Taxi hoạt động trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa. Ảnh: Công Hùng |
Với cường độ như vậy, cần thiết phải siết chặt các quy định về niên hạn sử dụng kinh doanh của xe taxi để đảm bảo ATGT và bảo vệ môi trường.
Đô thị đặc biệt cần quy định đặc biệt
Tại Điều 17, Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có quy định: “Xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác”. Trao đổi về quy định này, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, khi đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định 86, một số đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thậm chí đã đề xuất niên hạn taxi chỉ được 5 năm. Tuy nhiên, sau đó, Bộ GTVT và các địa phương đã đồng thuận quy định là 8 năm. “Các xe taxi tại đô thị lớn có cường độ hoạt động rất cao, trung bình khoảng từ 3.500 - 4.500km/tháng; sau từ 5 - 7 năm, chất lượng xe xuống cấp rất nhanh. Để đảm bảo an toàn cho hành khách, người lái và người tham gia giao thông cũng như bảo vệ môi trường khỏi khí thải, rất cần thiết phải siết chặt các quy định về niên hạn sử dụng” - ông Long nhìn nhận.
Vừa qua, một số DN kinh doanh dịch vụ taxi có ý kiến cho rằng, cần “cào bằng” niên hạn taxi giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác. Tuy nhiên, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định: “Không thể cào bằng như vậy, bởi trên thực tế, nhu cầu sử dụng taxi tại các đô thị đặc biệt cao hơn nhiều lần so với đô thị bình thường. Ví như một đồ vật thông thường, dùng nhiều hơn thì sẽ chóng hỏng hơn. Tôi cho rằng, phân loại đô thị để có quy định cụ thể về niên hạn taxi là việc cần phải làm”. Ông Đào Việt Long cũng cho biết, thực tế quy định về niên hạn taxi tại đô thị đặc biệt như Hà Nội đã được nhiều tổ chức, DN ủng hộ từ lâu. “Còn một bộ phận DN có đề xuất trái chiều thì đó là ý kiến riêng, cơ quan quản lý Nhà nước, mà cụ thể là Bộ GTVT cũng sẽ tiếp nhận và xem xét một cách nghiêm túc”.
Cần chế tài xử lý việc “lách luật”
Trên thực tế, cơ quan quản lý đang rất đau đầu với những chiêu trò “lách luật” của nhiều DN kinh doanh taxi. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, thời gian qua, do chủ trương giữ ổn định số đầu phương tiện taxi trên địa bàn TP nên Sở đã dừng cấp phép thành lập thêm DN và không cho tăng số lượng xe taxi. Để đối phó với quy định này, một số DN đã “lách luật”, mở trụ sở, đăng ký kinh doanh trên địa bàn một số tỉnh giáp ranh Hà Nội để được cấp phù hiệu “xe taxi”; sau đó đưa phương tiện quay trở lại địa bàn Hà Nội hoạt động.
Bên cạnh đó, cũng có DN viện dẫn rằng xe hợp đồng thí điểm ứng dụng công nghệ (hay còn gọi là taxi công nghệ - PV) không bị quy định về niên hạn, và như vậy taxi truyền thống phải chịu thiệt thòi hơn. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, thực tế là taxi công nghệ cũng phải chấp hành quy định niên hạn khai thác 8 năm. Điều này được nêu rõ trong phần III, mục 4, Kế hoạch thí điểm tại Quyết định số 24/QĐ - BGTVT, ngày 7/1/2016 của Bộ GTVT.
Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách, trong đó có đặt ra vấn đề thống nhất niên hạn sử dụng của taxi là 12 năm cho tất cả các địa phương. Nhiều chuyên gia cho rằng, có thể quy định niên hạn chung 12 năm sẽ giúp hạn chế tình trạng “lách luật”, đưa taxi hết niên hạn ra ngoại tỉnh đăng ký kinh doanh rồi đưa về hoạt động tại các đô thị đặc biệt. Tuy nhiên, đây chỉ là cách “đỡ đòn” và thể hiện sự yếu thế của cơ quan quản lý Nhà nước. Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhận định: “Theo tôi, vẫn phải giữ nguyên quy định niên hạn 8 năm đối với taxi tại các đô thị đặc biệt. Bên cạnh đó, cần có thêm những chế tài nhằm chấm dứt tình trạng “lách luật" đăng ký xe tỉnh ngoài rồi đem về kinh doanh ở Hà Nội hiện nay”.
Kiến nghị gia hạn niên hạn sử dụng xe taxi kéo dài thêm 12 tháng trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP của các DN taxi là phù hợp. Bởi nhiều xe đăng ký kinh doanh tại thời điểm cuối năm 2010, thực tế mới chỉ vận hành được có 7 năm. Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long Dự thảo Quy chế quản lý xe taxi của Hà Nội đã có những quy định rất rõ ràng về vấn đề phân vùng hoạt động, đồng nhất màu sơn… Đây sẽ là những chế tài hữu hiệu để hạn chế tình trạng taxi “dù”, taxi ngoại tỉnh hoạt động tại Hà Nội. Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.