Cấp bách tăng kết nối các phương thức vận tải phát triển logistics Việt Nam

Tác giả: Hoàng Thạch

saosaosaosaosao
Sự kiện 24/07/2020 10:39

Kết nối đồng bộ giữa các phương thức vận tải nhằm tăng năng lực vận tải, qua đó đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa đến nơi đúng thời hạn với chi phí thấp nhất là một bài toán đặt ra với các cơ quan hữu quan. Để thực hiện mục tiêu đó đòi hỏi kết nối phương thức vận tải phải là khâu đột phá để mở ra hướng phát triển kinh tế, gắn kết quy hoạch hạ tầng và các phương thức kết nối hàng hóa, tạo chuỗi liên thông đồng bộ để giải phóng hàng nhanh, chi phí vận tải thấp.

cang bien

Kết nối các phương thức để tăng thị phần vận tải

Theo ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), thời gian qua, ngành GTVT đã đáp ứng tốt nhu cầu vận tải của toàn xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện và nâng cao. Vận tải hàng không có sự tăng trưởng mạnh những năm gần đây, vận tải đường biển, đường thủy nội địa tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, vận tải đường bộ đảm nhận khối lượng vận chuyển lớn nhất trong các loại hình vận tải trong giai đoạn này, đáp ứng tốt nhu cầu. Tuy nhiên, vận tải đường sắt lại không có sự tăng trưởng. Giai đoạn vừa qua, vận tải hàng hóa có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 9%/năm về khối lượng vận chuyển và trên 5%/năm về khối lượng luân chuyển.

Nhằm tăng cường kết nối, thời gian qua, Tổng cục ĐBVN, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam đã phối hợp, tăng cường kết nối các phương thức vận tải nhằm góp phần đưa ra các giải pháp đồng bộ, kịp thời trong công tác kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa tới cảng biển.

Thời gian qua, ngành GTVT đã tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ, có nhiều đột phá so với các lĩnh vực khác, đảm nhận vai trò chủ yếu trong kết nối vùng miền và quốc tế. Đến nay, cả nước đã hoàn thành gần 1.000 km đường cao tốc đưa vào khai thác; tổng chiều dài quốc lộ khoảng 25.000 km, trong đó 64% được xây dựng bằng bê tông nhựa (đường cấp cao). Hạ tầng đường sắt với chiều dài hệ thống đường sắt quốc gia không có sự thay đổi lớn (tổng chiều dài đường sắt quốc gia có 3.147 km, trong đó 2.670 km chính tuyến, 477 km đường nhánh và đường ga, bao gồm ba loại khổ đường 1.000 mm chiếm 83,7%, khổ đường 1.435 mm chiếm 7%, khổ đường lồng chiếm 9,3%.

Đường thủy nội địa đã tập trung đầu tư cải tạo một số tuyến đường thủy chính tại vùng đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, khu vực phía Bắc đã cải tạo 7/17 tuyến với chiều dài 945,5 km (đạt 41%), miền Trung đã cải tạo 1/10 tuyến với chiều dài 63,5 km (đạt 13%), miền Nam cải tạo được 9/18 tuyến với chiều dài 2.303,9 km (đạt 67%); đã đưa vào sử dụng một số công trình chỉnh trị cửa sông, kênh, âu tàu lớn, hiện đại, phát triển hệ thống 255 cảng thủy nội địa.

Đối với hạ tầng hàng hải đã hình thành hệ thống 6 nhóm cảng biển gồm 32 cảng biển, 272 bến, 13 cảng dầu khí ngoài khơi, 46 tuyến luồng hàng hải công cộng và 33 tuyến luồng chuyên dùng. Năng lực thông qua toàn hệ thống cảng biển tăng hơn hai lần so với năm 2011, thỏa mãn nhu cầu vận tải nội địa và xuất nhập khẩu bằng đường biển. Nhiều cảng hàng không hiện có được nâng cấp và đã hoàn thành các công trình cảng hàng không quan trọng như Nội Bài (nhà ga T2, nhà khách VIP), Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cần Thơ, Vinh, Phú Quốc (xây mới), Liên Khương, Pleiku, Thọ Xuân, Cát Bi, Vân Đồn (xây mới). Hiện tại, chúng ta đang khai thác dân dụng 22 cảng hàng không (9 cảng hàng không quốc tế, 13 cảng hàng không nội địa).

Tăng kết nối, tăng sức cạnh tranh

Các loại hình vận tải cần tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở quy hoạch phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở hoàn thiện quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn; triển khai thực hiện kêu gọi đầu tư hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt; ưu tiên đầu tư các cảng cạn là các đầu mối tổ chức vận tải đa phương thức và cung cấp dịch vụ logistics, kết nối các phương thức vận tải. Chúng ta cần có chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích, tạo thuận lợi các doanh nghiệp dịch vụ logistics, các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển lớn chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường bộ để cung cấp các dịch vụ vận tải đa phương thức và các dịch vụ logistics trọn gói. Đồng thời, cần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp đường sắt, đường thủy nội địa trong việc đầu tư phương tiện và cung cấp các dịch vụ vận tải, kho bãi, giao nhận container; khuyến khích các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng sử dụng sàn giao dịch vận tải; tiếp tục tăng cường hoạt động của tuyến vận tải sông pha biển; khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có; ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình có tính trọng yếu để tạo sự đột phá trong phát triển vận tải và thực hiện tái cơ cấu vận tải.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Tháo “nút thắt” để tăng cường kết nối

Để giải bài toán tăng cường kết nối, nâng cao thị phần vận tải, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 767/QĐ-BGTVT công bố phương án cắt giảm, đơn giản các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT, trong đó Bộ GTVT công bố cắt giảm 384 điều kiện trên tổng số 570 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực GTVT. Nhiệm vụ tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước được ưu tiên triển khai, đặc biệt là công tác hoàn thiện văn bản QPPL và cải cách thủ tục hành chính, công tác thanh kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải...

Bộ đã chủ trì soạn thảo sửa đổi 4 luật chuyên ngành và đã được Quốc hội thông qua như: Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Luật Đường sắt (sửa đổi); đã xây dựng các chiến lược, quy hoạch, đề án với mục tiêu bảo đảm kết nối hài hòa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, phát triển thị trường vận tải nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ vận tải, bảo vệ môi trường.

Qua đó, hoạt động vận tải đã từng bước được quản lý chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu vận tải trong và ngoài nước, nhất là vào các dịp lễ, Tết; hạn chế được tình trạng ùn tắc hành khách, hàng hóa tại cảng hàng không, ga đường sắt, bến xe, cảng biển vào mùa vận tải cao điểm; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ vận tải. Có thể thấy, giá cước vận tải hiện nay cơ bản đã được kiểm soát, bảo đảm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Để tăng tính liên kết giữa các phương thức vận tải, tạo ra chuỗi giá trị, nâng cao thị phần, theo ông Trần Bảo Ngọc cần tập trung các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường quản lý nhà nước, đổi mới và hoàn thiện thể chế chính sách về vận tải, logistics tạo môi trường pháp lý đầy đủ, có hiệu lực cao; ưu tiên nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo chiến lược, quy hoạch đã được phê duyệt để nâng cao chất lượng vận tải; ưu tiên tốc độ xây dựng mới các công trình quan trọng tạo bước phát triển đột phá cho vận tải, các công trình có vai trò kết nối các phương thức vận tải; nâng cấp để đồng bộ về tải trọng giữa cầu và đường bộ trên toàn bộ các tuyến quốc lộ; bảo đảm hạ tầng giao thông đường bộ kết nối hiệu quả đồng bộ với các cảng biển, cảng thủy nội địa lớn.

nut giao Long Bien_1

Thứ hai, triển khai các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của toàn ngành trên nền tảng khung Chính phủ điện tử đã được hoàn thiện; đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, điều hành và khai thác vận tải, đặc biệt là đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống dữ liệu và thống kê, hệ thống giao thông thông minh, sàn giao dịch vận tải, trí tuệ nhân tạo...

Thứ ba, hình thành được các doanh nghiệp vận tải có năng lực, khả năng liên kết các chuỗi vận tải và dịch vụ logistics để cung cấp vận tải đa phương thức, vươn ra thị trường quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải, đường sắt, hàng không;

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu vận tải, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư kinh doanh vận tải, đặc biệt là ngành Đường sắt; tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường kết nối giữa các phương thức để phát triển vận tải đa phương thức, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính.

Thứ năm, xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, phát huy thế mạnh của từng phương thức vận tải và phát triển vận tải đa phương thức; ứng dụng các công nghệ vận tải tiên tiến để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ sáu, phát triển số lượng và chủng loại phương tiện vận tải phù hợp với tình hình thực tế, theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, trước mắt áp dụng tiêu chuẩn khí thải tương đương mức Euro 5 đối với xe ô tô mới.

Ý kiến của bạn

Bình luận