Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc hơn 16.200 tỷ khi nào hoàn thành?

Tác giả: Minh Thành

saosaosaosaosao
Xã hội 02/01/2022 21:49

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương thực hiện các thủ tục, phấn đấu khởi công đoạn Tân Phú-Bảo Lộc trong tháng 10/2022 và hoàn thành trong năm 2025.

 

h1-8797
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra thực tế tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc chiều 28/12/2021

 Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 01/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi làm việc về Dự án xây dựng đường bộ Tân Phú (Đồng Nai)-Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư.

Phó Thủ tướng đánh giá cao tỉnh Lâm Đồng, trong bối cảnh ngân sách của địa phương còn hạn hẹp nhưng đã rất chủ động, chung tay, góp sức cùng Trung ương triển khai đầu tư đường cao tốc tại địa phương, nhằm sớm hoàn thành hệ thống giao thông kết nối khu vực Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đoạn Tân Phú-Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc-Liên Khương với tổng chiều dài 140 km.

Để sớm hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, khởi công các dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng đoạn Dầu Giây-Tân Phú và đoạn Tân Phú-Bảo Lộc, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 10/01/2022.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01/2022.

Bộ GTVT, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và thẩm định chuyển mục đích sử dụng rừng của các dự án.

Phó Thủ tướng cũng giao UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương thực hiện các thủ tục theo quy định, phấn đấu khởi công đoạn Tân Phú-Bảo Lộc trong tháng 10/2022 và hoàn thành trong năm 2025.

Bộ GTVT có trách nhiệm triển khai đầu tư xây dựng đoạn Dầu Giây-Tân Phú đồng bộ với đoạn Tân Phú-Bảo Lộc.

Các bộ, ngành, cơ quan liên quan hỗ trợ tối đa UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện đầy đủ, nhanh chóng các thủ tục quy định pháp luật trong quá triển khai thực hiện các Dự án nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng.

 

Được biết, dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài hơn 200 km, chia thành ba đoạn đầu tư. Chính phủ giao UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện 2 đoạn huyện Tân Phú - TP Bảo Lộc và TP Bảo Lộc - Liên Khương (huyện Đức Trọng). Đoạn Dầu Giây - Tân Phú do Bộ GTVT phụ trách.

Đoạn từ xã Phú Trung, huyện Tân Phú (Đồng Nai) đến đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) dài 66 km (55 km của địa phận Lâm Đồng, còn lại ở Đồng Nai). Dự án quy mô bốn làn ôtô và hai làn dừng khẩn cấp, tổng mức đầu tư hơn 16.200 tỷ đồng, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có sự góp vốn của nhà nước.

Đoạn Bảo Lộc - Liên Khương (nối TP Bảo Lộc với cao tốc Liên Khương – Prenn) nằm trên địa bàn Lâm Đồng, quy mô bốn làn xe, tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ 11.300 tỷ đồng, theo phương thức PPP.

Đoạn từ Dầu Giây đến Tân Phú dài 61 km, tổng vốn đầu tư 7.369 tỷ đồng. Dự kiến cả ba dự án thành phần sẽ hoàn thành trước năm 2025.

Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đi vào hoạt động sẽ tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, kết nối hệ thống giao thông giữa miền Đông Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Riêng đoạn Tân Phú - Bảo Lộc sẽ giảm áp lực cho quốc lộ 20, đèo Bảo Lộc thường xuyên sạt lở, kẹt xe và tai nạn giao thông. 

Ý kiến của bạn

Bình luận