Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 ngăn bão giá vật liệu cách nào?

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 20/07/2022 10:07

Chính phủ đã yêu cầu các địa phương xây dựng, công bố giá các loại vật liệu như: Đất, đá, cát, sỏi,… đến chân công trình.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo

 

Giá các loại vật liệu phục vụ thi công đường cao tốc tăng phi mã trong gần hai năm qua, dù hợp đồng có điều khoản điều chỉnh giá nhưng quy định hiện hành bộc lộ quá nhiều bất cập khiến toàn bộ các nhà thầu thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam càng làm… càng lỗ. Nhà thầu nào lỗ ít cũng vài chục đến vài trăm tỷ, lỗ nhiều lên đến cả nghìn tỷ đồng, nguy cơ cao tốc Bắc - Nam chưa kết thúc giai đoạn 1 (2017 - 2020) đã “trắng” nhà thầu trong giai đoạn 2 (2021 - 2025).

Tạp chí Giao thông vận tải khởi đăng loạt bài: “Bão giá” vật liệu sắp quét sạch nhà thầu cao tốc Bắc - Nam.

Kỳ cuối: Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 ngăn bão giá vật liệu cách nào?

Trong khi Chính phủ và các bộ, ngành đang tiếp tục nghiên cứu giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) do ảnh hưởng của bão giá vật liệu và các bất cập trong cơ chế điều chỉnh giá thì đã có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về việc bão giá tiếp tục tác động tiêu cực các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025).

Các địa phương phải công bố chỉ số giá phù hợp thực tiễn

Trao đổi với PV Tạp chí Giao thông vận tải về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT) cho biết, trong Nghị quyết 18 ngày 11/2/2022 của Chính phủ đã nêu rõ, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 là công trình quan trọng quốc gia. Theo quy định của pháp luật hiện hành, các địa phương nơi dự án đi qua phải công bố chỉ số giá phù hợp thực tiễn để lập dự toán công trình và làm cơ sở để sau này thực hiện điều chỉnh hợp đồng.

“Trong Nghị quyết 18, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương nơi có dự án đi qua tiến hành xây dựng, công bố giá các loại vật liệu như: Đất, đá, cát, sỏi,… đến chân công trình cho từng gói thầu/dự án thành phần, bao gồm vật liệu xây dựng tại các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án”.

“Đồng thời, các địa phương có dự án đi qua phải xây dựng, công bố chỉ số giá xây dựng hàng tháng để áp dụng riêng cho các gói thầu/dự án thành phần. Việc xây dựng, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phải đảm bảo phù hợp yêu cầu thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện và tiến độ thi công xây dựng, khả năng cung ứng và mặt bằng giá thị trường, phản ánh đúng mức độ biến động giá xây dựng trên thị trường khu vực xây dựng”, đại diện Cục QLXD&CLCTGT thông tin.

Theo đại diện Cục QLXD&CLCTGT, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các địa phương tiến hành kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng. Chính quyền địa phương phải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho từng gói thầu/dự án thành phần phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, tăng giá.

Đối với công tác khảo sát thiết kế, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị tiến hành khảo sát mỏ vật liệu, bãi đổ thải nhằm xác định giá chính xác, đồng thời phải khảo sát giá các loại vật liệu mà địa phương không công bố phù hợp với giá thị trường, từ đó xác định chi phí xây dựng, dự toán công trình cho phù hợp.

“Trách nhiệm này thuộc về các đơn vị tư vấn lập dự toán, tư vấn thẩm tra và các ban quản lý dự án được giao nhiệm vụ triển khai dự án. Đây là trách nhiệm rất nặng nề, áp lực rất lớn vì tiến độ triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 rất gấp, thời gian ngắn, khối lượng công việc nhiều nên thời gian tới, các ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan của Bộ GTVT phải tập trung cao độ mới có thể đáp ứng yêu cầu”, đại diện Cục QLXD&CLCTGT thông tin.

Về phía đơn vịt tư vấn, trao đổi với Tạp chí Giao thông vận tải, ông Võ Hoàng Anh - Trưởng phòng Quản lý chất lượng và nghiên cứu phát triển, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết, thực tế, ngay cả trong trường hợp không có bão giá thì với phương pháp tính điều chỉnh giá và ký hợp đồng như hiện nay các nhà thầu vẫn luôn bị động và chịu thiệt thòi.

Theo ông Hoàng Anh, hiện nay có 2 phương pháp điều chỉnh giá gồm: Điều chỉnh giá trực tiếp và điều chỉnh giá theo công thức trượt giá. “Phương pháp điều chỉnh trực tiếp thì phức tạp và phải làm cho từng kỳ thanh toán, số lượng chủng loại vật liệu được điều chỉnh cần phải đề cập ngay trong hợp đồng. Do vậy, đa số các hợp đồng cao tốc Bắc - Nam ký kết với điều khoản điều chỉnh giá theo công thức trượt giá”, ông Hoàng Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Hoàng Anh phân tích, các công thức điều chỉnh giá hiện rất bất cập, không phản ánh được biến động thực tế các chỉ số giá đưa ra, không phản ánh được biến động cho các loại vật liệu khác nhau. Đặc biệt, một số loại vật liệu chiếm tỷ trọng lớn như đất đắp lại không được điều chỉnh giá. Ngoài ra, nhiên liệu tăng cao nhưng chi phí ca máy lại không có phương pháp điều chỉnh phù hợp nên nhà thầu rất khó khăn; Giá đất đắp tăng cao do chi phí vận chuyển đất đến chân công trình tăng mạnh cũng chưa có cách nào giải quyết.

“Tôi cho rằng trong quá trình triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, nếu các cơ quan chức năng chưa nghiên cứu xây dựng được công thức khoa học, phù hợp thì nên áp dụng theo phương án điều chỉnh bù trừ trực tiếp thì mới đảm bảo công bằng cho các nhà thầu”, ông Hoàng Anh chia sẻ.

Thi công cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Thi công cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Tiếp tục nghiên cứu gỡ khó cho các nhà thầu cao tốc giai đoạn 1

Trả lời Tạp chí GTVT về việc cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) thế nào do ảnh hưởng của bão giá vật liệu, đại diện Cục QLXD&CLCTGT nói: “Hôm 17/7/2022, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo của Chính phủ về dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã báo cáo với Chính phủ để xem xét xử lý vấn đề này. Trước mắt, Chính phủ yêu cầu các nhà thầu phải tuân thủ đúng hợp đồng đã ký kết. Trong hợp đồng đã có điều khoản điều chỉnh giá thì sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng để có phương án xử lý đảm bảo phù hợp với quy định, tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu chứ không thể làm ngay và luôn được”.

“Các nhà thầu đang thi công trên cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 phải xác định trách nhiệm của mình đối với công trình quan trọng quốc gia. Đây là công trình lựa chọn nhà thầu bằng hình thức đấu thầu nên các nhà thầu phải quyết tâm cao nhất hoàn thành dự án đúng tiến độ. Chính phủ cũng đã đưa ra chủ trương là những nhà thầu nào không đáp ứng yêu cầu đối với giai đoạn 1 thì sẽ xem xét không cho tham gia các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2”, đại diện Cục QLXD&CLCTGT chia sẻ. 

Về phía nhà thầu, ông Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu đang thi công trên cao tốc Bắc - Nam, Chính phủ cần cho phép Bộ GTVT thuê tư vấn căn cứ thực tế biến động giá vật liệu chủ yếu (theo 5 nhóm chỉ số biến động vật liệu trong công thức điều chỉnh giá: Nhựa đường, sắt thép xây dựng, cát các loại, đá các loại, xi măng) trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng xây dựng giá tại chân công trình và chỉ số riêng cho các gói thầu làm cơ sở tính toán điều chỉnh giá cho nhà thầu nhằm bù một thiệt hại do biến động giá.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tới – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (VINACONEX) đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng kiểm tra và đề nghị các địa phương khảo sát, xây dựng và công bố đơn giá nhân công sát với biến động thực tế hiện nay làm cơ sở xác định chỉ số nhân công phục vụ tính toán điều chỉnh giá theo hợp đồng. “Đồng thời, Bộ Xây dựng cần bổ sung vật liệu đất đắp nền đường vào công thức điều chỉnh giá hợp đồng vì giá trị vật liệu đất đắp chiếm tỷ trọng rất lớn (chiếm 15 - 25% giá trị gói thầu) nhưng lại được coi là yếu tố cố định không điều chỉnh”, ông Tới chia sẻ.

Lãnh đạo một nhà thầu khác (xin giấu tên) kiến nghị Chính phủ cho phép được thực hiện điều chỉnh giá hợp đồng dự án (hợp đồng BOT) đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo khi chỉ số trượt giá vật liệu, nhiên liệu trong thời gian xây dựng dự án vượt quá chỉ số trượt giá đã tính toán trong tổng mức đầu tư của dự án và điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án trong trường hợp chi phí trượt giá làm vượt tổng mức đầu tư dự án.

Ý kiến của bạn

Bình luận