Cần công khai, minh bạch thông tin giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc-Nam

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Thị trường 26/03/2019 06:09

Tuyến cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia được chia làm 11 dự án, trong đó 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành phê duyệt 11 dự án đầu tư xây dựng, công tác khảo sát thiết kế, cắm cọc, bàn giao cọc giải phóng mặt bằng được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh, nhằm đảm bảo tiến độ dự án mà Quốc hội và Chính phủ giao.

 

_G0059695_11
 

Tuyến cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia, với tổng chiều dài 654km; tổng mức đầu tư các dự án khoảng 118.716 tỷ đồng, đi qua địa phận 13 tỉnh, bao gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Hiện nay, Bộ GTVT đã hoàn thành phê duyệt 11/11 dự án đầu tư xây dựng công trình, dự kiến công tác khảo sát thiết kế, cắm cọc, bàn giao cọc giải phóng mặt bằng và mốc lộ giới của các dự án sẽ hoàn thành cuối quý I, đầu quý II năm 2019; công tác thiết kế kỹ thuật các dự án sẽ được hoàn thành trong năm 2019. Ngoài ra, Bộ GTVT đã phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán chi phí khảo sát, thiết kế kỹ thuật cho 11/11 dự án; phê duyệt kế hoạch và dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng cho 8/11 dự án, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2; còn lại 3 dự án: QL45 - Nghi Sơn, Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết do đi qua một tỉnh nên không phải phê duyệt khung chính sách và đã thành lập Hội đồng Giải phóng mặt bằng ở các địa phương vào cuối năm 2018.

Dự án  cao tốc Bắc - Nam có khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn với tổng kinh phí khoảng 12.400 tỷ đồng. Dự kiến, hơn 4.800 ha đất được thu hồi, gần 4.000 hộ dân và nhiều công trình xã hội khác phải di dời. Đến thời điểm này đã có 10/11 địa phương thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng. Riêng dự án Phan Thiết - Dầu Giây qua địa bàn hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, chính quyền địa phương đang yêu cầu các huyện hoàn thiện thủ tục điều chỉnh.

Tại Hội nghị về giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì mới đây, lãnh đạo các tỉnh khẳng định sẽ tập trung giải phóng mặt bằng cho dự án. Với quy mô của dự án lớn, có nhiều hộ dân phải di dời, các bộ, ngành cần sớm bố trí vốn để giải quyết. Các địa phương đề nghị Bộ GTVT cần bàn giao mốc giới giải phóng mặt bằng sớm hơn so với kế hoạch để địa phương có kế hoạch triển khai.

Phát biểu tại Hội nghị về giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, sau Hội nghị này sẽ triển khai chỉ đạo các ban QLDA và các đơn vị sớm bàn giao hồ sơ cắm mốc giải phóng mặt bằng để triển khai các bước tiếp theo; sớm bố trí kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để chuyển đến các hội đồng giải phóng mặt bằng và cung cấp mã dự án cho các địa phương để mở tài khoản phục vụ công tác giải phóng mặt bằng tại Kho bạc Nhà nước các huyện. Ngoài ra, các ban cũng chỉ đạo cán bộ điều hành các dự án và giải phóng mặt bằng thường xuyên phối hợp với UBND và hội đồng giải phóng mặt bằng cấp huyện, thị xã của các địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng được nhanh, chính xác để sớm có mặt bằng thi công dự án.

Để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương cùng đơn vị quản lý kiểm tra thường xuyên công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, không để ảnh hưởng đến tiến độ của dự án; giải phóng mặt bằng là yếu tố quyết định đến thành công của dự án. Dự án cao tốc Bắc - Nam là dự án có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nên cần hoàn thành sớm và đạt chất lượng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ GTVT phải công khai, minh bạch và thông tin về dự án, nhất là phân bổ vốn để giải phóng mặt bằng hoàn thành trước quý II/2019. Bộ GTVT cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án... Đối với UBND các tỉnh, thành phố cần tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư; hỗ trợ cung cấp các nguồn vật liệu cho dự án; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, không để xảy ra các điểm nóng trong quá trình thực hiện dự án.

Ý kiến của bạn

Bình luận