 1.222 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư gần 16,5 tỉ USD, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động mỗi năm (năm 2017 có khoảng 277.000 lao động có việc làm). Cùng với việc tạo cơ chế thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài, Bắc Ninh đã ban hành các đề án phát triển hoạt động dịch vụ trong các KCN cho NLĐ. Qua đó đã cải thiện số lượng và chất lượng lao động, tăng thu nhập cho NLĐ.
Để thu hút các dự án FDI theo hướng tăng chất lượng, các ngành dịch vụ công nghiệp chất lượng cao, đặc biệt chú trọng đến các dự án công nghiệp hỗ trợ, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Đồng Nai - Phạm Văn Công cho rằng cần tăng chất lượng các DN FDI, nhất là các DN đầu tư chất lượng cao để nâng cao tay nghề cho NLĐ. Đặc biệt là cần có chính sách hỗ trợ các DN đào tạo nghề, xây dựng nhà ở, phương tiện đi lại cho công nhân.
Quan hệ lao động quyết định năng suất lao động
Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, do đó các dự án FDI đầu tư mới không theo số lượng mà phải có chất lượng, thu hút công nghệ cao, thân thiện với môi trường và đặc biệt là phải chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao. Theo TS Lê Văn Hùng - Viện Kinh tế Việt Nam - hiện chúng ta đã thu hút được nguồn vốn quan trọng từ FDI vào phát triển KTXH, qua đó nâng cao năng suất lao động (NSLĐ), tăng thu nhập cho NLĐ.
Ở khía cạnh tác động trực tiếp, vốn FDI tạo ra hiệu ứng tràn về công nghệ và kỹ năng đối với khu vực nội địa thông qua liên kết sản xuất giữa 2 khu vực. Hơn nữa, sự hiện diện của khu vực FDI làm gia tăng áp lực cạnh tranh buộc các DN nội địa cải tiến của họ. Từ đó, khu vực FDI sẽ tạo ra hiệu ứng cho khu vực nội địa và gián tiếp cải thiện năng suất lao động chung.
Tại hội thảo, Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐVN) - Ngọ Duy Hiểu đã nêu ra những thuận lợi, khó khăn bất cập của NLĐ đang làm việc tại các DN FDI như tiền lương, nhà ở, BHXH, thoả ước lao động tập thể, tranh chấp lao động. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến quan hệ lao động vì nó thể hiện rõ thực trạng đời sống của NLĐ, DN và sự phát triển KTXH của đất nước.
Cũng theo ông Hiểu, cần nghiên cứu, ban hành các quy định của pháp luật nhằm “thắt chặt”, hạn chế tình trạng DN FDI sa thải NLĐ sau tuổi 35 và cần có quy định và mở rộng quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN khi lao động bị sa thải sau tuổi 35. Đồng thời phát triển chính sách hỗ trợ lao động để ứng phó với các vấn đề xã hội nảy sinh từ quá trình thay đổi cơ cấu sản xuất, đổi mới công nghệ của DN. Do vậy, cần tạo điều kiện đầu tư thông thoáng và chặt chẽ, không chấp nhận thu hút đầu tư bằng mọi giá. Đồng thời cần có định hướng rõ ràng để phát triển thị trường lao động trong nước, như vậy mới có thể thu hút được những nhà đầu tư công nghệ cao vào đầu tư tại VN.
Cùng đó, các DN FDI cũng cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng lao động và làm việc cho NLĐ, không thể sa thải NLĐ vô căn cứ vì hiện nay đã xuất hiện tình trạng một số DN thu hút lao động trẻ vào làm việc và tìm cách cho những lao động từ 35 tuổi trở lên nghỉ việc để tránh đóng BHXH và trả lương. Việc này rất khó khăn cho NLĐ vì mất việc làm khi đã lớn tuổi không tìm được việc làm mới và cũng không thể quay trở lại làm nông nghiệp vì đất đai đang bị thu hẹp.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.