Lực lượng lao động tăng theo và có xu hướng đổ về các đô thị lớn tìm kiếm cơ hội, việc làm |
Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được tốc độ gia tăng dân số
Theo Tổng cục Thông kê, dân số Việt Nam năm 2016 ước tính là 92,70 triệu người, tăng 987,8 nghìn người, tương đương tăng 1,08% so với năm 2015, bao gồm dân số thành thị 32,06 triệu người, chiếm 34,6%; dân số nông thôn 60,64 triệu người, chiếm 65,4%; trong đó, dân số nam 45,75 triệu người, chiếm 49,4%; dân số nữ 46,95 triệu người, chiếm 50,6%. Tổng tỷ suất sinh năm 2016 ước tính đạt 2,09 con/phụ nữ. Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh là 112,2 bé trai/100 bé gái; tỷ suất sinh thô là 15,74‰; tỷ suất chết thô là 6,83‰. Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước trong năm là 73,4 năm (nam là 70,8 năm và nữ là 76,1 năm). Lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính là 54,4 triệu người, tăng 455,6 nghìn người so với năm 2015, bao gồm: Lao động nam 28,1 triệu người, chiếm 51,6%; lao động nữ 26,3 triệu người, chiếm 48,4%. Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2016 ước tính 53,3 triệu người, tăng 451,1 nghìn người so với năm 2015. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2016 khu vực thành thị chiếm 31,9%; khu vực nông thôn chiếm 68,1. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi qua đào tạo ước tính đạt 20,6%.
Cũng theo thống kê dân số thế giới tính đến ngày 16/01/2017, dân số Việt Nam có 94.970.597 người. Theo dự báo, dân số Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhưng chậm lại. Năm 2025, cả nước ước có khoảng 100 triệu dân và tiếp tục tăng chậm lên đến khoảng 110 triệu dân vào giữa thế kỷ. Dân số đông là thị trường lớn hấp dẫn đầu tư nhưng cũng là thách thức lớn về an ninh lương thực, năng lượng, sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội. Cùng với đó, sức ép của sự gia tăng dân số đối với giao thông tại các thành phố lớn là rất lớn. Do vậy, nếu công tác quy hoạch không đảm bảo sự hài hòa giữa hai yếu tố này thì cái giá mà chúng ta phải trả sẽ là rất lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm sức ép của sự gia tăng dân số đối với giao thông, điều quan trọng là cần thực hiện tốt chính sách dân số nhằm điều tiết sự phát triển dân số hợp lý; điều chỉnh quá trình di cư, bảo đảm sự phân bố dân cư, lao động hợp lý, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, tình hình phân bố lực lượng sản xuất của từng vùng, từng địa phương nhưng thực tế chưa có giải pháp nào tối ưu.
Hàng năm, số người sinh ra và trực tiếp tham gia giao thông không ngừng tăng lên nên hạ tầng giao thông vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Khi số trẻ được sinh ra, nhiều vấn đề thiết yếu như: Y tế, giáo dục, văn hóa, hạ tầng… cần phải được quan tâm, đầu tư. Vấn đề hạ tầng kỹ thuật giao thông cũng hết sức cấp bách nhưng chưa được quy hoạch theo hướng tiện lợi, an toàn và hiện đại, đảm bảo mỹ quan đô thị. Ngoài ra, việc gia tăng dân số thì mật độ giao thông tham gia càng dày đặc, trong đó các phương tiện giao thông nhiều chủng loại, nhiều hình thức tham gia cùng một lúc nên việc xảy ra TNGT là chuyện có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Những bài toán của các nhà quản lý xã hội đặt ra để giải quyết vấn đề giảm tải áp lực tham gia giao thông và giảm thiểu TNGT ở các đô thị lớn đến nay chưa có lời giải hữu hiệu.
Những năm gần đây, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang chịu áp lực lớn từ việc gia tăng dân số, nhất là trong khu vực nội thành. Số liệu thống kê cho thấy, dân số Hà Nội tính đến cuối năm 2013 là 7,2 triệu người. Điều đáng nói là trong 5 năm trở lại đây, dân số Hà Nội đã tăng khoảng 43 vạn người, trong đó tăng dân số cơ học lên tới 5 vạn người/năm. TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 7,8 triệu người với mật độ dân số cao gấp 13 lần mật độ trung bình của cả nước. Bình quân một năm Thành phố tăng 208 ngàn người, gần bằng số dân một quận trung bình. Dân số đông, tỷ lệ gia tăng dân số cơ học cao đang là vấn đề phức tạp đặt ra với các khu đô thị. Do đó, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện nay luôn trong tình trạng quá tải giao thông, ùn tắc cục bộ, quá đông người tập trung tại một địa điểm..., gây mất trật tự, an ninh xã hội. Trước thực trạng trên, các nhà quản lý thường đề cập đến việc bất hợp lý trong qui hoạch đô thị nhưng vẫn chưa có lời giải. Việc bế tắc trong quy hoạch giao thông, những chung cư cao tầng mọc lên “như nấm sau mưa” ngày càng nhiều là một thực trạng tại các đô thị lớn gây áp lực lên giao thông, lên hạ tầng đô thị sẽ ngày một lớn. Những “điểm đen” giao thông cũng vì thế mà tăng lên, thiếu đồng bộ trong việc xây dựng chung cư cao tầng và phát triển hệ thống giao thông là thực tế nhãn tiền. Câu hỏi được đặt ra lúc này là tại sao nhiều tòa nhà cao tầng tiếp tục mọc lên trong khi đường sá chưa đáp ứng kịp thời?
Vùng “trống” lao động trẻ ở nông thôn
Thực tế đang tồn tại tình trạng người lao động ở khu vực nông thôn đổ về thành phố tìm kiếm việc làm. Sự “di cư” đó cũng chỉ bởi kế sinh nhai song vô tình họ đã để lại đằng sau một vùng nông thôn với lực lượng lao động già về tuổi tác, thiếu tri thức khoa học kỹ thuật, làm cho sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn ngày một lớn hơn. Ngoài những đóng góp cũng như những hệ lụy của lực lượng lao động di cư từ nông thôn ra thành thị gây ra đối với cả nơi đến lẫn nơi đi thì bản thân họ cũng phải đối mặt với những khó khăn khi bươn chải để kiếm sống ở thành phố.
Sự "di cư" đó gây nên những khó khăn nhất định cho các vùng nông thôn, xuất hiện tình trạng thiếu nhân lực lao động sản xuất, đặc biệt là tầng lớp thanh niên. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động của xã, phường thiếu lực lượng trẻ, làm giảm hiệu quả trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Cùng với đó, vào các dịp lễ, Tết, lượng người, phương tiện ùn ùn từ thành phố đổ về quê cũng tạo áp lực cho giao thông, gây mất trật tự an ninh và ách tắc cục bộ. Sau những ngày nghỉ, lực lượng này lại ồ ạt đổ về thành phố gây không ít phiền toái cho cả nơi đến và nơi đi, đây là một trong những nguyên nhân sâu xa của các vụ TNGT thương tâm
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.