đèn check engine |
Sử dụng xe hằng ngày nhưng nhiều chủ xe, đặc biệt là nữ giới thường không để ý tới đèn báo cảnh báo hoặc không rõ ý nghĩa của những biểu tượng đó. Hầu hết các sách hướng dẫn sử dụng đề cập tới vấn đề này nhưng không phải ai cũng có thời gian đọc hay hiểu đúng.
Theo một kỹ thuật viên của Ford, thông thường toàn bộ các đèn trên xe bật sáng khi mở khóa điện, nhưng khi nổ máy, đèn phải tắt hết. Trong trường hợp có đèn còn sáng khi động cơ đã hoạt động, xe cần được kiểm tra.
Trường hợp lỗi nhẹ, xe vẫn vận hành. Nhưng nếu không kiểm tra ngay có thể lỗi sẽ nặng hơn. Còn trong trường hợp lỗi nặng, hệ thống đưa động cơ về hoạt động ở chế độ mặc định, tức là chỉ chạy được ở tốc độ tối đa 40 km/h. Trường hợp này xe cần đưa về xưởng ngay lập tức.
Trong số các đèn cảnh báo thì đèn check engine (biểu tượng động cơ) có tầm quan trọng nhất vì là trái tim của xe và là cơ cấu đắt tiền. Các nguyên nhân làm đèn này sáng đa phần đến từ hệ thống điều khiển chứ không liên quan tới cơ khí. Chẳng hạn lỏng giắc cắm điện, cảm biến ôxy lỗi, nắp bình xăng chưa vặn chặt, cảm biến lưu lượng khí hoạt động không bình thường, hệ thống đánh lửa bị lỗi, bình ắc quy yếu...
Đèn check engine sáng, sau khi kiểm tra, một số xe còn phát hiện bơm xăng yếu nên áp lực phun không đủ, xe đi bị giật, vòng tua máy không đủ. Trường hợp này phải thay cả bơm xăng.
Một số lỗi lại liên quan tới cảm biến chân ga, bơm dầu yếu, cảm biến khí xả bẩn. Cá biệt có hiện tượng chuột cắn dây cảm biến làm hệ thống không nhận được các tín hiệu.
Các chuyên gia kỹ thuật cho rằng, người sử dụng không nên tự xóa lỗi bằng cách tháo nguồn điện. Điều này có thể gây nguy hiểm cho người thiếu kinh nghiệm tháo lắp ắc-quy. Trong vài trường hợp đèn báo tắt khi làm bằng cách này nhưng lỗi không được khắc phục triệt để mà chỉ có tính tạm thời.
Hành động hợp lý nhất là mang xe tới các garage có máy quét lỗi để xác định và sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.