Can thiệp quá sâu vào nhiều tập đoàn lớn,Chính phủ Nhật lặp lại sai lầm?

Tác giả: vnreview

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 29/06/2017 06:16

Kinh tế Nhật sẽ không thể phục hồi thực sự cho đến khi chính phủ ngừng định hướng doanh nghiệp quá mức.

japandisplays_gwkf

Thất bại đối với Japan Displays chưa làm cho chính phủ Nhật tỉnh ngộ? - Ảnh: Geek

Những ngày gần đây, thông tin kinh tế Nhật luôn phát đi tín hiệu tích cực khiến không ít người ngạc nhiên. Tăng trưởng kinh tế cao hơn nhiều so với khoảng thời gian trước. Thất nghiệp gần như không tồn tại. Chính phủ Nhật đang ráo riết giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng đã lâu. Chính phủ Nhật cũng đang nới lỏng dần chính sách bảo hộ thương mại và chuẩn bị ký kết thỏa thuận thương mại lịch sử với Liên minh châu Âu (EU).

Thế nhưng theo bài báo mới đây trên Bloomberg, có nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp Nhật vẫn tiếp tục sai lầm dù họ đã phải trải qua 25 năm nền kinh tế không tăng trưởng hoặc nếu có chỉ là sự tăng trưởng chật vật. Điển hình có thể kể đến những lộn xộn xung quanh việc bán bộ phận sản xuất chip của Toshiba. 

Trong tuần trước, Toshiba công bố hãng ưu tiên bán bộ phận này cho một quỹ do chính phủ Nhật bảo trợ mang tên Innovation Network Corp. of Japan và một ngân hàng cũng được chính phủ Nhật chống lưng. Nếu thỏa thuận này cuối cùng được chấp thuận, chính phủ Nhật sẽ có vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động kinh doanh chip của Toshiba sau này.

Trong khoảng thời gian kinh tế Nhật tăng trưởng thần kỳ cách đây nhiều thập niên, chính phủ Nhật cũng làm tương tự. Họ luôn ưu tiên định hướng phát triển công nghệ, kỹ thuật và vì vậy cũng rót mạnh tiền đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, bảo vệ doanh nghiệp mới trong ngành, thậm chí can thiệp cả vào nhóm các doanh nghiệp tư nhân để phục vụ cho lợi ích quốc gia.

Hệ thống đó đã mang lại nhiều thành công cho kinh tế Nhật trong khoảng thời gian sau chiến tranh thế giới. Thế nhưng khi kinh tế phát triển đến một mức độ nào đó, chính sách ưu đãi tối đa kiểu như vậy lại tạo ra rất nhiều yếu tố không hiệu quả cho nền kinh tế. 

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả vẫn tiếp tục tồn tại và gây ra sức ì lớn lên nền kinh tế. Giới chuyên gia về Nhật Bản khẳng định đã đến lúc chính phủ Nhật nên giảm bớt việc can thiệp quá sâu vào các tập đoàn lớn để nền kinh tế có sức cạnh tranh cao hơn.

Cách chính phủ Nhật can thiệp vào Toshiba mới đây cho thấy họ vẫn đi theo lối mòn cũ. Người ta đặt câu hỏi tại sao chính phủ Nhật lại phải làm vậy ngay từ ban đầu trong khi thực tế bộ phận sản xuất và kinh doanh ship của Toshiba nhận được khá nhiều lời chào mua hấp dẫn từ nhiều doanh nghiệp tư nhân. Theo chuyên gia về mảng doanh nghiệp của Bloomberg, ông Tim Culpan, nếu bộ phận đó về tay doanh nghiệp tư nhân, tương lai của nó sẽ sáng sủa hơn rất nhiều.

Theo lý giải của chính phủ Nhật, họ phải nắm quyền kiểm soát tại Toshiba bởi quan niệm công nghệ chip luôn phải ở trong tay người Nhật, ngoài ra, họ cũng cần phải giữ việc làm cho người Nhật. Trong khi Nhật đang thừa việc làm, tỷ lệ thất nghiệp chỉ 2,8%, thấp nhất trong hơn hai thập kỷ, chính vì vậy, sẽ hoàn toàn không hợp lý nếu chính phủ Nhật nói rằng muốn cứu Toshiba vì muốn người dân có việc làm. 

Chính phủ Nhật đang lặp lại không ít sai lầm trong quá khứ. Năm 2012, cũng chính quỹ Innovation Network của chính phủ Nhật đã lập ra Japan Display bằng cách sáp nhập bộ phận sản xuất màn hình của 3 tập đoàn/công ty điện tử Nhật trong đó có Toshiba, sau đó cũng chính Innovation Network đứng ra làm cổ đông lớn nhất. 

Khi làm vậy, chính phủ Nhật đặt mục tiêu sẽ giúp cho nước Nhật luôn có lợi thế cạnh tranh cao nhất trong ngành sản xuất màn hình LCD. Thế nhưng cuối cùng, Japan Displays khốn khổ cạnh tranh với nhiều tập đoàn lớn khác cùng ngành nghề như Samsung. Ngay cả khi mọi chuyện đã xảy ra như vậy, chính phủ Nhật cũng vẫn muốn duy trì Japan Display. Tháng Mười hai năm ngoái, Innovation Network lại bơm thêm 640 triệu USD để cứu Japan Display.

Ngược lại, hãy nhìn vào Sharp, một tập đoàn điện tử khác của Nhật. Lẽ ra, Innovation Network hiện đang là cổ đông lớn nhất tại Sharp, giống như họ làm với Toshiba. Thế nhưng ban lãnh đạo của Sharp đã khiến chính phủ Nhật sốc khi họ quyết định chọn một tập đoàn ngoại để bán doanh nghiệp của mình: Tập đoàn Hồng Hải của Đài Loan, nhà sản xuất chính linh kiện cho iPhone suốt nhiều năm. 

Hồng Hải đã nhanh chóng bắt tay vào việc tái cơ cấu lại Sharp, cắt giảm chi phí và có nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh doanh của Sharp đang khôi phục trở lại. Trong năm tài khóa vừa qua, Sharp vẫn thua lỗ nhưng mức lỗ thấp hơn các năm trước rất nhiều.

Tác giả bài báo không hề có ý định khẳng định các nhà quản lý người Nhật không giỏi quản lý như người nước ngoài. CEO Nhật đã chứng tỏ khả năng đưa ra được các quyết định kinh doanh đầy táo bạo, dứt khoát và họ cũng có thể làm hồi sinh các tập đoàn yếu kém như họ đã từng vực dậy Panasonic. Thế nhưng trong hoạt động doanh nghiệp, hãy để cho các doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh bình đẳng. 

Khi chính phủ Nhật liên tiếp can thiệp cứu các tập đoàn, họ đang làm hại chứ không phải đang bảo vệ cho nước Nhật. Họ đã không chấp nhận để thị trường quyết định hoạt động của doanh nghiệp. Bằng cách đưa ra quá nhiều ràng buộc và bảo vệ nhiều doanh nghiệp tồn tại lâu năm, chính phủ Nhật cản trở doanh nghiệp mới phát triển. Cũng chính vì thế, hoạt động khởi nghiệp tại Nhật kém hơn rất nhiều so với nhiều nước khác. 

Việc theo đuổi chính sách chính phủ can thiệp vào doanh nghiệp để đảm bảo các mục tiêu quốc gia có cái giá phải trả không hề rẻ. Kinh tế Nhật đã khó khăn suốt ¼ thế kỷ qua. Chỉ hy vọng, những gì xảy ra với Toshiba sẽ là lần cuối của chính sách can thiệp mạnh mẽ vào doanh nghiệp.

Ý kiến của bạn

Bình luận