Cân nhắc tạm giữ xe 7 ngày trước khi xử phạt

Hoạt động Ban ATGT 30/09/2015 10:37

Đó là đề nghị của Bộ Tư pháp trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải góp ý dự thảo nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

 

Một tình huống xử lý vi phạm của cảnh sát giao thô
Một tình huống xử lý vi phạm của cảnh sát giao thông.

Theo Bộ Tư pháp, về biện pháp tạm giữ phương tiện, điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính tối đa là 7 ngày kể từ ngày tạm giữ và việc tạm giữ phải chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành.

Thời hạn tạm giữ có thể kéo dài với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp nhưng tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày tạm giữ tang vật, chứng chỉ hành nghề, giấy phép.

Tuy nhiên, điều 77 dự thảo nghị định nói trên lại quy định “cứng” biện pháp tạm giữ phương tiện đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt. Bộ Tư pháp cho rằng quy định này có thể dẫn đến cách hiểu và áp dụng coi như đây là hình thức xử phạt trên thực tế.

Do vậy, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc kỹ, chỉnh lý lại quy định này trong dự thảo nghị định.

Dự thảo nghị định nói trên có quy định mức phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (người chưa thành niên) điều khiển môtô có dung tích xilanh từ 50cm3 trở lên; phạt tiền từ 1,2 - 3 triệu đồng đối với người chưa thành niên điều khiển ôtô, xe máy kéo.

Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nghị định nghiên cứu, cân nhắc việc quy định xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên vì theo quy định Luật xử lý vi phạm hành chính thì việc xử lý người chưa thành niên theo nguyên tắc nhẹ hơn người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính.

Theo đó, trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá một nửa mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên.

Khoản 4 điều 23 dự thảo nghị định nói trên quy định phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của ôtô khách. Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung quy định mức phạt tối đa không quá 40 triệu đồng với hành vi trên để đảm bảo không vượt quá mức phạt tiền quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực giao thông đường bộ.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ các hành vi vi phạm trong dự thảo nghị định có sự trùng lặp với các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác...

Ý kiến của bạn

Bình luận