Đề xuất quy định niên hạn sử dụng đối với xe máy “hết đát”

Giao thông 24h 05/08/2016 15:28

Cần thiết phải ban hành quy định về kiểm định kỹ thuật phương tiện xe máy để có căn cứ quy định về niên hạn sử dụng xe máy.

xe_may

Xe máy cần thiết phải ban hành quy định về niên hạn sử dụng nhằm giảm tai nạn giao thông

Để giảm tai nạn giao thông, đại diện các chuyên gia nghiên cứu về thực trạng an toàn giao thông và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho rằng, cần thiết phải ban hành quy định về kiểm định kỹ thuật phương tiện xe máy để có căn cứ quy định về niên hạn sử dụng xe máy.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng thống nhất với xe có thời gian sử dụng trên 15 năm cần có quy định chặt chẽ hơn về quy định niên hạn đồng thời phải có những nghiên cứu khoa học, tham khảo lấy ý kiến của những người đang sử dụng xe máy để quy định ban hành mang lại giao thông an toàn.

Tuổi đời cao tỷ lệ thuận tai nạn

Tại buổi công bố kết quả nghiên cứu an toàn giao thông năm 2015 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và VAMM phối hợp vào ngày 4/8 vừa qua, theo Phó giáo sư, tiến sỹ Chu Công Minh, Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trong số toàn bộ các vụ tai nạn được ghi nhận bởi khảo sát tình hình sở hữu và sử dụng xe máy tại Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện trong vòng sáu tháng (từ tháng 9/2015 đến tháng 2/2016) cho thấy, số phương tiện có khoảng thời gian sử dụng từ 10 đến 15 năm chiếm tỷ lệ 44,5%.

“Dường như có mối liên hệ giữa số vụ tai nạn và tuổi đời phương tiện, trên thực tế cũng có nhiều trường hợp khi phương tiện sử dụng nhiều năm thì các chi tiết trong máy xe không còn đảm bảo an toàn như ban đầu và hay gây ra những sự cố hỏng học trong quá trình lưu thông,” ông Minh nhìn nhận.

Đưa ra con số phân tích từ nghiên cứu, ông Minh dẫn chứng, với xe sử dụng từ 6-10 năm, tỷ lệ xe gặp phải các mức tai nạn khác nhau là tương đối ổn định, tương ứng là 38%, 43%, 36%, 40%. Ngược lại, xe sử dụng từ 1-5 năm, tỷ lệ xe gặp phải tai nạn theo mức độ tăng dần có xu hướng giảm dần, tương ứng với 51%, 43%, 49%, 30%.

Như vậy, xe mới từ 1-5 năm có thể khiến cho mức độ tai nạn ít nghiêm trọng hơn. Do đó, ông Minh đề xuất chính sách quản lý thời gian sử dụng xe máy và kiểm định xe máy định kỳ để tăng yếu tố an toàn khi sử dụng xe.

“Hiện nay, quy định của Chính phủ là đến tháng 1/2018 phải thu hồi toàn bộ phương tiện xe máy cũ đã hết niên hạn sử dụng. Thế nhưng, thực tế chưa có văn bản nào quy định về niên hạn sử dụng đối với xe môtô, xe gắn máy. Việc cần thiết hiện nay là phải ban hành quy định về kiểm định kỹ thuật phương tiện xe máy để có căn cứ ban hành quy định về niên hạn sử dụng xe máy,” ông Minh nhấn mạnh. 

Là đơn vị sản xuất xe máy và thành viên trong VAMM, ông Tseng Kuo Lung, Phó Tổng giám đốc SYM đánh giá, thị trường xe máy vẫn vô cùng sôi động trong vài năm tới. Việt Nam là một thị trường xe máy đầy năng động bởi đây vẫn là phương tiện chủ yếu của người dân do tính tiện dụng, kinh tế.

Theo ông Tseng Kuo Lung, các nhà sản xuất trong VAMM cam kết sẽ không ngừng nâng cao chất lượng kỹ thuật, thiết kế ra nhiều mẫu mã xe mới phù hợp với xu hướng của thị trường đồng thời tuyên truyền với các Đại lý về việc thu hồi sản phẩm thải bỏ.

“Nếu không có quy định về niên hạn, cơ quan Nhà nước sẽ có những quy định cụ thể đối với các xe máy cũ bởi đây là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Trong trường hợp quy định niên hạn xe máy và thu hồi xe máy cũ được thực thi, SYM sẽ có định hướng riêng cho sản phẩm của mình cũng như cung cấp các chính sách hỗ trợ cần thiết để người dân chuyển đổi sang xe máy mới,” ông Tseng Kuo Lung cho biết.

Cần nghiên cứu, lấy ý kiến người dân

Liên quan đến vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, qua nghiên cứu trên, quy định niên hạn xe máy thời gian sử dụng tối đa 15 năm. Xe cũ độ an toàn thấp hơn, tác động môi trường lớn khi mối tương quan phương tiện cũ trên 10 năm tần suất xảy ra tai nạn nhiều nhưng cần phải nghiên cứu tiếp vấn đề này.

“Kết quả này cần phải mở rộng bằng cách tổng điều tra toàn bộ phương tiện vì có những chiếc đăng ký nhưng thực tế đã hỏng, không thể sử dụng do chưa có quy định niên hạn và chưa tính đến lượng xe không chính chủ dịch chuyển giữa các tỉnh thành,” vị Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông nói.

xe_may_1

Việc có cần quy định niên hạn hay không cần phải lấy ý kiến rộng rãi từ người dân. 

 Nhấn mạnh đến việc các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông Vận tải đặc biệt là Cục Đăng kiểm Việt Nam có nghiên cứu và đề xuất cần phải có quy định pháp luật quy định niên hạn của xe máy là đúng hướng nhưng hiện tại tất cả mới chỉ là đề xuất.

“Trước khi Chính phủ có ban hành quyết định niên hạn xe máy hay không thì cần phải có những nghiên cứu khoa học, tham khảo lấy ý kiến của nhân dân đang sử dụng xe máy để quy định ban hành mang lại giao thông an toàn hơn, lợi ích chung cho xã hội. Đây là 2 tiêu chí quan trọng nhất để Chính phủ có quy định ban hành niên hạn,” ông Hùng khẳng định

Đặt câu hỏi đến việc đề xuất phát triển ôtô để thay thế dần xe máy nhằm giảm ùn tắc giao thông, ông Hùng bày tỏ chính kiến, việc phát triển ôtô hay không thì đến thời điểm này các cơ quan thành viên của Ủy ban An toàn giao thông chưa đặt vấn đề, mà nếu có thì phải có căn cứ thực tiễn để đánh giá xác đáng về mức độ an toàn khi tham gia từng loại phương tiện trước khi đề xuất bất kỳ phương án nào.

Đưa ra giải pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, Việt Nam hiện đang tồn tại dòng xe hỗn hợp (cả xe ôtô và xe máy lưu thông) nên nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là rất lớn. Vụ cũng đã kiến nghị và lưu ý Ban An toàn giao thông các địa phương nếu có điều kiện thì nên tổ chức phân làn giao thông hoặc có hạ tầng dành riêng cho xe máy.

Phía các chuyên gia cũng kiến nghị cơ quan Nhà nước nên xây dựng chương trình giáo dục an toàn giao thông nhằm tăng cường kiến thức và ý thức tuân thủ luật lệ giao thông; phát triển chính sách quản lý thời gian sử dụng xe máy và kiểm định xe máy định kỳ để nâng cao mức độ an toàn khi điều khiển xe máy đồng thời tăng cường hình thức phạt nguội thông qua công nghệ sử dụng camera và phân tích hình ảnh để phát hiện những hành vi lái xe nguy hiểm...

Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hành vi vi phạm giao thông, các giải pháp về tuyên truyền giáo dục cần được đẩy mạnh để nâng cao ý thức tham gia giao thông của người điều khiển xe máy. Ngoài ra, tỷ lệ tái phạm sau khi bị xử lý vi phạm còn rất cao cho thấy cần thiết phải điều chỉnh tăng mức phạt vi phạm giao thông để tăng tính răn đe./.

Ý kiến của bạn

Bình luận