Quảng Nam: Hàng loạt dự án giao thông phải tạm dừng do thiếu vật liệu đắp nền

Đường bộ 22/11/2022 17:03

Nguồn cung vật liệu thiếu hụt, giá cả đắt đỏ khiến nhiều nhà thầu thi công các dự án công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam "than trời", lo ngại chậm tiến độ theo kế hoạch đặt ra.

Thiếu đất đắp, nhiều nhà thầu ở Quảng Nam 'Đứng ngồi không yên' - Ảnh 1.

Dự án công đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước, huyện Duy Xuyên đang tạm dừng thi công một số hạng mục vì thiếu đất đắp.

Khan hiếm đất, cát phục vụ công trình

Thi công từ năm 2019, dự án công trình đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước, kết nối Trung tâm hành chính huyện Duy Xuyên, QL1A và QL14H (tuyến ĐH20 theo quy hoạch) dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023, tuy nhiên đến nay dự án đang phải tạm dừng thi công một số hạng mục do trên địa bàn huyện Duy Xuyên và các huyện lân cận đang khang hiếm nguồn đất đắp.

Theo báo cáo của Ban QLDA Quỹ đất huyện Duy Xuyên, đến nay tổng giá trị khối lượng đã thực hiện tại dự án đạt khoảng 55% theo hợp đồng thi công xây dựng. Các cây cầu Tây An 1, Tây An 2 cơ bản hoàn thành nhưng chưa thể thi công các hạng mục khác do chờ đấu nối với hạng mục nền mặt đường.

Phần nền đường đoạn từ cầu Tây An 1 về đến cuối tuyến lý trình Km4+427,6 (nối vào đường ĐH7.DX) và đoạn từ Km0+600, đang chuẩn bị công tác đắp đất K95. Hiện nay, công trình đang tạm dừng thi công do trên địa bàn đang khang hiếm về nguồn đất đắp. Các hạng mục công việc chưa thi công chủ yếu là công tác đắp đất.

Thiếu đất đắp, nhiều nhà thầu ở Quảng Nam 'Đứng ngồi không yên' - Ảnh 2.

Tại dự án Đường Võ Chí Công hiện nay đang thiếu hụt nguồn đất đắp nền đường.

Còn tại dự án đường Võ Chí Công, việc thiếu đất đắp cũng làm một số nhà thầu lo lắng. Lãnh đạo ban chỉ huy công trường, Công ty CP Vật tư, thiết bị và Đầu tư Xây dựng Meico cho biết, trước đó công ty lấy đất để phục vụ thi công tại một mỏ đất ở huyện Quế Sơn. Tuy nhiên, khi nhiều dự án đồng loạt thi công và cùng lấy đất ở đây khiến mỏ này hết trữ lượng, không đủ trữ lượng để đáp ứng.

Theo vị này, do mỏ hết đất nên hiện nay tại khu vực đang quản lý thi công (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) thiếu khoảng 10.000 m3 đất đắp. Để đảm bảo công tác thi công, đơn vị thi công phải vượt quãng đường gần 60km vào tận huyện Núi Thành để mua đất phục vụ dự án.

"Chi phí vận chuyển tăng, giá vật liệu đắt đỏ, vượt 75% - 90% giá dự thầu. Bên cạnh đó, các mỏ đất yêu cầu công ty trả tiền trước khi lấy đất, trong khi phải chờ 3 - 4 tháng chủ đầu tư mới giải ngân vốn. Để có đất phục vụ việc thi công chúng tôi phải tự bỏ tiền túi ra để mua đất, việc này  cũng làm hoạt động của công ty bị xáo trộn, khó khăn", vị lãnh đạo chia sẻ.

Lãnh đạo Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng (nhà thầu thi công) cho biết, hiện nay dự án cầu Tam Tiến (huyện Núi Thành) không chỉ đang gặp một số khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng mà còn đối mặt với khó khăn khan hiếm vật liệu (nguồn đất để đắp), không đủ đáp ứng thi công, giá cả vật liệu thị trường tăng cao.

 Sẽ rút giấy phép khai thác mỏ làm sai quy định

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, hiện nay trên toàn tỉnh có 238 điểm mỏ vật liệu san lấp, với trữ lượng 113 triệu m3. Tuy nhiên, phần lớn các mở chưa đưa vào khai thác khiến nguồn cung vật liệu san lắp cho các công trình trọng điểm trở nên khan hiếm khiến nhiều hạng mục phải thi công cầm chừng. Ngoài ra, trên thực tế tại các mỏ cát, mỏ đất giá bán cao hơn với giá công bố.

Nhằm chấn chỉnh giá cả bán ra thị trường tại các mỏ, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam đề nghị cơ quan công an, cục thuế, quản lý thị trường cùng vào cuộc để siết chặt quản lý. Đồng thời tăng cường trách nhiệm của các địa phương trong việc phối hợp cập nhật báo cáo.

Thiếu đất đắp, nhiều nhà thầu ở Quảng Nam 'Đứng ngồi không yên' - Ảnh 3.

Một số hạng mục ở dự án đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước chưa triển khai thi công do đường dẫn lên cầu thiếu đất đắp nền

Ông Phạm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, tại công trình giao thông kế hoạch trung hạn trữ lượng cần hơn 3 triệu m3, các dự án khu dân cư nhà ở cần hơn 4 triệu m3 cung ứng cho các dự án. Tuy nhiên, qua rà soát tại các huyện, thị xã, thành phố hiện nay chỉ có vài chục nghìn m3, không đủ để đáp ứng nguồn nguyên vật liệu. 

"Kế hoạch trung hạn, dài hạn đầu tư công bố nhưng khối lượng nguyên liệu không có, khối lượng đất cát không đủ. Các sở ban ngành cần có trách nhiệm trong việc không đáp ứng được nguồn liệu đáp ứng nhu cầu thực tế", ông Hùng chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam cho hay, đơn vị đang triển khai xây dựng các công trình giao thông kết nối ở vùng kinh tế trọng điểm phía đông của tỉnh với khối lượng đất đắp nền đến 3 triệu m3 nhưng lại gặp nhiều khó khăn về nguồn cung, khiến cho việc thi công không đảm bảo tiến độ.

Thiếu đất đắp, nhiều nhà thầu ở Quảng Nam 'Đứng ngồi không yên' - Ảnh 4.

Dự án cầu Tam Tiến (huyện Núi Thành) đang gặp một số khó khăn do khan hiếm vật liệu (nguồn đất để đắp),

Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tình trạng khan hiếm vật liệu nhất là đất, cát phục vụ công trình xây dựng, đặc biệt là công trình giao thông rất lớn. Bên cạnh đó nhiều mỏ vật liệu tăng giá thành khiến nhiều nhà thầu gặp nhiều khó khăn.

"Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng có trách nhiệm phối hợp thực hiện nhằm làm tốt hơn trong quản lý nguyên vật liệu. Ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra việc khai thác vận chuyển tại các mỏ, kiểm tra hoá đơn chứng từ", ông Quang nói.

Cũng theo ông Quang, từ nay về sau tỉnh sẽ yêu cầu tất cả các chủ mỏ khai thác vật liệu xây dựng phải kê khai giá bán tại mỏ và bán đúng giá niêm yết, nếu phát hiện làm sai sẽ rút giấy phép khai thác. Những đơn vị vi phạm cũng sẽ có điểm trừ nếu tham gia đấu thầu sau này.

Ý kiến của bạn

Bình luận