Cấp bách bài toán xe điện, xây dựng giao thông xanh - Kỳ 3: Độc quyền trạm sạc xe điện

Giao thông 24h 21/11/2024 06:00

Trong bối cảnh ô tô điện đang phát triển mạnh ở Việt Nam, việc chưa có quy hoạch hạ tầng trạm sạc xe điện khiến công tác quản lý, khai thác, vận hành còn nhiều khó khăn, đó là chưa kể trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam chưa có quy chuẩn đối với hệ thống trạm sạc xe điện.

Độc quyền trạm sạc xe điện - Ảnh 1.

Giống như nền móng của ngôi nhà, hạ tầng trạm sạc phải là vấn đề được ưu tiên nhất trước khi phủ sóng xe điện

Cần có quy hoạch trạm sạc để thu hút đầu tư

Trạm sạc đối với phát triển xe điện được ví như nền móng của ngôi nhà. Điều đó đồng nghĩa, hạ tầng trạm sạc phải là vấn đề được ưu tiên nhất trước khi phủ sóng xe điện. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có quy hoạch, quy chuẩn cụ thể trong phát triển trạm sạc xe điện dẫn đến nhiều hệ lụy.

Trong cuộc họp mới đây về việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc xe điện giữa Bộ Công thương và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), nhiều vấn đề đã được nêu ra. Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, xe điện ở Việt Nam được người tiêu dùng ngày càng đón nhận, ưa chuộng và phát triển nên hạ tầng trạm cũng được ưu tiên đầu tư. Do vậy, nếu không kịp thời có chính sách hỗ trợ phát triển mạng lưới trạm sạc, chưa xây dựng hoàn thiện được quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc thì sẽ dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong triển khai hệ thống các trạm sạc cả nước.

Trên thế giới, Trung Quốc là quốc gia có tốc độ phát triển ô tô điện nhanh nhất thế giới. Trong giai đoạn 2009 - 2022, Chính phủ Trung Quốc đã chi hàng tỷ Nhân dân tệ vào các chương trình hỗ trợ và giảm thuế, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện ở nhiều thành phố. Nhờ việc có các chính sách hỗ trợ, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng trạm sạc, nên dù tốc độ phát triển ô tô điện nhanh nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu sạc điện của người dân.

Người đứng đầu Bộ KH&CN cho biết, Bộ đã công bố 8 tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến trạm sạc dùng cho xe điện và 3 tiêu chuẩn Việt Nam về ổ cắm. Đồng thời, Bộ đã ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung quy định về đo lường đối với phương tiện nhóm 2 với nội dung bổ sung "thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện" và ban hành kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia năm 2024. Trong đó, Bộ đang xây dựng 8 tiêu chuẩn Việt Nam về ổ cắm điện, sạc điện đối với phương tiện giao thông xanh.

Mặc dù vậy, trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia chưa có quy chuẩn Việt Nam đối với hệ thống trạm sạc xe điện. Điều này dẫn đến việc chưa có quy hoạch trạm sạc điện, chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong phát triển trạm sạc của các doanh nghiệp trên cả nước.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, bên cạnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn chung cho các trụ, trạm sạc điện đã có, hiện nay còn thiếu những quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nêu vấn đề đáng quan tâm là việc chưa có quy định cụ thể trong việc xác định vị trí, địa điểm để xây dựng các trạm sạc điện và những quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện và loại hình năng lượng cung cấp cho hình thức này.

Việt Nam hiện nay có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng trạm sạc, thế nhưng trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia lại chưa có quy chuẩn đối với hệ thống trạm sạc xe điện. Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình Đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc không có quy hoạch trạm sạc dẫn đến nhiều bất cập.

"Không có quy hoạch trạm sạc sẽ khiến các nhà đầu tư không nắm rõ số lượng để phân bổ đầu tư hợp lý và xác định được nhu cầu thực tế tại các khu vực. Việc này dẫn đến nhiều trường hợp như tại nơi nhu cầu người dân lớn lại ít trạm sạc và ngược lại. Đồng thời, việc đầu tư không đúng sẽ gây lãng phí dẫn đến rào cản cho việc phát triển của xe điện", PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc nói và cho biết thêm, chỉ khi có quy hoạch, Nhà nước, doanh nghiệp mới xác định được mạng lưới hạ tầng cần để cấp điện. Từ đó, ngành Điện sẽ lên kế hoạch chuẩn bị, dự trù cho việc phân bổ lưới điện. Nếu không có quy hoạch, trạm sạc sẽ phát triển theo kiểu "mạnh ai nấy làm", điều đó có thể dẫn tới việc trùng lặp, lãng phí điện năng, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu thật sự của người dân.

Việc cấp thiết cần có quy hoạch cũng sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ô tô đầu tư mạnh mẽ vào sản phẩm xe điện, từ đó kích thích người dân chuyển đổi phương tiện xanh. Đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, hạ tầng trạm sạc điện ở Việt Nam.

Theo báo cáo về chỉ số thị trường xe ô tô điện trong nước của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), với thị trường khoảng 100 triệu dân, hiện tại tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam mới chỉ ở mức 23 ô tô/1.000 người, con số này chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia.

Dự báo đến năm 2025, nhu cầu ô tô của cả nước mỗi năm sẽ khoảng 800.000 - 900.000 xe và đến năm 2030 khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe. Trong khi đó, Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo đến năm 2028 Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu xe điện và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040.

Những dẫn chứng nêu trên để thấy rằng, thị trường trạm sạc xe điện Việt sẽ rất tiềm năng chờ được khai thác trong thời gian tới. Giới chuyên môn đánh giá đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt khai thác thị trường này bởi "mảnh đất" còn chưa có nhiều đơn vị nước ngoài tham gia. Bên cạnh đó, "cuộc đua" cũng sẽ rất khốc liệt đòi hỏi các doanh nghiệp cần có sự tính toán kỹ càng khi đầu tư vào một lĩnh vực mới ở thị trường đang ở những bước đi đầu tiên.

Độc quyền trạm sạc xe điện - Ảnh 2.

Nhiều chung cư không cho lắp đặt trạm sạc là bất cập lớn trong phát triển hạ tầng xe điện

Doanh nghiệp tự lực cánh sinh... dẫn đến độc quyền

Hiện nay, phát triển trạm sạc xe điện vẫn là câu chuyện "mạnh ai nấy làm" của doanh nghiệp. Trong đó, chỉ riêng VinFast là hãng xe duy nhất xây dựng, lắp ráp hệ thống trạm sạc phủ sóng trên 63 tỉnh, thành cả nước. Tuy nhiên, trạm sạc của VinFast hiện nay phát triển theo hướng riêng của hãng, không theo quy chuẩn chung của Việt Nam bởi chúng ta vẫn chưa có quy hoạch cụ thể.

Theo VinFast, họ đang xây dựng trạm sạc ô tô điện theo tiêu chuẩn quốc tế, công suất mỗi trạm sạc sẽ do hãng tự quyết định, đồng thời cũng không có bất cứ quy chuẩn nào về mặt bằng lắp đặt trạm sạc. Chỉ biết rằng, VinFast yêu cầu các đối tác của mình xây dựng diện tích 20 m2 cho mỗi xe có thể sạc tại các trụ. Trong khi đó, các doanh nghiệp chỉ phát triển trạm sạc, không bán xe như EV One, Eboost, EverChanrge... không công bố tiêu chuẩn, nhưng sẽ phát triển theo những quy định của riêng mình. Điều đó dẫn đến các trạm sạc hiện có của các doanh nghiệp này không đồng bộ, thống nhất với nhau.

Khi các doanh nghiệp phải tự lực cánh sinh như VinFast trong phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc thì việc độc quyền là điều không thể tránh khỏi. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn VinGroup kiêm Tổng Giám đốc VinFast chia sẻ, hãng bỏ ra 500 - 700 triệu USD để phát triển trạm sạc. Do đó, không thể chia sẻ cho các hãng dùng chung ít nhất trong 10 năm.

Cũng theo Tổng Giám đốc VinFast, việc mở cửa cho các đối thủ sạc chung hệ thống trạm sạc sẽ là tự hại chính mình nên tạm thời hãng sẽ không tính đến việc chia sẻ. VinFast bỏ tiền túi ra đầu tư hạ tầng trạm sạc nên việc không cho xe hãng khác sử dụng chung cũng là điều dễ hiểu.

Do chưa có quy hoạch, tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng hệ thống trạm sạc xe điện nên các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay trong câu chuyện đưa trạm sạc đến từng ngóc ngách trong cuộc sống của người dân. Điều này vô hình chung khiến người dân không dám mua ô tô điện vì bất cập về vị trí trạm sạc. Cũng vì lý do này, mục tiêu, lộ trình chuyển đổi phương tiện xanh phần nào bị chậm nhịp.