Cảnh giác với loại hình tội phạm thuê ô tô tự lái để cầm cố

Tác giả: Đại Thắng

saosaosaosaosao
Thị trường 07/03/2023 10:43

Theo Luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật FDVN, cần phải triệt tiêu nguyên nhân và điều kiện dẫn đến loại hình tội phạm cầm cố, thế chấp tài sản không chính chủ.

Cảnh giác với hành vi thuê ô tô tự lái rồi mang cầm cố: Lợi dụng kẽ hở pháp luật? - Ảnh 1.

Cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp nhận cầm cố, thế chấp tài sản không chính chủ

Cơ quan chức năng liên tiếp khởi tố, điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi thuê ô tô tự lái rồi mang đi cầm cố lấy tiền. Trước hành vi xảy ra khá phổ biến, dư luận xã hội đặt ra nhiều nghi vấn, có hay không có kẽ hở pháp luật trong hoạt động thuê/cầm cố, thế chấp ô tô hiện nay?

Cả đối tượng cầm cố và người nhận cầm cố đều sai phạm

Liên tiếp trong thời gian qua, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Đà Nẵng liên tục phát hiện, khởi tố điều tra, xử lý nhiều đối tượng thực hiện hành vi thuê xe ô tô tự lái rồi mang đi cầm cố, thế chấp trái quy định. Vụ việc xảy ra mới đây nhất là vào đầu tháng 3/2023, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Đà Nẵng thực hiện bắt giữ và di lý đối tượng Đào Nguyên Nghị (sinh năm 1982, quê ở xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) hiện trú tổ 27, phường Hoà Khánh Nam (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) từ Hà Nội về thành phố Đà Nẵng để phục vụ công tác điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo Cơ quan CSĐT Công an thành phố Đà Nẵng, ngày 14/9/2022, Đào Nguyên Nghị đến công ty T.C.V có địa chỉ phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê thuê một chiếc xe ô tô Mercedes. Sau khi ký hợp đồng và nhận xe, Nghị phát hiện trong xe có giấy phép lái xe và bản photo có công chứng giấy chứng nhận đăng ký xe của chủ chiếc xe là chị P.L.P.T. Sau đó, Nghị mang chiếc xe cùng toàn bộ giấy tờ xe đến nhà chị P.T.N.A để vay tiền và thế chấp lại chính chiếc xe Mercedes vừa thuê.

Nghị trình bày với chị A là chiếc xe này do vợ của mình là P.L.P.T đứng tên chủ sở hữu. Nay cả hai vợ chồng cần mượn số tiền 700 triệu để đáo hạn ngân hàng và chỉ sau 3 ngày sẽ hoàn trả để lấy chiếc xe về. Tuy nhiên, chị A yêu cầu cả hai vợ chồng Nghị phải có mặt tại nhà chị viết giấy nợ thì chị mới chuyển tiền. Nghị đồng ý và đi về nhà, sau đó buổi chiều cùng ngày, Nghị quay lại nhà chị A với tờ giấy mượn tiền có chữ ký của P.L.P.T và nói vợ mình bận nên không đến được. Sau đó, Nghị viết thêm vay tiền vào tờ giấy này để làm tin và được chị A đồng ý chuyển khoản 700 triệu.

Sau khi lấy được tiền, Nghị bỏ trốn khỏi địa phương để tránh mặt chị A. Về phía chị A thấy đến hạn mà vợ chồng Nghị không đến trả tiền để lấy xe về nên sinh nghi tìm hiểu thì biết mình bị Nghị lừa và chị viết đơn tố cáo Nghị gửi Cơ quan CSĐT Công an thành phố Đà Nẵng.

Để thấy mức độ hành vi vi phạm, PV thực hiện tìm kiếm trên Google, kết quả trong thời gian 0,34 giây, công cụ này cho ra hơn 1,3 triệu thông tin liên quan đến cụm từ "khởi tổ đối tượng thuê ô tô tự lái rồi thế chấp". Cho thấy hành vi thuê ô tô tự lái rồi mang đi thế chấp, chiếm đoạt tài sản diễn ra phổ biến ở hầu hết các địa phương trong cả nước trong thời gian qua và sẽ tái diễn trong thời gian đến nếu như hành vi pháp luật này không được ngăn chặn, cảnh báo.

Trao đổi với PV Tạp chí Giao thông vận tải, luật sư Nguyễn Công Tín – Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng) cho biết, theo quy định của Bộ Luật Dân sự, cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia.

Theo quy định trên, chỉ có chủ sở hữu của tài sản mới được cầm cố, thế chấp tài sản của mình. Nếu có xảy ra trường hợp, một người dùng tài sản của người khác (không được người đó đồng ý) để thế chấp, cầm cố thì giao dịch cầm cố, thế chấp có dấu hiệu vô hiệu. 

Bên nhận thế chấp, cầm cố lẽ ra không được giao kết hợp đồng thế chấp, cầm cố với người không phải là chủ sở hữu tài sản. Nhưng vì hám lợi hoặc do thiếu hiểu biết pháp luật vẫn giao kết. Trường hợp này bên nhận thế chấp, cầm cố là bên rủi ro nhất vì nếu hợp đồng thế chấp, cầm cố bị vô hiệu hoặc nếu người thế chấp, cầm cố bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tài sản phải được trả lại cho chủ sở hữu.

"Như vậy, không có cơ sở pháp lý nào để biện minh cho hành vi nhận thế chấp, cầm cố xe ô tô không chính chủ, chủ yếu do hám lợi mà các bên sẵn sàng đánh đổi rủi ro. Từ đó tạo điều kiện cho hành vi thuê, mượn xe rồi mang đi cầm cố, thế chấp vay mượn tiền phát triển", luật sư Tín nhận định.

Cảnh giác với hành vi thuê ô tô tự lái rồi mang cầm cố: Lợi dụng kẽ hở pháp luật? - Ảnh 2.

Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng đang điều tra đối tượng Đào Nguyên Nghị về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Có đủ chế tài xử lý hành vi?

Luật sư Tín thông tin, rất nhiều đối tượng đã bị khởi tố do có hành vi mượn, thuê xe ô tô của người khác rồi mang đi cầm cố, thế chấp vay tiền. Hành vi này thông thường bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó), khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.

Luật sư Tín cho biết thêm: Về phía người nhận cầm cố, thế chấp, nếu có hành vi nhận cầm cố tài sản không chính chủ thì có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo Điểm l Khoản 3 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP: "Nhận cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác nhưng không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố"

Trường hợp nhận cầm cố, thế chấp tài sản mà biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có thì người nhận thế chấp, cầm cố có thể bị xử lý hình sự về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo Điều 323 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. 

Trường hợp chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người cầm cố có thể bị xử phạt theo Điểm b Khoản 5 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP: "Nhận cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự", mức phạt từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Trảo lời câu hỏi "có hay không có kẽ hở pháp luật trong việc quản lý, ngăn ngừa hành vì thuê ô tô tự lái rồi mang cầm cố/thế chấp trái quy định, luật sư Tín nhìn nhận: Thật ra, pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ về chủ thể có quyền cầm cố, thế chấp tài sản và chúng ta có đầy đủ các chế tài xử lý đối với hành vi thuê xe ô tô tự lái rồi đem cầm cố, thế chấp, cũng như hành vi nhận cầm cố, thế chấp tài sản không chính chủ.

"Việc bên nhận cầm cố, thế chấp tài sản sẵn sàng nhận cầm cố, thế chấp tài sản không chính chủ đã tạo điều kiện cho tội phạm (hành vi thuê, mượn xe rồi mang đi cầm cố, thế chấp) phát triển. Do đó, để ngăn ngừa tội phạm, chúng ta cần phải triệt tiêu nguyên nhân và điều kiện dẫn đến tội phạm. Cụ thể là phải kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp nhận cầm cố, thế chấp tài sản không chính chủ", luật sư Tín nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận