Cầu Mỹ Thuận 2 chắp nối kỳ vọng ĐBSCL

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Thị trường 28/02/2020 03:56

Cầu Mỹ Thuận 2 được khởi công trong sự mong chờ của người dân ĐBSCL, vì đây sẽ là điểm gỡ nút thắt đưa vùng đất Chín rồng cất cánh.

 
9EE92180-0983-42AA-9AC6-0E851EED07B2.
Cầu Mỹ Thuận hiện hữu và Cầu Mỹ Thuận 2 trong tương lai

 

Cách đây 20 năm (21/5/2000) cầu Mỹ Thuận nối tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long chính thức được thông xe. Những chiếc xe lăn bánh trên cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam chắc hẳn còn đọng lại trong tâm trí của rất nhiều người dân. Bởi những chuyến phà, những lần vượt sông, mưa lũ….đã trở thành nổi ám ảnh của họ.

Sau 20 năm, ĐBSCL cũng đã có những bước chuyển mình nhờ những dự án giao thông trọng điểm, các cây cầu lớn xuất hiện như cầu Cần Thơ, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Cao Lãnh và gần đây là Vàm Cống đã đem đến một bước đột phá mới cho người dân nơi đây.

Thế nhưng, chừng ấy công trình cho 13 tỉnh thành dày đặc sông nước thì thực tế hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Vẫn còn đó những điểm nghẽn cần được khơi thông để đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng này. Phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL vẫn đang đứng trước bài toán khó khi nguồn vốn ngày càng khó khăn mà nhu cầu đầu tư lớn thì càng lớn. Mọi lựa chọn cho các dự án đều được Chính phủ, Bộ GTVT, và các địa phương  làm việc, đánh giá sát sao để có thể chọn lựa thứ tự ưu tiên cho những dự án trọng điểm.

Theo ông Nguyễn Chung Khánh, giám đốc Ban QLDA 7 cho biết, ngày 27/2 cầu Mỹ Thuận 2  chính thức được khởi công.  Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là một dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020, được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2199/QĐ-BGTVT ngày 10/10/2018. Tổng mức đầu tư dự án là 5.003 tỷ đồng và được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Dự án theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2023.

Địa điểm xây dựng, điểm đầu tại Km101+126, khớp nối với Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung thuộc địa phận huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Điểm cuối tại Km107+740, khớp nối với Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ tại nút giao Quốc lộ 80 thuộc địa phận thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

Tổng chiều dài tuyến: 6,61km với hướng tuyến từ điểm đầu dự án, tuyến đi song song Quốc lộ 1 và vượt qua sông Tiền bằng cầu Mỹ Thuận 2 cách 350m về phía thượng lưu so với cầu Mỹ Thuận hiện hữu, kết thúc tại nút giao với Quốc lộ 80.

Dự án nhằm mục đích kết nối hai tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ theo quy hoạch. Điểm nhấn tối ưu nhất là tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối các đường trục chính đã và đang được đầu tư xây dựng tại khu vực hiện đang dang dở. Tạo nên sự gắn kết chặt chẽ thông thương giữa trung tâm kinh tế thương mại phía Nam và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, góp phần hoàn thiện hệ thống vận tải, logistic trong khu vực. 

Đặc biệt là nhiệm vụ giảm áp lực giao thông ngày càng lớn cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày càng tăng cao, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội khu vực Tây Nam Bộ. 

ket-xe-1_irwi
Cảnh tượng kẹt kinh hoàng chưa từng có trên cầu Mỹ Thuận vào ngày 10/2 vừa qua

 Như mới đây trong dịp Tết Nguyên Đán, tình trạng kẹt xe ở cầu Mỹ Thuận diễn ra càng trầm trọng khi một xe khách chết máy trên cầu khiến mọi hướng dẫn lên cầu Mỹ Thuận từ phía Vĩnh Long bị tê liệt hoàn toàn. Thậm chí tình trạng ùn tắc còn kéo dài hàng chục km.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Cục Trưởng Cục QLĐB IV cho biết: không chỉ riêng khu vực cầu Mỹ Thuận mà hiện nay phương tiện trên các tuyến Quốc lộ 1A, cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, cầu Rạch Miễu... đều đang quá tải. Ngày trước những ngày lễ lớn mới xảy ra ùn tắc nghiêm trọng, nhưng nay chỉ cần vào ngày cuối tuần, hoặc có va chạm xe thì các điểm nóng sẽ xảy ra ùn tắc. Vì vậy việc đẩy nhanh các dự án trọng điểm tại khu vực ĐBSCL sẽ giúp khơi thông mạch giao thông thông vốn đang gặp nhiều khó khăn của vùng.

Anh Nguyễn Hữu Huy ( Vĩnh Long) chia sẻ: Là một người dân tỉnh Vĩnh Long hiện đang sinh sống và làm việc tại TPHCM chúng tôi rất vui mừng khi nghe thông tin dự án. Bởi hiện nay nhu cầu đi lại của người dân rất lớn nhưng các cây cầu đang hẹp dần do lượng người đông đúc. Việc chúng tôi thường xuyên đi lại và kẹt xe triền miên khiến người dân vô cùng chán nản, gây thiệt hại về kinh tế rất nhiều. Chúng tôi hy vọng sau dự án Cầu Mỹ Thuận 2, thì dự án cầu Rạch Miễu 2 cũng được đẩy nhanh để những điểm nóng kẹt xe về những tỉnh Miền Tây chúng tôi được khơi thông. 

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng cho biết thêm: Tiền Giang là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho tham gia Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam tham gia hợp tác, liên kết với 2 tiểu vùng Đồng Tháp Mười và vùng Duyên hải Đồng bằng Sông Cửu Long. Tiền Giang với vai trò là cửa ngõ của giữa thành phố Hồ Chí Minh với vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng sông Mê Kông mở rộng, từ các trục giao thông - kinh tế quan trọng đi qua địa bàn tỉnh như Quốc lộ 1A, QL 30, QL50, QL 60, và đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương. 

Đặc biệt, với tuyến giao thông truyền thống và chủ lực theo trục dục Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh có lưu lượng giao thông qua địa phương rất lớn, ngày càng tăng theo sự phát triển kinh tế khu vực. Tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương. 

 Việc triển khai đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu để kết nối, thông tuyến với đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Trung Lương - Tp.Hồ Chí Minh và sau này kết nối với tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đây là dự án rất có ý nghĩa , hết sức cần thiết và cấp bách; cầu Mỹ Thuận 2 ngoài những hiệu quả thiết thực về giao thông, vừa là cơ sở quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa , phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội , bảo đảm quốc phòng an ninh, góp phần cải thiện nâng cao đời sống nhân dân của tỉnh Tiền Giang.  

Với nhiệm vụ và trách nhiệm của địa phương, Tiền Giang được giao làm chủ đầu tư Tiểu dự án giải phóng mặt bằng với 389 hộ bị ảnh hưởng để thực hiện dự án. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng được tập trung, khẩn trương thực hiện và đã giải ngân, đền bù cho 275 hộ. Đối với các hộ còn lại, tỉnh đang tiếp tục chi trả, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/4/2020 để hỗ trợ bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để quá trình triển khai thi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu diễn ra thuận lợi, hoàn thành đúng kế hoạch đề ra . 

Ý kiến của bạn

Bình luận