Từ gian khó đến ngày vinh quang
Bên bờ Suối Rút (Mai Châu, Hòa Bình) cách đây 65 năm, ngày 17/8/1952, Đội Chủ lực Cầu 2 (tiền thân của Công ty Cổ phần Cầu 12) chính thức được thành lập với chỉ 45 CB, CNV. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đội Chủ lực Cầu 2 đã vinh dự được giao nhiệm vụ xây dựng và sửa chữa các cầu cống, góp phần phục vụ bộ đội ta trong các chiến dịch Tây Bắc. Trong hoàn cảnh đạn bom ác liệt, đơn vị vẫn kiên cường bám cầu bám đường, không quản ngại khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Các giai đoạn sau đó, căn cứ vào điều kiện thực tế, Đội Chủ lực Cầu 2 đổi tên thành Đội Cầu 2, Xí nghiệp Cầu 2 rồi Xí nghiệp Cầu 12. Năm 1993, Xí nghiệp Cầu 12 đổi tên thành Công ty Cầu 12 với quy mô và tiềm lực mới trong điều kiện đất nước đang tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện. Công ty Cầu 12 đã mở rộng quan hệ hợp tác và tiếp nhận nhiều công nghệ thi công tiên tiến, thiết bị hiện đại trong lĩnh vực thi công cầu của nước ngoài. Năm 1993, Công ty Cầu 12 được giao nhiệm vụ xây dựng cầu Phú Lương (Hải Dương) bắc qua sông Thái Bình. Sau 3 năm thi công, cầu Phú Lương thông xe đã mở ra thời kỳ mới cho ngành xây dựng cầu Việt Nam, đủ sức thi công các cây cầu lớn trên khắp đất nước bằng công nghệ đúc hẫng tiên tiến. Tiếp đó, Công ty Cầu 12 tiếp tục được “chọn mặt gửi vàng” ở các công trình như: Nút giao thông Nam Chương Dương, nút giao thông Ngã Tư Vọng, nút giao Mai Dịch (Hà Nội), cầu Thanh Trì - cầu bê tông cốt thép quy mô lớn nhất Đông Nam Á; cầu vượt đầm Thị Nại (Bình Định), cầu Mỹ Thuận - cầu dây văng đầu tiên thi công trụ tháp cao 120m bằng công nghệ đà giáo trượt…
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, tháng 9/2007, Công ty Cầu 12 chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi Công ty Cổ phần Cầu 12. Kế thừa truyền thống và lịch sử hào hùng, Công ty Cổ phần Cầu 12 không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý và sức cạnh tranh để tiếp tục duy trì sự ổn định, phát triển và lập nên những thành công mới. Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm mang tính hiện đại trên khắp vùng miền Tổ quốc, dưới bàn tay, khối óc của những người thợ Cầu 12 đã hoàn thành và đưa vào khai thác trong giai đoạn này như: Cầu Vĩnh Tuy, cầu Chà Và, cầu Hàm Luông, cầu Hang Tôm, cầu Hưng Lợi, cầu Cái Lớn hoặc đang thi công như các cầu dây văng Nhật Lệ 2 (hoàn thành tháng 9/2016), cầu dây văng Cao Lãnh (hoàn thành tháng 10/2017), cầu dây văng Bình Khánh, Cầu Bạch Đằng (hoàn thành tháng 12/2017), cầu Sông Rút, cầu Mỏ Nhát, cầu Cẩm Hải…
Điểm tựa từ khoa học công nghệ
Cầu Hàm Luông, tỉnh Bến Tre. Cầu có các nhịp chính vượt sông thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng với khẩu độ nhịp 150m lớn nhất Việt Nam do Cầu 12 thi công, hoàn thành năm 2010 |
Có thể khẳng định, trong suốt chiều dài 65 năm hình thành và phát triển, nhờ việc ứng dụng một cách có hiệu quả khoa học công nghệ mới vào quản lý và sản xuất, Công ty Cổ phần Cầu 12 mới có được quy mô, tầm cỡ và uy tín như hiện nay. Công ty đã làm chủ hầu hết các công nghệ thi công cầu hiện đại cùng với các dây chuyền, thiết bị thi công đồng bộ với nhiều bí quyết đặc thù. Các sản phẩm công trình của công ty đều có chất lượng cao, đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật của chủ đầu tư và được xã hội ghi nhận.
Với công nghệ thi công cọc khoan nhồi đường kính lớn, Công ty Cổ phần Cầu 12 là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng công nghệ tiên tiến này. Ngay từ khi công nghệ thi công móng cọc khoan nhồi du nhập vào nước ta, Công ty là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng công nghệ thi công móng cọc khoan nhồi cho công trình thi công cầu. Từ những năm 1996 - 1997, Công ty đã đầu tư máy khoan cọc nhồi Bauer BS680 (CHLB Đức) để thi công cọc khoan nhồi có đường kính 1,5m, sâu 90m tại cầu Lạc Quần (Nam Định). Nhiều công trình thi công cọc khoan nhồi trong điều kiện địa hình khó khăn, hiểm trở, sông sâu, biển lớn như: Cầu Tạ Khoa (Sơn La) (cọc khoan nhồi đường kính 02m, chiều sâu cọc 80 - 90m, nước sâu 35m), cầu Hang Tôm (QL12), cầu Thị Nại (Quy Nhơn) hoặc những công trình sử dụng cọc khoan nhồi có chiều sâu và đường kính lớn như: Cầu Rạch Miễu - Tiền Giang (cọc khoan nhồi đường kính 02m, chiều sâu cọc 90m), cầu Chà Và - Bà Rịa - Vũng Tàu (cọc khoan nhồi đường kính 02m, chiều sâu cọc >90m từ mặt nước), cầu Hàm Luông - Bến Tre (cọc khoan nhồi đường kính 02m, chiều sâu cọc >80m).
Hiện nay, Công ty Cổ phần Cầu 12 đang sở hữu các công nghệ khoan đất, khoan đá với dây chuyền thiết bị đồng bộ, hiện đại. Mới đây nhất, Công ty đã tham gia thi công cầu Cao Lãnh - công trình sử dụng cọc khoan nhồi thuộc loại hoành tráng nhất Việt Nam với đường kính 2,5m, sâu 120m.
Năm 1995, lần đầu tiên công nghệ thi công cầu bê tông cốt thép dự ứng lực bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng được du nhập vào nước ta, Công ty là đơn vị thi công cầu đầu tiên tại Việt Nam được tiếp nhận chuyển giao hoàn chỉnh, trực tiếp công nghệ đúc hẫng cân bằng cùng toàn bộ thiết bị xe đúc đi kèm từ hãng VSL (Thụy Sỹ). Các cán bộ, công nhân, kỹ sư của Công ty đã tiếp nhận nghiêm túc chuyển giao công nghệ và sử dụng thành thạo công nghệ này tại công trình cầu Phú Lương (QL5), sau đó lần lượt được áp dụng trên các công trình: Cầu Tiên Cựu (TP. Hải Phòng), cầu Lạc Quần (Nam Định), cầu Hòa Bình (Hòa Bình), cầu Trần Phú (Khánh Hòa), cầu An Dương II (Hải Phòng), cầu Quán Hàu (Quảng Bình), cầu Bắc Giang, cầu Phù Đổng (QL1A), cầu Tân Đệ (QL10), cầu Bình Than (Bắc Ninh), cầu Gò Găng, Chà Và (Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Công ty Cổ phần Cầu 12 vẫn luôn tự hào khi đã xây dựng nên những công trình cầu đúc hẫng nằm trong top kỷ lục của đất nước như: Kỷ lục về chiều dài kết cấu nhịp (cầu Thanh Trì - Hà Nội với nhịp dài 130m; cầu Vĩnh Tuy - Hà Nội với nhịp dài 135m và đặc biệt là cầu Hàm Luông - Bến Tre với nhịp dài 150m - kỷ lục cho đến nay. Ngoài ra, Công ty còn nắm giữ các kỷ lục về chiều cao trụ, sơ đồ nhịp đúc hẫng.
Công nghệ thi công cầu treo dây văng được Công ty tiếp cận vào năm 1997 khi tham gia làm thầu phụ cho nhà thầu Baulderstone Hornibrook (Úc) tại công trình cầu dây văng Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền. Sau đó, Công ty lần lượt tham gia thi công các công trình cầu dây văng như: Cầu Sông Hàn (Đà Nẵng), cầu Lê Hồng Phong (Phan Thiết), cầu Rạch Miễu (Tiền Giang) và hiện nay đang thi công cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp) có chiều cao trụ 123m, kết cấu nhịp 350m, tĩnh không 37,5m; cầu Bình Khánh (TP. Hồ Chí Minh) có chiều cao trụ 155m, kết cấu nhịp 375m, tĩnh không 55m. Đáng kể nhất là tại công trình cầu dây văng Nhật Lệ 2, lần đầu tiên một đơn vị thi công trong nước - Công ty Cổ phần Cầu 12 đã tự tính toán, thiết kế và gia công xe đúc thi công cầu dây văng kiểu chạy dưới (underslung). Cùng với đó, lần đầu tiên Công ty Cổ phần Cầu 12 đã mở khóa thành công thiết kế công nghệ xe đúc hẫng kiểu chạy dưới mà nay vẫn đang là bí mật độc quyền của các hãng công nghệ lớn trên thế giới.
Năm 2013, Công ty đã tham gia thi công cầu vòm trung tâm TP. Rạch Giá - một công trình kiến trúc đẹp của tỉnh Kiên Giang, đánh dấu một bước phát triển mới của Công ty trong công nghệ thi công cầu vòm. Hiện nay, Công ty cũng đang bắt tay thi công cầu vòm thép nhồi bê tông Hoàng Văn Thụ (TP. Hải Phòng) có kết cấu nhịp vòm dài 200m.
Ngoài ra, công nghệ thi công cầu bằng đà giáo di động cũng đã được Công ty nắm bắt, triển khai thi công tại các công trình nút giao thông Ngã Tư Vọng, nút giao thông Mai Dịch, cầu Nhật Lệ 1 (Quảng Bình) và nút giao thông Bình Thuận (TP. Hồ Chí Minh).
Với những công nghệ khác như: Thi công công trình cảng biển, thi công công trình sân bay, cầu thép và nút giao thông…, Công ty cũng đã từng bước tiếp cận, nghiên cứu làm chủ công nghệ, sẵn sàng chinh phục mọi thử thách ở phía trước.
Trên mọi nẻo đường Tổ quốc mà những người thợ Cầu 12 đã đi qua thấm đượm biết bao mồ hôi nước mắt nhưng cũng đầy tự hào, vinh quang. Những phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng cho Công ty như: Đơn vị Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân là minh chứng cho sự trưởng thành, phát triển và hơn hết là khát khao kết nối những bờ vui bằng những nhịp cầu mang thương hiệu Cầu 12 Anh hùng
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.