Cấp bách phát triển các phương thức logistic san sẻ “gánh nặng" cho đường bộ

Tác giả: Hoàng Long

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 07/08/2020 07:03

Giảm áp lực vận tải cho đường bộ, tăng sự kết nối giữa các phương thức vận tải, tổ chức vận tải hợp lý sẽ góp phần kéo giảm chi phí vận tải, tăng sức cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

5480mg0025_1

Hệ thống đường bộ phát triển đồng bộ

Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có những bước phát triển mạnh, theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Theo thống kê của Bộ GTVT, năm 2019, sản lượng vận tải đạt 1.684,12 triệu tấn hàng, tăng 9,7%; đạt 5.143,07 triệu lượt hành khách, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2018; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 322,158 tỷ Tấn.km, luân chuyển hành khách ước đạt 248,47 tỷ HK.km; tăng 7,8% về luân chuyển hàng hóa và tăng 10,9% về luân chuyển hành khách so với năm 2018. 6 tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động vận tải, tuy nhiên sản lượng vận tải vẫn đạt ở mức cao. Cụ thể, sản lượng vận tải 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 807,883 triệu tấn hàng, giảm 8,1%; đạt 1.812,614 triệu lượt hành khách, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2019; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 159,808 triệu Tấn.km, luân chuyển hành khách ước đạt 82,401 triệu HK.km; giảm 7,1% về luân chuyển hàng hóa và giảm 32,7% về luân chuyển hành khách so với cùng kỳ năm 2019.

Theo thống kê của Bộ GTVT, hệ thống đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài 570.448 km, trong đó quốc lộ là 24.136 km, đường cao tốc là 816 km, đường tỉnh là 25.741 km, đường huyện 58.347 km, đường đô thị là 26.953 km, đường xã là 144.670 km, đường thôn xóm là 181.188 km và đường nội đồng là 108.597 km.

Đánh giá về hệ thống hạ tầng đường bộ, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho rằng, hệ thống quốc lộ hình thành theo trục hành lang Bắc - Nam, vùng duyên hải và cao nguyên, các tuyến đường Đông - Tây dọc theo miền Trung Việt Nam. Ở phía Bắc, các tuyến quốc lộ tạo thành hình mạng lưới nan quạt với tâm là Thủ đô Hà Nội. Ở phía Nam, các tuyến quốc lộ tạo nên hình lưới. Hệ thống quốc lộ hiện nay bao phủ khắp lãnh thổ và đóng vai trò trục chính kết nối vận tải giữa các vùng miền, trung tâm kinh tế, cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu, đầu mối giao thông quan trọng. Các tuyến đường cao tốc đã được đầu tư và đưa vào sử dụng như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và một số tuyến đang hoàn thiện đã mang lại thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đang được triển khai đầu tư, khi hoàn thành sẽ có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, đặc biệt là ba vùng kinh tế trọng điểm; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh; góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tại thời điểm này, Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo dự án cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông mà mục tiêu đến năm 2021 sẽ có trên 2.000 km đường cao tốc.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, lượng phương tiện vận tải hàng hóa trong 10 năm qua tăng nhanh, tốc độ tăng bình quân 13,5% về số lượng phương tiện và tăng 15% về tấn phương tiện. Tính đến nay, cả nước có 620.000 xe ô tô tải các loại. Thực hiện Luật Doanh nghiệp, lực lượng vận tải hàng hóa phát triển rất mạnh mẽ, số lượng đơn vị vận tải hàng hóa tăng lên nhanh chóng, số lượng phương tiện vượt quá nhu cầu vận chuyển đã tạo nên tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh. Đồng thời, việc thiếu các kênh thông tin, giao tiếp giữa chủ phương tiện với khách hàng nên các đơn vị nhỏ lẻ thường không ký được hợp đồng vận tải hàng hóa trực tiếp với các chủ hàng mà phải thông qua khâu trung gian, dẫn đến mặt bằng giá cước vận tải thường xuyên biến động, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT, đặc biệt là hiện tượng chở quá tải gấp nhiều lần so với tải trọng quy định diễn ra khá phổ biến.

Bên cạnh đó, vận tải đường bộ trong những năm qua có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng đơn vị, số lượng phương tiện và số lượng tuyến vận tải. Theo thống kê, hiện cả nước có trên 56.431 đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (trong đó số lượng hộ kinh doanh vận tải còn rất lớn), có trên 420.902 ô tô kinh doanh vận tải các loại và mạng lưới tuyến vận tải đường bộ được phủ khắp các địa bàn trên cả nước. Các đơn vị kinh doanh vận tải đã chú trọng đầu tư, đổi mới phương tiện có chất lượng tốt, thế hệ mới để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tăng sức cạnh tranh và góp phần đáng kể vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của đất nước.

Tăng cường kết nối, giảm chi phí

Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, công tác kết nối giữa vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác là tương đối tốt. Việc kết nối giữa vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác đang tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là với vận tải đường thủy tại đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng. Về kết nối đường bộ với đường sắt, tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, từ Quảng Bình đến Bình Thuận và từ Bình Thuận đến Kiên Giang đã góp phần tăng tỷ trọng vận tải hàng hóa bằng đường sắt, đường thủy nội địa và giảm tỷ trọng vận tải hàng hóa bằng đường bộ trong thời gian qua.

Thực tế, đường bộ có thể kết nối với tất cả các phương thức, tuy nhiên vận tải đường bộ hiện đang phải đảm nhận tỷ trọng lớn dẫn đến mất cân đối với các phương thức vận tải khác, tình trạng xe chở quá tải trọng cho phép diễn ra nhiều và phức tạp. Bên cạnh đó, quy mô các đơn vị vận tải nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng dịch vụ thấp, công nghệ quản lý lạc hậu, sức cạnh tranh yếu; tỷ lệ xe vận tải hàng hóa chạy rỗng nhiều, chi phí vận tải cao, hiệu quả kinh doanh thấp, nguy cơ gây TNGT cao; thị trường vận tải hàng hóa thiếu tính kết nối và chưa minh bạch.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, tuy vận tải đường bộ hiện vẫn phải đảm nhận tỷ trọng lớn về lượng hành khách, hàng hóa so với các phương thức vận tải khác dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa các phương thức vận tải (vận tải ô tô đảm nhiệm trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa). Cùng với sự phát triển của lực lượng vận tải, công tác quản lý hoạt động vận tải đường bộ cũng đã có những đổi mới về tổ chức, công nghệ theo hướng tích cực và ngày càng đạt được hiệu quả cao trong kinh doanh.

Chi phí vận tải đường bộ hiện nay còn ở mức cao, chưa phù hợp với thực tiễn do sự cạnh tranh không lành mạnh, giao dịch chủ yếu qua trung gian, chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của đơn vị vận tải (theo tính toán, chi phí vận chuyển container loại 40 feet từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh khoảng 40 triệu đồng, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 2,5 lần so với vận chuyển bằng đường sắt). Hiện nay, chi phí logistics ở nước ta còn ở mức cao, chiếm khoảng 20,9% GDP.

Để kéo giảm chi phí vận tải, tăng sức cạnh tranh và tăng cường kết nối, theo ông Nguyễn Văn Quyền cần đẩy mạnh kết nối giữa vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác nhằm giảm tải cho vận tải đường bộ, nhất là với tuyến vận tải thủy ven biển, vận tải đường thủy nội địa tại đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và với vận tải đường sắt. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực, hiệu quả của Sàn Giao dịch vận tải kết hợp với phương thức vận tải khác để hạn chế chiều chạy rỗng, nhằm kéo giảm chi phí.

“Trong những năm tới, Bộ GTVT tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các giải pháp nhằm tăng cường kết nối các phương thức vận tải, phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics, nghiên cứu để hình thành các tuyến vận tải mẫu có sự tham gia của tối thiểu ba phương thức vận tải nhằm mục tiêu giảm chi phí vận tải và giảm tải cho vận tải đường bộ”, ông Quyền nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận