Công nhân đang thi công cho hạng mục đổ bê tông mặt cầu dẫn |
Hơn 20 năm kể từ ngày khánh thành cầu Mỹ Thuận nối tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, người dân Đồng bằng sông Cửu Long đang từng ngày chờ mong cây cầu Mỹ Thuận thứ 2 khánh thành nối đôi bờ sông Tiền, đáp ứng nhu cầu giao thương khi tuyến QL1 đang dần quá tải, góp phần hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam, chắp cánh cho vùng đất Chín Rồng ngày càng phát triển.
Các chuyên gia kinh tế và giao thông cho rằng, một trong những “điểm nghẽn” chính khiến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa thể “cất cánh” là do hạ tầng giao thông tại khu vực rất yếu, nhất là việc thiếu một tuyến đường cao tốc trục dọc nối từ Cần Thơ tới TP. Hồ Chí Minh, khiến chi phí logistics tại khu vực tăng cao.
Thời gian qua, Bộ GTVT đã đẩy nhanh nhiều dự án, ưu tiên quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông. Nhưng phải thừa nhận, hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa phát triển đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng, trở thành những “điểm nghẽn” cần được khơi thông để đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang đứng trước bài toán khó “vốn ít, nhu cầu đầu tư lớn”, vì vậy cần quan tâm chọn lựa thứ tự ưu tiên và giải pháp khả thi, đầu tư tập trung, đồng bộ.
Trụ cầu dẫn dần hình thành giữa đất trời Tiền Giang mang kỳ vọng mới cho người dân |
Trong tương lai, cầu Mỹ Thuận II tiếp tục vượt sông Tiền với tuyến cao tốc Sài Gòn - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Đại Ngãi nối liền QL60, cầu Rạch Miễu 2 và nhiều cầu đường bộ khác sẽ được đầu tư xây dựng. Tương lai xa hơn nữa, ước mơ xây cầu vượt biển, nối Hà Tiên - Phú Quốc, rút ngắn nhất khoảng cách nhất giữa đảo ngọc với đất liền cũng sẽ trở thành hiện thực khi nhiều kỹ thuật công nghệ xây cầu hiện đại đang được những người thợ cầu Việt Nam tiếp nhận, lĩnh hội và thực hiện thành công. Từ niềm tự hào đó, những công nhân, kỹ sư cầu Mỹ Thuận 2 đang ngày đêm cố gắng, thôi thúc để biến khát vọng trở thành hiện thực.
Theo đánh giá của Ban QLDA 7 (chủ đầu tư Dự án cầu Mỹ Thuận 2), Dự án xây lắp cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là một dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Đây là cây cầu dây văng lớn do Việt Nam tự thiết kế, thi công. Tổng mức đầu tư dự án là 5.003 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành trong 42 tháng, dự kiến sẽ thông xe vào năm 2023. Cầu Mỹ Thuận 2 khi hoàn thành sẽ là cây cầu thứ 4 bắc qua sông Tiền sau cầu Mỹ Thuận hiện hữu, cầu Rạch Miễu và cầu Cao Lãnh.
Dự án có điểm đầu khớp nối với Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và kết thúc tại điểm khớp nối với Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tại nút giao với QL80 thuộc địa phận TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Tổng chiều dài toàn tuyến là 6,61 km.
Cầu dẫn vào dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang dần hình thành |
Hiện nay, dự án đã giải ngân được 1.193,66/1.352,5 tỷ đồng (đạt 88,2%), so với kế hoạch đã đăng ký 917,276 tỷ đồng thì vượt 269,824 tỷ đồng, bằng 19,95%. Dự án sẽ giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được bố trí theo đúng kế hoạch. Đây là một lợi thế cho dự án khi các địa phương đang dần bàn giao mặt bằng sạch cũng như nguồn vốn đã được bố trí.
Tuy nhiên, thời gian dự án được triển khai cũng là thời điểm bùng phát dịch Covid tại khu vực cũng như trên cả nước. Do đó, công tác thi công đã gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, tình hình biến động giá vật liệu, nhất là giá thép tăng đột biến, khiến cho các nhà thầu gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, Ban QLDA 7 đã kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang và tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo Sở Xây dựng công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp với mặt bằng giá cả thực tế của thị trường, làm cơ sở cho các bên tham gia hợp đồng áp dụng, đảm bảo nguyên tắc chi phí đầu tư xây dựng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.