GIới trẻ hồn nhiên, dũng cảm vượt qua hộ lan và khoảng cách giữa đường bộ và đường sắt để chụp ảnh trên cầu Long Biên. |
“Tử thần” nơi “tọa độ sống ảo”
Cầu Long Biên nằm ở khu vực trung tâm TP Hà Nội, bắc qua sông Hồng, nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên. Cây cầu được khánh thành vào năm 1902 và hoạt động xuyên suốt 117 năm qua, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử với những tác động lớn tới kết cấu cây cầu. Cầu Long Biên hiện nay đang nằm trong danh sách cầu yếu và vẫn “gồng mình” kết nối với lượng phương tiện đông đúc lưu thông qua khu vực.
Thời gian gần đây, cầu Long Biên nhộn nhịp hơn bao giờ hết, nhất là vào dịp cuối tuần, không chỉ bởi mật độ phương tiện lớn, mà bởi việc chụp ảnh trên đường sắt cầu Long Biên đang trở thành trào lưu mới.
Kể từ khi “phố cafe đường tàu” – “địa điểm check in mạo hiểm” bị dẹp bỏ, một bộ phận giới trẻ tại Thủ đô muốn có cho mình những bức ảnh mang màu sắc hoài cổ đã tìm đến cầu Long Biên.
Cây cầu có kiến trúc cổ điển, nhuốm đậm màu sắc của thời gian cùng với chiều sâu hun hút tạo nên không gian ấn tượng đặc trưng. Chính vì vậy, không ít người sẵn sàng vượt rào bất chấp tính mạng và coi thường pháp luật để chụp ảnh, trong đó, phần đông là giới trẻ.
Đường sắt nằm giữa cầu Long Biên có khoảng trống cách biệt so với làn đường bộ dành cho xe máy và xe thô sơ. Chính vì vậy, không chỉ phải trèo qua hàng rào ngăn cách đường bộ, người đi chụp ảnh còn phải chông chênh bước qua khoảng trống trên mặt cầu.
Cùng với đó, mật độ phương tiện lớn di chuyển liên tục khiến “cây cầu cổ” có độ rung nhất định, đặc biệt là khi tàu hỏa di chuyển qua cầu. Những người xa lạ với cây cầu này, sẽ có cảm giác hơi sợ khi đứng tại đây. Điển hình như bạn Mỹ L. đến từ TP Hồ Chí Minh bày tỏ với chúng tôi cảm giác bất an khi đứng trên mặt cầu. Theo bạn Mỹ L., đây là lần đầu tiên L. đứng trên một cây cầu rung như vậy.
Cũng có mặt trên cầu Long Biên, nhiều người dân và du khách nước ngoài vẫn lựa chọn việc chụp ảnh an toàn khi đứng ở vỉa hè dành cho người đi bộ, hoặc ở khu vực dừng xe trên cầu, thay vì mạo hiểm tính mạng để trèo vào đường ray tàu hỏa.
Để có thể vượt qua hàng rào vào khu vực được coi là chụp ảnh đẹp nhất trên cầu Long Biên có thể nói là một hành trình không phải ai cũng dũng cảm vượt qua. Chưa kể tới khi tàu hòa đến, việc rời khỏi đường ray không đơn giản như tại phố café đường tàu. Nếu vội vàng, rất có thể sẽ bị mắc kẹt.
Bất chấp tất cả
Được biết, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đảm bảo ATGT đường sắt tại khu vực đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn người dân, du khách vượt rào vào đường ray tàu hỏa để chụp ảnh. Tuy nhiên, tình trạng này khó có thể duy trì đều đặn.
Ghi nhận của Tạp chí GTVT vào khoảng 15h30 và 16h30 ngày 1/12, các đoàn tàu rời ga Long Biên đã không thể di chuyển ngay mà phải dừng lại và liên tục gióng nhiều hồi còi để giải tán đám đông đang chụp ảnh trên đường ray. Sau đó, đoàn tàu phải “rè chừng” khi di chuyển qua địa điểm chụp ảnh “hot” của giới trẻ.
Mặc dù các biển cảnh báo, khẩu hiệu nhắc nhở, ghi rõ mức xử phạt hành vi vi phạm được bố trí tại các "điểm nóng" rất dễ quan sát, nhưng người dân vẫn bất chấp tất cả. Thậm chí, những biển hiệu này dường như còn trở thành "đạo cụ" phục vụ chụp ảnh.
Mức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm ATGT đường sắt theo quy định hiện hành được treo ngay tại vị trí được nhiều người trèo vào nhất. Trong đó nêu rõ: “Đối với hành vi đi, đứng, nằm, ngồi trong cầu, hầm dành riêng cho đường sắt từ người đang làm nhiệm vụ, áp dụng mức phạt chính đối với cá nhân là từ 300.000 đến 500.000 đồng…”.
Ngày 10/10 vừa qua, lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã ra quân dẹp “phố cafe đường tàu” nhằm loại bỏ nguy cơ xảy ra thảm họa TNGT. Quyết định này của chính quyền thành phố đã được đông đảo người dân hoan nghênh vì thể hiện sự kiên quyết không chấp nhận để tồn tại những hành vi coi thường quy định pháp luật về trật tự, ATGT.
Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá cao quyết định có tính khẩn cấp của UBND TP Hà Nội và cho rằng, sự cương quyết trong việc dẹp bỏ “phố café đường tàu” cần phải được tiếp tục áp dụng ở những nơi khác.
“Chúng ta cần phải dừng ngay những thảm họa có thể xảy ra”, Phó Chủ tịch Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Thiết nghĩ, chụp ảnh trên đường ray tàu hỏa có thể tạo sự thích thú với những bức ảnh đẹp. Tuy nhiên, khi xảy ra điều không may thì đó sẽ là một thảm họa thực sự. Khi ấy, cầu Long Biên từ “tọa độ sống ảo” sẽ trở thành “địa chỉ của thảm họa”. Các cơ quan chức năng cần sớm đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo an toàn hơn nữa để không ai phải nói cụm từ “giá như”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.