Ùn tắc tại sân bay đang là vấn đề nhức nhối tại Tp.HCM |
Trước tình trạng ùn tắc kéo dài tại các đường vào sân bay và không có dấu hiệu thuyên giảm, Công ty Bilco đã đề xuất ý tưởng xây hệ thống cáp treo từ công viên Hoàng Văn Thụ và Gia Đình vào sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giải bài toán kẹt xe ở khu vực này.
Người trong cuộc nói gì?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí GTVT, ông Vũ Huy Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Bilco cho biết: Ý tưởng xây cáp treo vào sân bay Tân Sơn Nhất của công ty đã có từ lâu. Bản thân ông cũng đã rất ấn tượng với công trình cáp treo ở London – Pháp, nên rất muốn áp dụng hình thức này vào Việt Nam. Tuy nhiên ông chưa có dịp để đề xuất ý tưởng trên với các cơ quan chức năng.
Và thực tế đây chỉ mới là ý tưởng xuất phát từ bản thân của ông chứ chưa có phương án cụ thể. Khi thấy Thành phố Tp.HCM sẽ làm tuyến metro từ công viên Gia Định vào sân bay Tân Sơn Nhất với kinh phí lên đến 5.500 tỷ đồng. Từ đó ông mới muốn thực hiện ý tưởng này vì với công năng như thế nếu làm bằng cáp treo thì kinh phí chỉ bằng 1/10, tức khoảng 500 tỷ và thời gian thi công chỉ 10 tháng. Và theo tìm hiểu của ông Thắng, hiện Cục Hàng không cũng có ý định cho hành khách làm thủ tục check-in ở bên ngoài. Nếu sử dụng xe buýt vận chuyển vào thì cũng không giải được bài toán ùn tắc.
ông Vũ Huy Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Bilco chia sẻ về ý tưởng xây dựng cáp treo vào sân bay để giảm ùn tắc |
Do đó chúng tôi mới đề xuất làm cáp treo từ Công viên Hoàng Văn Thụ theo đường Trường Sơn vào sân bay. Tại khu vực công viên nếu chúng ta đặt một nhà ga để hành khách làm thủ tục. Sau khi hoàn tất các thủ tục xong thì hành khách có thể lên cabin cáp treo để vào sân bay. Như vậy sẽ giảm tải ít nhất một nửa lượng xe lưu thông trên đường. Có nhiều ý kiến cho rằng khi xây dựng các trụ cáp sẽ chiếm diện tích đường vào sân bay gây ùn tắc, nhưng trên thực tế chúng tôi chỉ xây dựng trụ cáp ở dải phân cách đường Trường Sơn tầm cao có thể từ 8m-20m.
Theo ông Thắng, kinh phí để làm tuyến cáp treo từ Công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 500 tỷ đồng. Tuyến cáp treo này có công suất đạt 3.000 người/lượt/giờ. Nếu áp dụng công nghệ mới có thể chở được 4.000 - 4.500 người/lượt/giờ. Vận tốc cabin di chuyển khoảng 25 km/h. Đây là giải pháp hữu hiệu giải bài toán kẹt xe ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang rất nóng.
Chuyên gia: “giải pháp không khả thi”
Việc đề xuất xây dựng cáp treo vào sân bay cũng là một ý tưởng hay và tốt từ phía đơn vị đó nhằm có giải pháp trước mắt cho việc giảm ùn tắc sân bay. Tuy nhiên từ trước đến nay chúng ta cũng chỉ mới nghe nói đến dịch vụ cáp treo rất phổ biến nhằm phục vụ các khu vực phát triển du lịch, hoặc những nơi có địa hình khó khăn…
Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh cần quay lại bài toán giảm ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất. Và trong đợt cao điểm dịp cuối năm, lượng khách sử dụng loại hình này chỉ tăng 10%. Do đó nếu chúng ta đánh giá nguyên nhân ùn tắc tại khu vực trên là do lượng hành khách và tìm giải pháp di chuyển hành khách từ bên ngoài vào sân bay là chưa hợp lý.
Ông Sanh phân tích, hiện nguyên nhân ùn tắc tại khu vực là do nhiều nguyên nhân khác nhau như vỡ quy hoạch taxi, do tổ chức giao thông trong nội đô thành phố…Thực tế việc ùn tắc này xảy ra xung quanh các trục đường chính như Cộng Hòa, vòng xoay Lăng Cha Cả, Hoàng Văn Thụ….và đặc biệt trục đường chính dẫn vào sân bay như đường Trường Sơn đang là một trục đường chính khác dẫn ra đường Phạm Văn Đồng.
Rõ ràng nếu chúng ta xây dựng cáp treo này chỉ để phục vụ hành khách đi trong 1 km thì thực sự rất khôi hài. Vì với cự ly đó chúng ta có thể đi bộ hoặc sử dụng phương tiện công cộng. và trên thực tế chúng ta vẫn chưa có những con số cụ thể để chứng minh cho việc ùn tắc tại sân bay là do lượng hành khách sử dụng sân bay mà không phải do lượng phương tiện khác.
Chúng ta cần nghiên cứu và tìm các phương pháp hữu hiệu và trước mắt như đẩy nhanh thủ tục check in tại sân bay. Giảm bớt lượng phương tiện vào sân bay bằng cách điều tiết các chuyến bay, tăng các chuyến bay về đêm. Và cần phải có những ưu tiên cho các chuyến bay đêm như giảm giá vé, nâng cao chất lượng phục vụ… để hành khách yên tâm sử dụng các chuyến bay đêm.
Chúng ta cũng cần ngồi lại đánh giá đúng nguyên nhân ùn tắc đang xảy ra tại khu vực sân bay như: mật độ xe taxi dày đặc, do xe dừng đỗ bừa bãi, các đường cắt ngang ngày một nhiều. Đặc biệt là tình trạng các cao ốc, nhà hàng, trung tâm vui chơi mua sắm mọc lên dày đặc khiến lượng phương tiện di chuyển vào đây ngày càng nhiều. Thực tế qua khảo sát vào các giờ cao điểm, việc người dân đến đây ăn sáng ăn trưa…cũng khiến cho tuyến đường đang cao điểm ùn ứ trở nên trầm trọng. Chưa kể tâm lý người dân lưu thông trên đường lại chen lấn nhau…Việc thực tế trước mắt là chúng ta nên dọn dẹp lại lòng lề đường, thu hẹp các dải phân cách để mở rộng tuyến đường. Đơn cử như dãy phân cách ở tuyến đường Hoàng Minh Giám ra Lăng Chả Cả quá lớn khiến diện tích đường bị thu hẹp đi rất nhiều. Thậm chí chúng ta có thể khoét một phần đường vào công viên Hoàng Văn Thụ để mở rộng làn đường dành cho xe ô tô, tránh ùn ứ tại điểm giao nhau này.
Từ những giải pháp trước mắt đó, chúng ta cần ngồi lại và tìm giải pháp lâu dài về sau và có những con số dự báo cụ thể cho lượng khách sử dụng dịch vụ này của 10 năm đến 20 năm tiếp theo. Cần có những khảo sát cụ thể, số liệu cụ thể mới có thể đánh giá tình hình Ví dụ như số lượng hành khách sử dụng dịch vụ, số hành khách bị trễ chuyến do ùn tắc, số lượng khách ở từng thời điểm trong ngày…mới tìm các biện pháp thích hợp. Đặc biệt đó là các bên có liên quan cần ngồi lại với nhau, tính toán kỹ và đưa ra các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Đó mới là sự cần thiết cho việc giải bài toán ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.