Đường phố sạch bóng xe máy ở Quảng Châu |
Từ “vương quốc” xe máy trở thành thành phố giao thông hiện đại
Năm 1985, Ủy ban ATGT Quốc gia Trung Quốc đã đưa ra những nhận định về mối nguy hại tiềm tàng của việc sử dụng xe máy. Xe máy được coi là một phương tiện giao thông không bền vững và là nguyên nhân chính khiến ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng. Số lượng xe máy khổng lồ cũng dẫn đến tình trạng giao thông khó kiểm soát, nạn cướp giật gia tăng. Nhiều thành phố ở Trung Quốc phải bắt đầu tiến hành các biện pháp hạn chế xe máy. Chính quyền Bắc Kinh đã ra công văn chỉ đạo và hợp tác với hơn 148 thành phố lớn trong cả nước để có những biện pháp kiểm soát và quản lý số lượng xe máy, trước hết là dừng cấp đăng ký mới.
Những năm đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế. Đây cũng là thời điểm ghi nhận sự phát triển thần tốc của giao thông đường bộ và đường sắt, với mạng lưới tàu hỏa rộng khắp, hàng trăm tuyến xe buýt ngược xuôi khắp các thành phố lớn, những đường cao tốc nhiều tầng và những tuyến tàu điện ngầm hoạt động không ngừng nghỉ dưới lòng những thành phố lớn… Đây là tiền đề để Chính phủ Trung Quốc ban hành quyết định cấm xe mô tô, xe gắn máy chạy trong các tuyến phố lớn tại một số thành phố trọng điểm có hiệu lực từ ngày 01/9/2006. Nội dung chính của quyết định này là cấm mọi loại xe không biển, không giấy tờ hoặc biển và bằng giả được phép lưu thông; nghiêm cấm tất cả các xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông trên những tuyến quốc lộ, hầu hết những tỉnh lộ.
Quảng Châu là thành phố tiên phong thi hành quyết định này từ tháng 01/2007. Là thành phố lớn thứ ba Trung Quốc, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, Quảng Châu là một trong những thành phố phát triển và đông dân nhất Trung Quốc. Xe máy bắt đầu xuất hiện ở Quảng Châu từ những năm 1980. Đến năm 2003, số lượng xe máy tại thành phố này đã lên đến gần 800.000 xe, chiếm 20% lưu lượng giao thông đường phố chỉ sau xe buýt. Nó cũng được coi là phương tiện sinh nhai chính của dân nhập cư tại Quảng Châu, do đó chính quyền Thành phố không áp dụng cấm ngay lập tức mà cấm từ từ theo 3 giai đoạn.
Sớm nhận thấy những hạn chế của xe máy, Quảng Châu tiến hành giai đoạn một từ tháng 10/1991 bằng việc cấm tất cả xe máy biển ngoại thành lưu thông trong nội đô từ 7h sáng đến 19h. Từ năm 1995, Quảng Châu ngừng cấp giấy phép lái xe mới. Giai đoạn hai tiến hành từ năm 1999, xe máy biển ngoại thành bị cấm hoàn toàn tại thành phố. Giai đoạn ba tiến hành từ năm 2001, chính quyền Quảng Châu tuyên truyền về lộ trình cấm triệt để xe máy trên phạm vi toàn thành phố cho người dân và bắt đầu rà soát, tiêu hủy những xe máy cũ nát, quá niên hạn sử dụng, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải. Từ đầu năm 2006, TP. Quảng Châu cấm xe máy triệt để trên một số tuyến phố chính, đến đầu năm 2007 thì cấm hoàn toàn trong nội thành.
Để thực hiện cấm xe máy, Quảng Châu mở nhiều chốt kiểm tra để xử lý xe vi phạm, đồng thời ban hành những chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ trung bình 180 USD/xe cho những người chủ động giao nộp xe máy, số tiền thay đổi tùy theo niên hạn xe, nếu quá niên hạn thì không được hỗ trợ; mở nhiều hội chợ việc làm để giúp đỡ những người làm việc trong lĩnh vực liên quan đến xe máy… nhưng quan trọng nhất là mở rộng mạng lưới giao thông công cộng. Kể từ tháng 5/2004 đến cuối năm 2006, trước thời điểm thực hiện lệnh cấm, Quảng Châu đã tăng thêm 37 tuyến buýt và 300 xe buýt, xây dựng các làn đường dành riêng cho xe buýt, bổ sung nhiều xe buýt nhỏ trên những con phố chật hẹp. Bên cạnh đó, Quảng Châu còn tăng cường phát triển tàu điện ngầm.
Tính đến năm 2010, hệ thống tàu điện ngầm của Quảng Châu đạt chiều dài khoảng 250km với 9 tuyến, phục vụ 1,2 - 1,4 tỷ lượt người/năm.
Sau hơn 10 năm cấm xe máy, Quảng Châu từ một thành phố xe máy chỉ có vài triệu dân trở thành một thành phố sầm uất với hơn 15 triệu dân, xe cộ tấp nập hoạt động cả ngày lẫn đêm nhưng tuyệt đối không có bóng dáng xe máy.
Mối đe dọa mới đến từ xe điện
Xe máy bị cấm, đương nhiên không ít người dân tìm cách “lách luật” bằng cách quay sang sử dụng xe điện. Nhiều hãng sản xuất xe máy lớn của Trung Quốc như Haojue, Zhongshen, Dayun chuyển sang đầu tư sản xuất xe điện, không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Từ năm 2002 đến 2011, doanh số xe điện tăng chóng mặt, từ 1,5 triệu chiếc đến 25,2 triệu chiếc. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội xe đạp Trung Quốc CBA, với khoảng 700 hãng sản xuất xe điện, Trung Quốc hiện có khoảng 200 triệu xe điện chạy trên đường. Sự bùng nổ của xe điện khiến Trung Quốc một lần nữa đứng trước nguy cơ giống như cách đây hơn 10 năm: Một số thành phố lớn đã phải bắt đầu cấm xe điện.
Bắc Kinh hiện có khoảng 5,6 triệu ô tô và 2,5 triệu xe điện đang lưu hành. Các tiêu chuẩn nhằm quản lý xe điện được ban hành từ năm 1999, nhưng phần lớn các loại xe mới đều không tuân thủ quy định về tốc độ, trọng lượng, kích thước pin.
Tháng 4/2016, chính quyền TP. Bắc Kinh đã ban hành lệnh cấm xe điện và xe 3 bánh trên 10 đường phố lớn, trong đó có một phần của Quảng trường Thiên An Môn. Trước đó vào tháng 3/2016, chính quyền TP. Thẩm Quyến cấm xe điện không đăng ký hoặc có kích thước quá lớn. Chính sách cấm đoán này đương nhiên vấp phải không ít chỉ trích của dư luận, song chính quyền Trung Quốc vẫn rất tin tưởng lịch sử thành công của chính sách cấm xe máy sẽ được tái hiện. Những thành quả mà Trung Quốc có được từ chính sách cấm xe máy theo lộ trình đã trở thành bài học kinh nghiệm bổ ích cho những quốc gia mà người dân vẫn chủ yếu dựa vào xe máy để lưu thông
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.