Chính sách mới này nếu được thông qua sẽ được ứng dụng ngay vào cơ chế cấp giấy phép làm việc cũng như được trình bày trong bản dự thảo kinh tế vào tháng 6/2018 tới đây. |
Mới đây, chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch dỡ bỏ quy định bắt buộc các lao động nhập cư trình độ thấp phải biết tiếng Nhật trước thực trạng ngày càng thiếu nhân lực trên thị trường.
Đây là một sự chuyển biến tích cực của chính phủ Nhật khi quốc gia này chủ yếu cấp giấy phép lao động cho những người có tay nghề cao hoặc có học vấn. Với quyết định này, chính quyền Tokyo kỳ vọng sẽ thu hút hơn 500.000 lao động nhập cư tính đến năm 2025, chủ yếu vào những ngành đang cực kỳ thiếu thốn nhân viên.
Năm 2017, Nhật Bản có khoảng 1,27 triệu lao động kỹ thuật thấp đang làm việc ở thị trường này. Thời gian tới, chính phủ Nhật muốn thu hút thêm lao động vào các ngành đang cực kỳ thiếu nhân lực như xây dựng, nông nghiệp, nhân viên khách sạn, y tá chăm sóc, đóng tàu hay những mảng sản xuất khác.
Với quy định hiện hành, các lao động muốn làm việc ở Nhật phải làm bài kiểm tra ngôn ngữ chuyên ngành cũng như kỹ thuật lao động.
Hiện bản dự thảo cho quy định cho lao động nhập cư mới đang được xây dựng và dự kiến sẽ cấp tối đa 5 năm thị thực cho lao động. Tuy nhiên tất cả mới chỉ là dự đoán. Tại Nhật Bản, chỉ những lao động có trình độ mới được cấp visa ở lại tối đa 5 năm.
Theo kế hoạch mới, việc loại trừ yêu cầu học tiếng Nhật sẽ khiến các lao động nước ngoài gặp chút khó khăn khi giao tiếp. Dẫu vậy, thông thường một người lao động nước ngoài sẽ thông thạo giao tiếp tiếng Nhật sau khoảng 300 giờ thực hành.
Đối với những ngành như xây dựng và nông nghiệp, yêu cầu về ngôn ngữ thực sự không hề cao khi những người nước ngoài có thể làm việc mà không cần hiểu hết tiếng Nhật.
Nhật Bản được cho là sẽ thiếu hụt 780.000-930.000 lao động vào năm 2025. Bởi vậy chính phủ nước này đang lên kế hoạch "nhập khẩu" 300.000 lao động nước ngoài cho những ngành như xây dựng thông qua việc hạ tiêu chuẩn tuyển nhân lực.
Việc dân số già hóa nhanh đang khiến kinh tế Nhật đối mặt nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp nước này là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nhất do không có đủ lao động trong khi Nhật Bản là quốc gia luôn phải nhập khẩu nhiều lương thực.
Tính đến năm 2023, nông nghiệp Nhật sẽ thiếu khoảng 46.000-103.000 nhân lực. Trong khi đó chương trình cải cách mới này nếu được thông qua dự kiến sẽ đem lại 26.000-83.000 nông dân nhập cư.
Ngoài ra, mảng chăm sóc người già cũng đang thiếu lao động trầm trọng bởi dân số già hóa nhanh. Tính đến năm 2025, Nhật ước tính thiếu khoảng 550.000 nhân lực trong ngành này. Mặc dù chính phủ đã liên tục tăng lương cho ngành này nhưng nguồn cung trong nước không đủ. Chính quyền Tokyo dự tính sẽ nhập khẩu thêm khoảng 10.000 lao động ngành này thời gian tới.
Kể từ khi đắc cử lần 2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giúp nền kinh tế Nhật Bản thu hút khoảng 600.000 lao động, chủ yếu thông qua các chương trình thực tập công nghệ và nhắm tới những lao động tay nghề cao.
Đến năm 2040, Nhật Bản ước tính số người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) của nước này sẽ giảm 15 triệu người, một con số đáng báo động.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.