Thách thức toàn cầu: Ô nhiễm môi trường
Theo các nghiên cứu, để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,50C như mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris, thế giới cần phải giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt Net Zero vào năm 2050. Hiện nay, ngày càng nhiều quốc gia, thành phố, doanh nghiệp, tổ chức đã cam kết thực hiện Net Zero. Theo thống kê, hơn 1.000 thành phố, hơn 1.000 tổ chức giáo dục và hơn 400 tổ chức tài chính đã tham gia chiến dịch "Race to Zero" (cuộc đua đến Net Zero), cam kết hành động một cách nghiêm túc, khẩn trương nhằm giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030. Tháng 3/2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã quyết định thành lập Nhóm chuyên gia cấp cao về các cam kết phát thải ròng bằng 0 của các thực thể phi quốc gia để biến các cam kết thành hành động.
Trên thế giới, nhiều khu vực, quốc gia từng là "điểm nóng" của tình trạng ô nhiễm. TP. Bắc Kinh (Trung Quốc) là một ví dụ điển hình với khói bụi dày đặc và chất lượng không khí vào năm 2013 được ví như "ngày tận thế không khí" khi tỷ lệ bụi mịn PM2.5 đạt mức 900 microgram/m3, cao gấp 90 lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Để "giành lại màu xanh cho bầu trời", Bắc Kinh đã đề ra hàng loạt giải pháp mạnh mẽ, trong đó năm 2017 Bắc Kinh công bố kế hoạch "điện hóa" toàn bộ số xe taxi của thành phố, chuyển hàng chục nghìn taxi thành ô tô điện để giảm phát thải. Nghiên cứu năm 2023 của Viện Chính sách Năng lượng (EPIC) thuộc Đại học Chicago (Mỹ) cho thấy mức giảm ô nhiễm không khí đã giúp người dân Bắc Kinh có tuổi thọ cao hơn, cuộc sống trong lành và ý nghĩa hơn.
Những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động và dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam là quyết tâm ứng phó với BĐKH và xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế quan trọng, đóng góp vào quá trình đàm phán quốc tế và luôn là thành viên có trách nhiệm.
Trong Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH và Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, Việt Nam đều thể hiện vai trò, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ cũng như có các hành động thiết thực và hiệu quả, góp phần vào cuộc chiến chống BĐKH toàn cầu. Việt Nam đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động ứng phó với BĐKH.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã luật hóa các vấn đề ứng phó với BĐKH như: Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Bảo vệ môi trường. Việt Nam cũng phát triển và nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH dựa trên hệ sinh thái, dựa vào cộng đồng và dựa vào tự nhiên.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26), Việt Nam tuyên bố "sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050". Việt Nam cũng đã tham gia cam kết giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020; tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, Tuyên bố Glasgow của các lãnh đạo về rừng và sử dụng đất nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030; tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu nhằm huy động nguồn lực cho thích ứng với BĐKH...
Ngay sau COP26, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam đã được thành lập ngày 21/12/2021 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng, thực hiện các chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Tại COP28, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa cam kết với toàn thế giới: Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Đây là tầm nhìn mang tính thời đại, một quyết tâm chính trị rất cao, phù hợp trào lưu thế giới, vì lợi ích quốc gia và sự vươn lên của nền kinh tế Việt Nam.
Hiện thực hóa xu hướng phát triển giao thông xanh
Tại Thông báo số 372/TB-VPCP ngày 10/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ: Bộ GTVT phối hợp với các bộ, địa phương liên quan tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất, nhập khẩu, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng năng lượng xanh (bao gồm cả chính sách hỗ trợ đầu tư các trạm sạc điện, hỗ trợ chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện giao thông xanh...).
Xu hướng phát triển giao thông xanh ở Việt Nam được hiện thực hóa mạnh mẽ khi điện hóa phương tiện giao thông cách đây khoảng một thập niên. Đến năm 2020, làn sóng này thể hiện rõ khi số lượng xe hybrid và xe thuần điện ngày càng tăng, từ thương hiệu bình dân đến xe sang. Tại Triển lãm Vietnam Motor Show 2024 mới diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, số lượng lớn xe sử dụng năng lượng xanh đã được trưng bày và giới thiệu. Ngoài các loại xe điện và hybrid, việc sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn có hàm lượng thấp các chất gây ô nhiễm cho các loại phương tiện giao thông cũng sẽ giúp giảm thiểu lượng khí thải độc hại thải ra môi trường.
Có thể nói, ngành GTVT luôn quan tâm và coi công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng bên cạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiều chương trình, quyết định đã được ban hành để triển khai rộng khắp toàn ngành về công tác bảo vệ môi trường, điển hình như: Chương trình hành động số 228-CTr/VPBCS ngày 28/8/2013 của Ban Cán sự đảng Bộ GTVT thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Quyết định số 452/QĐ-BGTVT ngày 24/3/2021 của Bộ GTVT về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ GTVT về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 - 2025...
Đặc biệt, nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngành GTVT sẽ ưu tiên tập trung, đẩy mạnh xanh hóa ở nhiều lĩnh vực, chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics.
Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT, với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông xanh, đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Theo đó, Chương trình hành động đã đưa ra các giải pháp cụ thể cho 5 chuyên ngành GTVT quốc gia và giao thông đô thị, bao gồm: Phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia điện khí hóa, phát triển cảng xanh và lộ trình chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện và năng lượng xanh. Trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông xanh, Bộ GTVT đã xây dựng được tuyến đường sắt đô thị, triển khai được hàng trăm xe buýt điện và hàng chục nghìn ô tô điện, xe máy điện đang vận hành.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, so với mục tiêu đặt ra thì đây mới là kết quả bước đầu, còn khiêm tốn, cần tiếp tục cố gắng, dành nguồn lực, xây dựng chính sách để khuyến khích người dân, doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất và sử dụng phương tiện. Đây là vấn đề rất quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.