Cấp bách bài toán xe điện, xây dựng giao thông xanh-Kỳ 5: Làm gì để phát triển phương tiện sạch, xây dựng giao thông xanh?

Giao thông 24h 23/11/2024 06:00

Với tốc độ phát triển xe điện nhanh như hiện nay, Việt Nam vẫn đang thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hạ tầng trạm sạc để đáp ứng nhu cầu của người dân khi chuyển đổi sang phương tiện xanh.

Cách nào gỡ khó phát triển phương tiện sạch, xây dựng giao thông xanh? - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp vẫn đang tìm kiếm chính sách hỗ trợ phát triển trạm sạc

Loay hoay tìm kiếm chính sách hỗ trợ phát triển trạm sạc

Ở Việt Nam, VinFast vẫn đang là hãng xe có lượng trạm sạc lớn nhất, xen kẽ với đó là một số doanh nghiệp chuyên phát triển trạm sạc xe điện, nhưng số lượng chưa nhiều. Xe Trung Quốc cũng ồ ạt vào Việt Nam, nhưng đều không xây dựng hạ tầng trạm sạc.

Theo VinFast, thương hiệu này vẫn đang trong quá trình phát triển trạm sạc phủ kín 63 tỉnh, thành phố và quy hoạch sẽ có 150.000 cổng sạc trên toàn quốc. Thương hiệu Việt cũng cố gắng đáp ứng mục tiêu mỗi 50 - 55 km sẽ có một trạm sạc trên cao tốc, quốc lộ và ở trung tâm thành phố lớn khoảng cách trạm sạc sẽ là 2,5 km.

Đại diện VinFast cho biết, để có thể giúp người dân chuyển đổi sang xe điện thành công, "điểm nghẽn" đầu tiên cần vượt qua là khẩn trương xây mới hệ thống hạ tầng sạc điện nhanh, rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước, để người tiêu dùng không còn ngại vấn đề thiếu trạm sạc khi dùng xe điện.

Song hành với việc bán xe, mở rộng kinh doanh ra nhiều thị trường thế giới, VinFast vẫn đang tích cực triển khai xây dựng, đầu tư phủ sóng hạ tầng trạm sạc cho xe điện trải khắp 63 tỉnh, thành. Để khách hàng của mình quyết tâm chuyển đổi sang xe điện, VinFast liên tục triển khai ưu đãi. Ngoài giảm giá, hãng còn áp dụng chính sách miễn phí tiền sạc điện 1 năm cho các khách hàng đang sử dụng ô tô điện để khuyến khích người tiêu dùng chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.

Đến nay, xe điện mới chỉ nhận được ưu đãi từ Chính phủ với việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và miễn lệ phí trước bạ 0% trong vòng 3 năm, kể từ ngày 1/3/2022 đến trước ngày 1/3/2025 và bằng 50% với xe xăng, dầu cùng loại trong 2 năm tiếp theo.

So với những cường quốc xe điện như Trung Quốc, Mỹ..., theo các doanh nghiệp, ưu đãi trên vẫn là rất khiêm tốn. Những doanh nghiệp như VinFast cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ Nhà nước để có những chính sách ưu đãi phát triển cơ sở hạ tầng trạm sạc.

Theo Tổng Giám đốc VinFast Phạm Nhật Vượng, hãng vẫn đang kiến nghị Chính phủ hỗ trợ để phát triển trạm sạc, giúp người dân dễ tiếp cận với xe điện và không lo ngại vấn đề trạm sạc công cộng. Ông Vượng cho biết, VinFast vẫn đang tích cực xây dựng trạm sạc, nhưng khó khăn nhất là vấn đề mặt bằng. Từ đó, Tổng Giám đốc VinFast kêu gọi những người có mặt bằng ở vị trí thuận lợi, quán ăn, nhà hàng, khu chung cư, khu đô thị... cùng hợp tác với VinFast để mở rộng trạm sạc xe điện.

Ngoài ra, trước đó, theo ý kiến của Bộ Công thương, dự kiến các trạm sạc của VinFast sẽ áp dụng đơn giá điện riêng cho các trụ sạc. Đại diện VinFast thấy rằng, việc Bộ Công thương áp giá điện riêng (với mức giá điện dự kiến cao hơn giá điện áp dụng cho sản xuất và thấp hơn giá điện áp dụng cho kinh doanh) là chưa hợp lý.

Việc áp dụng giá điện cao hơn với trạm sạc VinFast sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, đây là đối tượng sử dụng điện cuối cùng khi dùng xe điện chứ không phải là VinFast sử dụng điện cho cơ sở sản xuất của doanh nghiệp. Đồng thời, áp giá điện riêng, cao hơn tại các trạm sạc của VinFast sẽ không khuyến khích người dân chuyển sang xe điện. Điều này vô hình tạo gánh nặng về tài chính cho VinFast trong lúc doanh nghiệp đang rất cần Chính phủ hỗ trợ về các chính sách theo đúng nội dung tại Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Những chính sách ưu đãi nhỏ giọt dành cho xe điện như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ... vẫn chưa đủ mạnh, quyết liệt bởi doanh nghiệp như VinFast cần thêm chính sách hỗ trợ mở rộng hệ thống trạm sạc. Chỉ có tăng độ phủ của trạm sạc mới khiến người dân yên tâm sử dụng xe điện, doanh nghiệp kinh doanh bằng xe điện tin tưởng, lựa chọn chuyển đổi phương tiện xanh.

Cách nào gỡ khó phát triển phương tiện sạch, xây dựng giao thông xanh? - Ảnh 2.

Giải pháp cấp bách gỡ khó hạ tầng trạm sạc là phải có quy hoạch, các doanh nghiệp khi đó mới dám đầu tư

Muốn dân mua xe điện, trạm sạc phải được "phủ sóng" trước

Theo Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Nhà ở, từ ngày 1/8/2024, nhà chung cư được phân làm ba hạng theo thứ tự hạng 1, 2 và 3. Chung cư sẽ được xếp hạng dựa trên 8 tiêu chí bắt buộc, gồm vị trí, tiện ích, chỗ đỗ xe, sảnh - hành lang, thang máy, cấp điện, căn hộ và nhóm các tiêu chí theo quy chuẩn xây dựng.

Trong đó, chung cư hạng cao nhất (hạng 1) cần đáp ứng thêm điều kiện về khoảng cách đến công viên hoặc khu vui chơi giải trí. Đồng thời, trong khuôn viên chung cư hạng này phải có khu dịch vụ giáo dục hoặc y tế thể thao, thang máy chở hàng riêng... Riêng về chỗ đỗ xe, cứ hai căn hộ tại dự án hạng 1 cần có tối thiểu chỗ đỗ ô tô (slot) với diện tích tiêu chuẩn 25 m2 (tính theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng năm 2021). Đặc biệt, chung cư xếp hạng cao nhất phải có trụ sạc cho xe điện.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao cho Bộ Công thương khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong đó nghiên cứu, đề xuất và đánh giá tác động của cơ chế hỗ trợ giá điện đối với trạm sạc điện phục vụ phương tiện giao thông xanh. Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có liên quan rà soát lại các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, bổ sung và có chính sách đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc điện và nguồn cung cấp điện.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đến nay chưa có nhiều chính sách cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích đầu tư hạ tầng trạm sạc. Tuy nhiên, thị trường xe điện đang cho thấy nhiều tiềm năng, với ngày càng nhiều nhà đầu tư nhập cuộc. Trong đó, bài toán lớn nhất của các hãng sản xuất, phân phối xe điện chính là trạm sạc, phải tính đến đầu tiên khi bán xe điện tại Việt Nam.

Thực tế, muốn khuyến khích, thay đổi thói quen sử dụng của người tiêu dùng xe điện hướng tới Net Zero thì hãng phải đầu tư trạm sạc. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại sẽ nhiều rủi ro cho doanh nghiệp khi đầu tư nhiều vào trạm sạc nhưng lượng người dùng xe điện hạn chế.

Theo PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình Đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội, ở bất cứ quốc gia nào, trạm sạc chính là bước then chốt và tiên quyết cho việc phát triển hệ thống xe điện. "Chỉ khi trạm sạc được phổ rộng thì mới có thể nâng cao tính linh hoạt của xe điện về quãng đường di chuyển, thời gian sạc. Khi độ phủ trạm sạc đủ rộng sẽ dễ dàng giúp người dùng thay đổi thói quen, chuyển đổi từ xe xăng sang điện", ông Phúc chia sẻ. Về giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trong việc xây dựng trạm sạc, PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc cho rằng cần thiết phải có những kế hoạch, chiến lược lâu dài.

"Chúng ta nên có chiến lược xây dựng cổng thông tin trạm sạc quốc gia. Dù là các nhà đầu tư trạm sạc khác nhau nhưng cần có dữ liệu chung trên cổng thông tin để cung cấp thông tin cho 3 đối tượng chính. Đầu tiên, nhà quản lý sẽ biết số lượng trạm sạc, thời gian, tình trạng sử dụng thực tế..., từ đó nắm rõ mật độ trạm sạc ở các khu vực đang phân bổ khác nhau thế nào nhằm điều chỉnh hợp lý. Thứ hai, khi nhìn vào cổng thông tin trạm sạc quốc gia, nhà đầu tư sẽ nắm rõ tình hình thực tế từng khu vực để phân bổ đầu tư hợp lý, đúng và đủ nhu cầu sử dụng của người dùng. Thứ ba, cung cấp thông tin cho người sử dụng xe điện để dễ dàng tìm kiếm trạm sạc khi cần thiết. Đồng thời, người dùng có thể phản ánh nhu cầu để nhà quản lý, nhà đầu tư nắm bắt thông tin nhằm phân bổ phù hợp", vị chuyên gia này phân tích.

Đặc biệt, PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần có kiến nghị với Chính phủ về chính sách hỗ trợ phát triển trạm sạc. Đây là một trong những hình thức kinh doanh có sự rủi ro cao nhưng cấp thiết bởi hỗ trợ trực tiếp cho chuyển đổi xanh, từng bước cắt giảm khí CO2, giảm ô nhiễm để làm sạch môi trường. Những việc làm tốt cho môi trường cần khuyến khích và chia sẻ rủi ro cùng doanh nghiệp để họ mạnh dạn đầu tư hơn.