Cần sớm có giải pháp cứu cầu Long Biên

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 01/06/2022 10:56

Ngày 31/5, Cục Đường sắt Việt Nam đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan nhằm tìm giải pháp đảm bảo ATGT qua cầu Long Biên sau khi xảy ra hai vụ thủng mặt cầu.

Đã hơn 121 năm tuổi nên cầu Long Biên quá xuống cấp

Đã hơn 121 năm tuổi nên cầu Long Biên quá xuống cấp

Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc sập tấm đan mặt cầu ngày 28/5, Cục Đường sắt Việt Nam, cùng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải đã trực tiếp kiểm tra hiện trường. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, tình hình an ninh trật tự, ATGT đường bộ qua cầu Long Biên rất phức tạp.

Dù Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải đã nhiều lần phối hợp với các lực lượng chức năng ra quân giải tỏa, tuần đường, bảo vệ cầu và nhắc nhở người dân nhưng vẫn tái diễn tình trạng buôn bán, họp chợ trên cầu. Ngoài ra còn có tình trạng nhiều khách du lịch khi đến bãi giữa sông Hồng đã tập trung trên lối đi bộ để chụp ảnh, thậm chí nhiều người còn đi xe máy lên lối đi này để đi ra cầu thang xuống bãi. Việc tập trung xe máy hai bên cánh gà sát lan can cầu đã gây áp lực tải trọng lên kết cấu cầu. Chưa kể tình trạng xe quá tải lên cầu như xe máy thồ hàng, xe ba gác, xe chở nặng, bất chấp hai bên đầu cầu có biển cấm ô tô, xe đạp thồ, xe máy thồ lưu thông từ 5h-20h cũng như biển cảnh báo cầu yếu.

Đại diện Công ty CP Đường sắt Hà Hải cho hay, tới đây, đơn vị sẽ cho lắp camera theo dõi phần đường bộ để ghi lại các vi phạm chở nặng qua cầu.

Cục trưởng Vũ Quang Khôi đánh giá, cầu Long Biên đã sử dụng hơn 121 năm, quá xuống cấp. Dù hàng năm Bộ GTVT đều quan tâm dành kinh phí bảo trì cầu nhưng do lượng phương tiện quá đông, quá tải nên phần đường bộ xuống cấp nhanh. Do đó, cần thực hiện ngay các giải pháp trước mắt để đảm bản ATGT khu vực cầu.

Ông Phạm Minh Khôi, Trưởng ban Quản lý Kết cấu hạ tầng đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) cho biết, để giảm rung lắc khi tàu đi qua và đảm bảo an toàn, năm 2022, đơn vị đã giảm tốc độ chạy tàu qua cầu Long Biên từ 25 km/h xuống còn 15 km/h.

Năm 2021, kinh phí bảo trì cầu Long Biên là 8,5 tỷ đồng, năm 2022 là khoảng hơn 9,7 tỷ đồng bao gồm cả kinh phí bảo dưỡng cầu đường sắt, kinh phí bảo dưỡng cầu đường bộ và kinh phí tuần cầu, bảo vệ cầu. Kinh phí ít rất khó khăn cho công tác bảo trì trong khi cầu đã xuống cấp như vậy.

Trước mắt, Cục Đường sắt Việt Nam yêu cầu Công ty CP Đường sắt Hà Hải cần tăng cường theo dõi trạng thái cầu; kiểm tra, đánh dấu các vị trí xung yếu để kịp thời phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố; tăng cường các biển cấm tụ tập đông người, phương tiện trên mặt cầu, lối đi bộ hành; điều tra, khảo sát hệ thống giằng đỡ bằng thép phía dưới phần đường bộ để có kế hoạch sửa chữa thay thế.

Về lâu dài, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng, cần sớm đầu tư cầu đường sắt mới vượt sông Hồng theo dự án tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi. Hiện dự án tuyến này đã được bàn giao lại cho TP. Hà Nội tiến hành nghiên cứu. 

Vừa qua, một nhà đầu tư đề xuất tham gia nghiên cứu trùng tu, khai thác cầu Long Biên như một công trình văn hóa lịch sử. TP. Hà Nội đã được cấp có thẩm quyền giao chủ trì, phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu dự án.

Ý kiến của bạn

Bình luận