Theo giấy chứng nhận đăng kiểm và thông tin ghi trên hai chiếc phà một lưỡi tại bến khách ngang sông Chương Dương (xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội; đầu bến đối lưu là xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) chỉ chở khách và hơn 30 tấn hàng, nhưng thường xuyên chở 3 - 4 xe ô tô. Người đi xe máy phải trả hơn 10.000 đồng/lượt, dù có bảng niêm yết giá chỉ 7.000 đồng/lượt
Gần đây, một số bạn đọc phản ánh với Tạp chí GTVT về việc một số bến khách ngang sông trên tuyến đường thủy quốc gia sông Hồng đoạn giáp ranh Hà Nội – Hưng Yên, Hà Nội – Vĩnh Phúc hoạt động lộn xộn, không đảm bảo ATGT đường thủy. Một số bến khi thu tiền không phát vé cho khách, với mức thu khác nhau.
"Tôi thường xuyên lái xe ô tô tải nhẹ, chở hàng đi phà ngang sông Hồng để qua lại giữa Hà Nội và Hưng Yên, Vĩnh Phúc. Gần đây thấy một số bến để xe lên xuống phà lộn xộn, giờ đang mùa mưa bão nên rất lo ngại xảy ra sự cố. Hơn nữa, mức thu tiền mỗi bến một kiểu, hai bến ở huyện Đan Phượng, Phúc Thọ cao gấp đôi bến khác", anh Chu Trần Tuyến (huyện Đan Phượng) phản ánh.
Từ phản ánh của bạn đọc, giữa tháng 8/2024, phóng viên Tạp chí GTVT khảo sát ngẫu nhiên hoạt động của một số bến khách ngang sông Hồng nối huyện Phú Xuyên, Thường Tín (Hà Nội) và huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), huyện Phúc Thọ (Hà Nội) và huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), nối huyện Đan Phượng và Mê Linh (Hà Nội)… Thực tế cho thấy, các bến khách ngang sông tại khu vực trên đều sử dụng phà một lưỡi để vận chuyển khách, hầu hết là người đi xe máy, ô tô qua phà.
Theo quy định về vận chuyển khách ngang sông, bến khách ngang sông sử dụng phà một lưỡi để chở ô tô, ngoài người điều khiển phương tiện phải bố trí thuyền viên làm nhiệm vụ hướng dẫn cho người, phương tiện lên xuống phà, cũng như sắp xếp hành khách, phương tiện, hàng hóa trên phà để đảm bảo an toàn. Tuy vậy, một số bến chỉ thấy có người lái phà và một người trên bờ làm nhiệm vụ thu tiền, còn để mặc khách, xe lên, xuống phà.
Phà tại bến Văn Nhân (xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, Hà Nội; bến đối lưu tại xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) không bố trí phao tròn tại thành phà; không có nhân viên trên phà hướng dẫn khách (ảnh bến trái); còn gần đó tại bến Tía Dấp (xã Thống Nhất, huyện Thường Tín) dùng phà không gắn biển số đăng ký, chứng nhận đăng kiểm chở khách qua sông (ảnh bên phải). Còn bến Phú Khê (2 ảnh dưới; xã Kim Thọ, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên; đối lưu là bến Vườn Chuối, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), có chuyến phà trên phương tiện chỉ có người lái phà, còn trên bờ là một phụ nữ lớn tuổi thu tiền phương tiện qua phà
Đáng lo ngại, một số bến chở ô tô với số lượng nhiều hơn so với số lượng được phép chở (ghi trên phà) hoặc không được phép nhưng vẫn chở ô tô (ví dụ bến Vân Phúc, huyện Phúc Thọ) và bố trí không đầy đủ phao cứu sinh tại khu vực chở khách. Trong khi, hiện nay đang trong mùa mưa bão nên công tác đảm bảo ATGT đường thủy cần được tăng cường.
Trong vai hành khách, phóng viên Tạp chí GTVT cũng ghi nhận một số bến khách ngang sông Hồng trong khu vực nói trên không niêm yết giá vé, thu tiền khách qua phà nhưng không phát vé, với mức thu khác nhau và có bến có dấu hiệu thu tiền "chặt chém" khách qua phà.
Bến khách ngang sông Hồng nối xã Thọ An (huyện Đan Phượng, Hà Nội) - xã Chu Phan (huyện Mê Linh, Hà Nội; hai ảnh trên) và bến Vân Phúc (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) - Hồng Châu (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) không niêm yết giá vé, thu 20.000 đồng/lượt xe máy và 80.000 đồng/xe ô tô dưới 9 chỗ, cao hơn so với quy định của UBND TP. Hà Nội
Cụ thể, tại các bến đoạn nối huyện Phú Xuyên, Thường Tín (Hà Nội) – huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), người đi xe máy phải trả từ 10.000 – 15.000 đồng/lượt, xe ô tô dưới 9 chỗ ở mức 35.000 đồng/lượt. Thế nhưng tại bến Thọ An (huyện Đan Phượng) – Chu Phan (huyện Mê Linh) và bến Vân Phúc (huyện Phúc Thọ) – Hồng Châu (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) thu với giá 20.000 đồng/lượt xe máy và 80.000/lượt xe ô tô dưới 9 chỗ nhưng niêm yết giá vé, cũng không phát vé cho hành khách.
Trong khi đó, theo quy định của UBND TP. Hà Nội (Quyết định số 07/2018/QĐ-UBND ban hành giá dịch vụ sử dụng đò, phà trên địa bàn thành phố), giá vé tối đa đối với người cộng với xe máy, xe máy điện tối đa 7.000 đồng/lượt; đối với ô tô dưới 10 chỗ tối đa 35.000 đồng/xe/lượt. Còn theo quy định tại Thông tư số 22/20014 của Bộ GTVT (hướng dẫn việc xây dựng quy trình vận hành, khai thác bến phà, bến khách ngang sông sử dụng phà một lưỡi dùng để chở hành khách và xe ô tô), tại bến phải niêm yết giá vé và thực hiện đúng giá cước vận tải, mức thu phí đối với hành khách, hàng hóa, phương tiện giao thông đường bộ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.