Ngã tư Nguyễn Văn Lượng - Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp, TP HCM), nơi Tổ Cảnh sát 113 đứng chốt để xử lý người vi phạm vào đêm 17/8/2015 |
Cơ quan CSĐT Công an TP HCM vừa khởi tố và bắt tạm giam Nguyễn Văn Quốc (SN 1984, ngụ quận Phú Nhuận) và Trần Văn Đức (SN 1989, ngụ quận Bình Thạnh) về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Đây là 2 đối tượng đã làm tiền người vi phạm giao thông xảy ra gần giao lộ Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP HCM) vào ngày 17/8/2015.
Giữ xe mà không lập biên bản
Trước đó, anh Nguyễn Văn Thanh (SN 1984, quê Lâm Đồng) đã gửi đơn đến Công an quận Gò Vấp, TP HCM đề nghị xác minh, làm rõ việc 4 chiến sĩ Cảnh sát 113 và 2 thanh niên tự xưng là cảnh sát hình sự kiểm tra rồi tạm giữ xe máy của anh mà không lập biên bản.
Sau khi nhận được đơn của anh Thanh, Công an quận Gò Vấp đã phân công tổ hình sự đặc nhiệm vào cuộc. Qua quá trình điều tra, giữa tháng 12/2015, các trinh sát đã bắt khẩn cấp Nguyễn Văn Quốc và Trần Văn Đức.
Tại cơ quan công an, Nguyễn Văn Quốc khai nhận có thời gian làm trật tự viên của quận Phú Nhuận nên quen biết với Vũ Mạnh Tiến (tại thời điểm đó làm CSGT Công an quận Phú Nhuận). Sau đó, Tiến chuyển công tác về Cảnh sát 113 - Công an TP HCM nhưng vẫn giữ liên lạc với Quốc.
Khuya 16/8/2015, Tiến gọi điện thoại cho Quốc nói là có ca đi tuần từ 22h đến 2h hôm sau và rủ cùng đi tìm người vi phạm trên đường để kiểm tra, yêu cầu họ đưa tiền. Quốc rủ thêm Đức đến Đội số 3, Cảnh sát 113 - Công an TP HCM ở số 188 Lê Văn Sỹ, phường 10, quận Phú Nhuận để chuẩn bị đi.
Tại đây, cả 2 gặp Vũ Mạnh Tiến, Trịnh Thanh Bình và Lê Trung Tấn đều mặc trang phục Cảnh sát 113 điều khiển 2 xe đặc chủng rồi cả nhóm cùng đi. Đến khoảng 0h ngày 17/8/2015, khi tổ Cảnh sát 113 đang chốt tại khu vực ngã tư Nguyễn Văn Lượng - Nguyễn Oanh thì phát hiện anh Nguyễn Văn Thanh chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm nên đuổi theo.
Khi đến trước số nhà 496/70 Dương Quảng Hàm (phường 6, quận Gò Vấp), Tổ Cảnh sát 113 dừng được xe của anh Thanh và yêu cầu đưa xe về chốt.
Sau đó, Vũ Mạnh Tiến và Trịnh Thanh Bình yêu cầu anh Thanh xuất trình giấy tờ và nói xe của anh đang sử dụng là xe “độ”. Lúc này, Đức và Quốc đến hỏi anh Thanh có tiền không, nếu có thì sẽ lo cho việc lấy xe. Anh Thanh cho biết không có tiền, Tổ Cảnh sát 113 giữ xe và cùng Quốc, Đức đưa đến gửi ở Bệnh viện 175 mà không lập biên bản.
Sáng 17/8/2015, Đức lấy xe của anh Thanh chạy đến Đội số 3, Cảnh sát 113 giao cho Tiến và Bình. Sau đó, Quốc được Tiến cho 500.000 đồng, Quốc lấy số tiền này chia cho Đức 200.000 đồng.
Anh Thanh được Công an quận Gò Vấp mời lên làm việc theo đơn tố cáo, sau khi nhận dạng đã xác định Nguyễn Văn Quốc là 1 trong 2 thanh niên đi cùng Cảnh sát 113 và tự xưng là cảnh sát hình sự để tạm giữ xe máy của anh.
Nên xử lý cán bộ sai phạm
Trả lời PV, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng vụ việc này có nhiều vấn đề cần làm rõ, trong đó có việc Nguyễn Văn Quốc và Trần Văn Đức lấy quyền gì để mang xe của anh Thanh đến gửi ở Bệnh viện 175, sau đó đưa về Đội số 3, Cảnh sát 113?
Theo quy định tại khoản 4, điều 5 của Thông tư 65/2012 về quyền hạn của cán bộ thực hiện nhiệm vụ trong quá trình tuần tra, kiểm soát đường bộ thì “được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông; ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông”. Ở đây, rõ ràng không thuộc trường hợp cán bộ tuần tra được yêu cầu phối hợp của cá nhân vì không có tai nạn giao thông hay đang giải quyết ùn tắc, cản trở giao thông.
Ngoài ra, Đức và Quốc lại hỏi người vi phạm “chung tiền” là hành vi trái pháp luật. Nếu đây là ý định riêng của 2 người này thì hành vi có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Cưỡng đoạt tài sản”.
Còn nếu là yêu cầu từ Tổ Cảnh sát 113 đã nói trước với 2 người này thì Tổ Cảnh sát 113 có dấu hiệu của tội “Nhận hối lộ” với tình tiết định khung tăng nặng là có tổ chức.
Tất nhiên, để xác định được mối quan hệ và các thông tin trao đổi giữa Quốc và Đức với Tổ Cảnh sát 113 thì phải có sự chứng minh rõ ràng về chứng cứ chứ không chỉ đơn thuần là lời khai của 2 người này.
“Dù vụ việc được sáng tỏ đến đâu đi nữa thì việc Tổ Cảnh sát 113 cho tiền Đức khi đưa xe về đội đã thể hiện mối liên hệ và yêu cầu sai trái của Tổ Cảnh sát 113” - luật sư Công nhận định.
Theo luật sư Công, thực trạng một bộ phận CSGT, Cảnh sát 113... có “kèm” vài đối tượng ngoài xã hội khi thực thi công vụ là có thật và rất đáng lên án.
Ngành công an cần xử lý thật nghiêm khắc và có quy định chặt chẽ về việc xử lý đối với các trường hợp này. Lực lượng bảo vệ trật tự xã hội, an toàn cho người dân nhưng lại gây ra sự bất ổn trong lòng nhân dân qua cách hành xử của mình thì vừa phản tác dụng vừa mất niềm tin đối với nhân dân.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.