Cảnh sát giao thông - lực lượng nòng cốt đảm bảo trật tự ATGT

Tác giả: Hoàng Long

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 03/09/2018 14:09

CSGT là lực lượng quan trọng, góp phần không nhỏ trong công tác đảm bảo TTATGT, giữ gìn trật tự, an ninh xã hội.

DSCF3722
Lực lượng CSGT kiểm tra các phương tiện, loại hình hoạt động trên đường thủy

Nỗ lực không ngừng

Những năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, sự đồng thuận của người dân, tình hình TTATGT đã có nhiều chuyển biến tích cực. TNGT sau nhiều năm liên tục ở mức trên 12.000 người chết mỗi năm, đến nay số người chết đã giảm xuống mức gần 8.300 người. Có được kết quả đó là sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành và từng địa phương, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng CSGT trên từng lĩnh vực công tác.

Theo đánh giá của lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an), những bất cập về GTVT vẫn chưa được khắc phục như mất cân đối nghiêm trọng giữa các loại hình vận tải, phương tiện vận tải; công tác tổ chức giao thông yếu kém, lúng túng; công tác kiểm định phương tiện, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý lái xe còn chưa chặt chẽ; việc xây dựng các tuyến giao thông theo hình thức BOT còn tồn tại nhiều bất hợp lý trong việc khai thác, thu phí hoặc không thực hiện việc giảm phí như đã cam kết... đã gây ra sự phản ứng trong nhân dân, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự khu vực.

Mặt khác, hệ thống pháp luật về bảo đảm TTATGT mặc dù đã được quan tâm nhưng còn chồng chéo, bất cập trong phân công nhiệm vụ giữa các ngành, các lực lượng dẫn tới vướng mắc, hiệu quả thấp trong tổ chức thực hiện. Việc chưa sửa đổi các quy định tại Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT và Quy chuẩn 41:2016/BGTVT theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Tư pháp và một số UBND các địa phương đã gây khó khăn cho người tham gia giao thông và lực lượng chức năng khi thi hành nhiệm vụ, đây cũng là nguyên nhân gây ra khiếu nại, khiếu kiện nhiều nhất đối với lực lượng CSGT... Bên cạnh đó, tình trạng khai thác cát, sỏi trên đường thủy nội địa trái phép hoặc quá giấy phép được cấp tiếp tục diễn ra phức tạp. Ngoài ra, lợi dụng các vấn đề trong quá trình xây dựng pháp luật, vấn đề môi trường..., các đối tượng phản động đã kích động người dân tụ tập, biểu tình, tuần hành gây rối, đập phá trụ sở, phương tiện của các cơ quan nhà nước trên một số tuyến quốc lộ và địa phương làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc đã xảy ra 9.043 vụ, làm chết 4.177 người, bị thương 7.085 người; so với cùng kỳ năm 2017 giảm 733 vụ (-7,50%) giảm 20 người chết (-0,48%), giảm 716 người bị thương (-9,18%). Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT toàn quốc đã lập biên bản xử lý 2.064.957 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền 1.262 tỷ 961 triệu đồng; so với cùng kỳ năm 2017 xử lý giảm 179.159 trường hợp (-7,98%), tiền phạt giảm 237 tỷ 765 triệu đồng (-15,84%). Bên cạnh những nỗ lực nhằm kéo giảm TNGT, bảo đảm sự bình yên trên các tuyến giao thông đã có 14 chiến sỹ CSGT bị thương, 01 đồng chí hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Phối hợp chặt chẽ cùng ngành GTVT

IMG_8455
Đảm bảo ATGT, kiểm soát tải trọng phương tiện là công việc thường xuyên của lực lượng CSGT

Thực hiện Chỉ thị 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, lực lượng CSGT đã phối hợp chặt chẽ với TTGT của Bộ GTVT và các địa phương trong hơn một năm qua, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý trên 4 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền nộp Kho bạc Nhà nước gần 2.600 tỷ đồng, tạm giữ trên 632.000 phương tiện các loại.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục CSGT cho biết, để thực hiện tốt công tác đảm bảo TTATGT trong tình hình mới, Cục đã mở các đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, kết hợp với trấn áp tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông, trong đó  tập trung giải quyết tốt các vấn đề nổi lên trong công tác đảm bảo TTATGT, như: Xử lý phương tiện chở quá tải, lái xe vi phạm nồng độ cồn, khắc phục tình trạng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chưa thực hiện tốt quy định về chuyển đổi quyền sở hữu...; bố trí lực lượng tăng cường bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường cao tốc, đường nông thôn và đường thủy nội địa; khảo sát, kịp thời kiến nghị khắc phục những bất hợp lý trong tổ chức giao thông, các địa điểm thường hay xảy ra TNGT; phục vụ tốt nhiệm vụ dẫn đoàn, bảo đảm TTATGT tại các hội nghị, sự kiện quan trọng của đất nước.  

Tình hình TTATGT đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó lực lượng CSGT cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản ở các lĩnh vực giao thông; tăng cường phối hợp, đổi mới tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, bố trí lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát 24/24 giờ trên các tuyến quốc lộ trọng điểm và các dịp lễ, Tết; huy động các lực lượng khác tham gia phối hợp với CSGT bảo đảm TTATGT ở những tuyến đường, địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu tiên tiến của khoa học - công nghệ thông tin trong các lĩnh vực nghiệp vụ của lực lượng CSGT; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng lễ tiết, tác phong, văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sỹ CSGT trong quá trình thực thi công vụ. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với ngành GTVT phát hiện các yếu tố mất ATGT, nhất là “điểm đen” TNGT để có kiến nghị giải quyết kịp thời; xây dựng và triển khai, thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên các tuyến giao thông, nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại; góp phần bảo đảm an ninh, trật tự... Ðây là những vấn đề quan trọng mà toàn lực lượng CSGT phải xác định rõ trong triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội

Ý kiến của bạn

Bình luận