Cao tốc Bến Lức - Long Thành dồn lực để về đích

Tác giả: sơn khê

saosaosaosaosao
Thị trường 30/01/2017 15:33

Không khí xuân đang về trên khắp các công trình giao thông. Không khí xuân còn trở nên ấm áp, sôi động trên công trường đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Công trình đang được đẩy nhanh tiến độ, đưa dự án về đích, góp phần nối thông tuyến đường huyết mạch phía Nam.

 

Hinh 1 - Thi công trên tuyến đường cao tốc
 

Tuyến cao tốc trọng điểm phía Nam

Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án cao tốc có quy mô vốn lớn được triển khai tại khu vực phía Nam. Sau khi hoàn thành, cao tốc sẽ giúp cho giao thông liên vùng phía Tây và phía Đông Nam bộ không cần qua trung tâm TP. Hồ Chí Minh, mà sẽ nối thông trực tiếp với mạng đường bộ cao tốc, quốc lộ và hệ thống cảng biển Hiệp Phước, cảng Thị Vải - Cái Mép, sân bay quốc tế Long Thành.

Dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là 3 địa phương là TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai. Trong đó, nhờ rút ngắn thời gian lưu thông, quá trình vận chuyển hàng hóa và vận tải hành khách công cộng từ các tỉnh Tây Nam bộ về TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ sẽ nhanh chóng và thuận tiện, góp phần làm giảm áp lực giao thông trên QL1, QL51.

Điểm đầu dự án là nút giao giữa đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương và dự án đường vành đai 3. Điểm cuối giao cắt với dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tuyến đường dài 58km và được chia làm 2 giai đoạn. Đây là dự án có tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 1,6 tỷ USD, được coi là tuyến cao tốc tầm cỡ nhất Việt Nam hiện nay. Dự án sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 636 triệu USD, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách nhà nước là 337 triệu USD.

Theo chủ đầu tư Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đây là dự án có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khu vực kinh tế Đông Nam bộ, khai thác thế mạnh và phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và du lịch của TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai. Dự án sẽ mở ra cơ hội phát triển cho khu vực mà tuyến đường đi qua như huyện Cần Giờ, Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh), huyện Cần Giuộc - Long An… Đây đều là những nơi kinh tế còn khó khăn và chưa thực sự phát triển. Trong tương lai, khi tuyến cao tốc đưa vào khai thác sẽ là động lực giúp các địa phương này phát triển.

Cùng với đường vành đai 3 của TP. Hồ Chí Minh, tuyến cao tốc sẽ đảm nhiệm thêm chức năng giao thông vành đai đô thị bao quanh khu vực nội thành trên phạm vi rộng, kết nối với đô thị vệ tinh và giao cắt với hầu hết các đường hướng tâm, xuyên tâm của Thành phố. Cũng theo VEC, khi hoàn thành, Dự án sẽ góp phần làm giảm áp lực giao thông trên QL1, QL51, giảm thiểu TNGT, rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa và hành trình từ tỉnh Long An đến TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại, từ đó thúc đẩy phát huy hiệu quả đầu tư các khu công nghiệp, cảng biển.

Bên cạnh đó, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến sẽ kết nối với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu, tạo thành một phần của tuyến Hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) từ Băng Cốc qua Phnôm Pênh, TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu. Thời gian qua, chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và cam kết sẽ hoàn thành tốt dự án đảm bảo đúng chất lượng thi công, đúng với tiến độ được giao.

Hinh 2 - Công nhân đan làm việc trên công trường (

Khởi sắc từ những gói thầu khó

Từ lúc tuyến cao tốc được khởi công, các đơn vị đã chuẩn bị, huy động đầy đủ nhân lực, máy móc thiết bị liên quan theo đúng các điều kiện của hợp đồng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện, tổ chức thi công, hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ toàn bộ tuyến đường theo đúng tiến độ, chất lượng và mục tiêu đề ra. Cũng theo Ban QLDA cao tốc Bến Lức - Long Thành thì mặt bằng còn vướng một số điểm như huyện Bình Chánh, trong đó gói thầu A2-1 gặp rất nhiều khó khăn do vướng các thủ tục đền bù từ huyện.

Đối với gói thầu A2-1 do liên danh nhà thầu Kukdong E&C - Trung Chính TCC thực hiện. Gói thầu này có lý trình từ Km7+900 đến Km11+200 đi qua địa bàn huyện Bình Chánh - TP. Hồ Chí Minh và huyện Cần Giuộc - tỉnh Long An, thời gian thi công 36 tháng bắt đầu từ tháng 5/2015. Mặc dù tỷ lệ mặt bằng hiện có là 66% và tỷ lệ mặt bằng chưa giải phóng là 34%, nhưng tính tới thời điểm cuối năm nay Dự án vẫn vượt tiến độ 1,26% so với tiến độ tổng thể của dự án. Tuy gặp nhiều khó khăn song nhà thầu vẫn tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị đầy đủ để thi công liên tục, đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ của dự án.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song chủ đầu tư, đơn vị thi công luôn quan tâm, chăm lo đời sống cho người lao động trong những ngày xuân này. Anh Phan Xuân Cương (26 tuổi, quê Hà Tĩnh) tâm sự: “Đa số anh em làm trên công trình đều quê ở xa, trong đó có những anh em làm lâu năm và có những người mới làm được vài tháng. Tuy nhiên, các anh em luôn yêu thương, bảo ban nhau. Công ty Trung Chính đã tạo môi trường làm việc rất tốt, anh em chúng tôi luôn được chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ. Do đó, anh em công nhân chúng tôi luôn tràn trề năng lượng mỗi khi đến công trường. Trong những ngày cuối năm, mỗi công nhân đều luôn mong muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Được biết, một trong những thuận lợi của gói thầu này là nhận được nguồn vốn sớm và được giải ngân kịp thời (nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng ADB). Bên cạnh đó, Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án trọng điểm, có sự tham gia của các nhà thầu quốc tế, tạo ra môi trường tốt để các nhà thầu trong nước được liên danh, hợp tác, giúp nâng cao năng lực của nhà thầu.

Bên cạnh đó, đối với gói thầu J2 và hạng mục cầu Sông Chà, mặc dù điều kiện thi công phức tạp và gặp nhiều khó khăn song các nhà thầu đã áp dụng biện pháp thi công với công nghệ mới, sự chỉ đạo quyết liệt của chủ đầu tư và sự quyết tâm của nhà thầu, ngày 22/12/2016 vừa qua cầu Sông Chà được hợp long, rút ngắn thời gian thi công 4 tháng. Việc hợp long cầu Sông Chà là một mốc quan trọng, bởi cây cầu này là cầu nối liền cầu dây văng Bình Khánh (Gói thầu J1) và cầu dây văng Phước Khánh (Gói thầu J3) của Dự án. Đồng thời, đây là một trong 11 gói thầu xây lắp chính của dự án đã hoàn thành vượt tiến độ, góp phần quan trọng đưa dự án về đích đúng tiến độ.

Ý kiến của bạn

Bình luận