Cầu bộ hành vượt đường sắt gây tranh cãi ở Thanh Hoá

Ý kiến phản biện 03/08/2018 07:06

Được xây dựng nhằm đảm bảo an toàn đường sắt, song người dân xã Quang Trung (Thanh Hoá) cho rằng cầu vượt có độ dốc lớn, khó sử dụng.

 

Cầu bộ hành vượt đường sắt gây tranh
Cầu bộ hành ở xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn . Ảnh: Lê Hoàng.

Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hoá vừa hoàn thành cầu bộ hành bắc qua đường sắt tại nút giao cắt từ quốc lộ 1A rẽ vào quốc lộ 217B, ở xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn.

Cầu có vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng, vật liệu chủ yếu bằng thép, rộng gần 2 m, điểm cao nhất khoảng hơn 5 m, đưa vào sử dụng hai tháng nay.

Mục đích xây dựng cầu nhằm phục vụ cho việc đi lại của người dân xã Quang Trung khi ngành đường sắt thực hiện đóng chắn nút giao đầu quốc lộ 217B. Tuy nhiên, ngay khi cầu hoàn thành thì người dân địa phương phản ứng gay gắt do có nhiều điểm bất hợp lý. "Cầu bộ hành này rất bất cập, không giúp ích cho người dân lại tốn kém ngân sách", ông Dương Công Đỉnh (xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn) nói.

Ông Đỉnh cho hay, tới đây khi ngành đường sắt đóng chắn đường ngang quốc lộ 217B qua xã Quang Trung, người dân sẽ gặp nhiều trở ngại khi đưa con em tới trường, người đau yếu đến bệnh viện.., do các cơ sở này đều nằm ở bên kia đường.

"Bình thường chưa có rào chắn, bà con đưa trẻ đến trường Mầm non, Tiểu học hay THCS chỉ mất chưa đầy một km nhưng tới đây có rào chắn thì họ sẽ phải đi đường vòng, xa gấp đôi, gấp ba khi sử dụng xe máy", ông Đỉnh nói.

Còn với người đi bộ, ông Đỉnh nói: "Chúng tôi ước tính độ dốc cây cầu khoảng 45 độ, mỗi bậc cao hơn 20 cm, tổng bậc cả hai bên cầu khoảng hơn 80 bậc. Thiết kế như vậy khiến người già và trẻ con khó sử dụng, còn thanh niên thì không mấy ai đi bộ".

Ngoài ra theo người dân, vị trí hai điểm lên xuống cầu vượt đường sắt đặt cạnh mép đường 1A và một tuyến đường tránh khác khiến tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Sản xuất nông nghiệp của hàng trăm hộ nông dân ở các thôn 4, 5, 6, 7 xã Quang Trung cũng bị ảnh hưởng do cây cầu. Gia đình chị Hường và nhiều hộ khác sinh sống ở bên này nhưng mấy mảnh ruộng lại được phân bên kia đường 1A. Trường hợp ngành đường sắt đóng chắn đường ngang quốc lộ 217B, người dân khi đi cấy sẽ phải gánh mạ, phân bón tận lên Hà Bắc sau đó vành qua cánh đồng mới lên cầu vượt bê tông, xa thêm 5 km.

"Cây cầu dựng đứng nên không thể gánh nặng leo qua đó, hoặc nếu có dắt con trâu, con bò ra đồng thì làm sao đi qua cầu sắt mà phải đi vòng thêm nhiềm km. Mỗi lần như vậy mất nửa ngày đường, không còn thời gian làm ruộng", chị Nguyễn Thị Hường (thôn 4, xã Quang Trung) nói.

Người dân phản ánh, trước khi làm cầu, cơ quan chức năng không họp dân lấy ý kiến. Vì vậy, hơn một tháng trước, khi ngành đường sắt tổ chức đóng chắn đã bị người dân kéo ra ngăn cản.

"Chất lượng cầu vượt cũng là vấn đề đáng quan tâm. Mới đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng mái che được làm bằng các tấm nhựa đã gãy, vỡ bay khắp nơi. Mặt cầu bị đọng nước", bà Phạm Thị Thắng (72 tuổi) nói.

Ông Lê Bá Hùng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Giao thông 1 (Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa) cho biết, các dự án cầu vượt đường sắt trên địa bàn nhằm tạo điều kiện đóng đường ngang giao cắt với đường sắt, xóa điểm đen tai nạn giao thông.

"Trước khi đóng chắn quốc lộ 217B, ngành giao thông đã hoàn thành tuyến cầu vượt bê tông (cách điểm đóng chắn khoảng 300 m về phía Nam) dành cho xe cơ giới. Còn cầu vượt bộ hành nhằm giải quyết lối đi bộ cho người dân và học sinh sống ở khu vực này", ông Hùng nói.

Ông Mai Quốc Chính, Phó chủ tịch UBND xã Quang Trung cho hay, vừa qua xã đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp cho vấn đề trên. "Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con chấp thuận chủ trương đóng chắn nhằm đảm bảo an toàn giao thông", ông Chính nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận