Cầu tạm qua sông thu phí “chui” cả tỷ đồng mỗi năm

Ý kiến 13/05/2016 09:00

Người ta còn “linh động” lập hẳn barie và thu phí xe ô tô với mức giá từ 20.000 đồng-50.000 đồng/lượt.

 

vnp_thu_phi_1
Cây cầu tạm phục vụ công trình 3 năm nay trở thành con gà đẻ trứng vàng nhờ thu phí qua sông trái phép. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặc dù chỉ là cầu tạm để phục vụ việc thi công công trình xây dựng, nhưng từ nhiều năm nay, chiếc cầu bắc qua bờ sông Đáy nối hai xã Viên An (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) và xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã được chuyển đổi chức năng, cho phép người và các phương tiện qua lại. Thậm chí, người ta còn “linh động” lập hẳn barie và thu phí xe ô tô với mức giá từ 20.000 đồng-50.000 đồng/lượt.

Với lưu lượng khoảng 150 lượt xe qua lại bằng cầu tạm mỗi ngày, số tiền thu được hàng năm lên tới cả tỷ đồng. Mặc dù sự việc đã diễn ra trong một thời gian khá dài nhưng tất cả những người có trách nhiệm đều không nắm được số tiền này đi về đâu và được quản lý thế nào?

Nguy cơ từ cầu công trường được chuyển đổi

Dự án cầu Hòa Viên bắc qua sông Đáy nối liền 2 bờ của các xã Hòa Chính (Chương Mỹ, Hà Nội) và Viên An (Ứng Hòa, Hà Nội) được chính thức khởi công từ giữa năm 2009. Tuy nhiên, do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng nên dự án này bị ngưng trệ cho tới tận hiện nay.

Theo thiết kế ban đầu, cầu Hòa Viên sẽ được hoàn thành sau 18 tháng, thay thế cho cầu phao bắc qua hai xã, đảm bảo việc lưu thông đi lại. Thế nhưng, sau gần 7 năm triển khai, đơn vị thi công mới lắp đặt xong 3 nhịp dầm, 4 trụ và 1 mố cầu, tương đương 60% khối lượng công việc. 

Cũng trong quá trình xây dựng, để phục vụ việc thi công, chủ thầu là công ty Toàn Phát đã cho dựng một cây cầu tạm ngay cạnh đó với mục đích giúp máy móc, xe công trường qua lại hai bên bờ.

Thế nhưng, sau khi công trình bị “đóng băng” nhiều năm do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, cây cầu tạm này lại được “chuyển đổi công năng”, trở thành cầu dân sinh theo “sáng kiến” của xã Hòa Chính.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Chính, trước kia, toàn bộ việc lưu thông qua lại hai bờ sông Đáy được thực hiện thông qua cầu phao có thu phí. Tuy nhiên, theo thời gian, cầu phao này xuống cấp nghiêm trọng nên đến cuối năm 2014, đầu năm 2015, lãnh đạo xã Hòa Chính đã có đề nghị với chủ đầu tư và nhà thầu “cho mượn tạm” …cây cầu công trường để phục vụ bà con.

“Lúc đó, chúng tôi thỏa thuận, thống nhất trên cơ sở không thu tiền của dân,” ông Sơn cho biết.

Xác nhận thông tin này, ông Lê Xuân Thọ, Phó Giám đốc Ban quản lý giao thông 2, Sở Giao thông vận tải Hà Nội khẳng định: Vị trí cầu tạm của công trường cách cầu phao Lưu Xá do Ủy ban nhân dân xã Hòa Chính quản lý khoảng 23 m. 

“Đến năm 2014, cầu phao Lưu Xá xuống cấp và xảy ra tranh chấp về việc quản lý và thu phí. Vì vậy, Ủy ban nhân dân xã Hòa Chính có đề xuất xin cho phép người dân được lưu thông qua cầu tạm và chúng tôi đã chấp thuận. Quan điểm của các bên là không tiến hành thu phí và chỉ để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân,” đại diện Ban quản lý giao thông số 2 cho biết.

Chính vì vậy, từ thời điểm năm 2014, cây cầu tạm, vốn chỉ được ra đời và tồn tại nhằm mục đích phục vụ công tác thi công cầu Hòa Viên đã nghiễm nhiên được “phù phép” trở thành cây cầu dân sinh, cho phép hàng trăm lượt người và phương tiện lưu thông qua mỗi ngày.

Điều nguy hiểm hơn, như bản thân ông Phó Giám đốc Lê Xuân Thọ thừa nhận, cây cầu tạm này hoàn toàn không nằm trong thiết kế. Do đó, việc tính toán tải trọng giới hạn được phép lưu thông qua cầu hoàn toàn không được tính tới và đưa ra. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng cầu, đồng nghĩa với việc, cây cầu tạm này hàng ngày sẽ phải “oằn mình” gánh hàng trăm các loại xe đủ loại trọng tải đi qua.

vnp_thu_phi_2
Việc tính toán tải trọng giới hạn được phép lưu thông qua cầu hoàn toàn không được tính tới và đưa ra. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thực tế, theo khảo sát của phóng viên, ngoài xe máy, xe taxi, hàng ngày, có hàng chục lượt xe tải lớn với trọng tải lớn rầm rập chạy qua lại từ cả hai phía của bờ sông Đáy. Hoàn toàn không hề có bất cứ biển báo hạn chế trọng tải nào được cắm, hướng dẫn gần đó.


Trước nguy cơ mất an toàn nhãn tiền trên, ông Lê Xuân Hùng, ​Trưởng phòng dự án 1, Ban quản lý giao thông 2 lại đánh giá: Cầu vốn để phục vụ thi công, cho phép vận chuyển xe cẩu và các thiết bị lớn nên xe trọng tải lớn vẫn có thể đi qua. (?)

Cầu tạm thu tiền tỷ

Ngoài việc không quy định tải trọng, thực tế, cầu tạm công trình cầu Hòa Viên từ khi được “chuyển đổi” công năng đã nảy sinh rất nhiều vấn đề khi một nhóm bảo vệ tự ý lập chốt thu phí đối với ô tô lưu thông qua đây.

Trên cầu tạm, nhà thầu Toàn Phát đã cắm biển báo ghi rõ: “Cầu phục vụ công trình đang thi công, không phận sự miễn vào”. Thế nhưng, thực tế, từ khi được chuyển đổi mục đích sử dụng, mỗi ô tô khi qua lại cây cầu này đều phải trả một mức phí dao động từ 20-50.000 đồng/lượt.

vnp_thu_phi_6
Tấm biển cảnh báo trở nên...vô hình (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, hàng ngày, có hàng chục lượt xe ô tô, trong đó không ít các xe trọng tải lớn chạy qua lại từ cả hai phía xã Viên An và Hòa Chính. Khi qua cầu, các phương tiện này đều bị chắn lại bởi một barie nằm bên bờ xã Viên An. Lúc này, một người từ trong lán trại sát ngay đó bước ra, thu tiền của tài xế rồi mới nâng cây chắn cho xe đi tiếp.


Một tài xế taxi chở chúng tôi đi thực địa cho biết: Trước đây, mức phí để qua sông là 50.000 đồng/lượt xe, nhưng về sau, do cánh tài xế phản ứng nên đã hạ xuống còn 20.000 đồng/lượt. Mặc dù vẫn còn đường khác nối hai xã Viên An và Hòa Chính, nhưng do khoảng cách quá xa nên hầu hết lái xe đều lựa chọn phương án “mất tiền” tại đây.

Hai người đứng ra thu phí được cho là một cặp vợ chồng tên Minh, cư trú trên địa bàn huyện Mỹ Đức ngay gần đó.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch xã Hòa Chính cũng thừa nhận thực tế trên. Thậm chí, ông Sơn còn tiết lộ mỗi ngày có khoảng 100-150 lượt xe ô tô qua lại cầu này vì nhà ông Sơn nằm ngay sát đầu cầu bên bờ Sông Đáy. Như vậy, mỗi ngày, số tiền trạm thu phí chui thu được lên tới khoảng 2-3 triệu đồng. Mỗi năm, cánh tài xế phải trả gần 1 tỷ để được qua lại cây cầu hoán cải mục đích sử dụng này.

Đáng chú ý, việc thu phí chui diễn ra đã được phát hiện và phản ánh suốt từ năm 2014. Cụ thể, tại văn bản số 345A/CV-QLDA tháng 6/2014 về việc quản lý khai thác sử dụng cầu tạm phục vụ thi công cầu Hòa Viên của Ban quản lý dự án giao thông 2, ông Lê Xuân Thọ, Phó Giám đốc cũng đã cho hay: “Thời gian vừa qua, ban quản lý dự án nhận được một số thông tin phản ánh về việc thu phí hoạt động của cầu tạm đối với các phương tiện không liên quan đến công tác thi công cầu Hòa Viên qua lại hai bên bờ sông.”

Vào thời điểm đó, ông Thọ cũng đã yêu cầu nhà thầu nghiêm cấm việc thu phí đối với các phương tiện qua lại cầu tạm. Thế nhưng, thực tế, việc thu phí vẫn diễn ra khá công khai.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Toàn Phát, chủ thầu dự án cũng khẳng định: “Ban đầu, chúng tôi chỉ cho xe đạp và xe máy qua cầu, ô tô không được qua. Việc thu phí cũng hoàn toàn cấm.”

Trong khi đó, ông Thọ cho biết: Quan điểm xuyên suốt của chủ đầu tư là không thu phí và không cho xe ô tô qua cầu, mà chỉ để phục vụ xe máy và người dân. Tuy nhiên, thực tế lại trái ngược là do nhóm bảo vệ “tự ý” thực hiện. 

Khi được hỏi về số tiền mà nhóm công nhân thu phí chui, những người có trách nhiệm đều trả lời rằng không nắm được. 

Sự việc kéo dài trong nhiều năm, số tiền thu được cũng không phải ít. Theo như Phó Chủ tịch xã Hòa Chính, nếu tính mỗi ngày khoảng 100 lượt xe, số tiền thu được mỗi năm cũng lên tới gần 1 tỷ đồng. Câu hỏi dư luận đặt ra là: Số tiền đó được quản lý như thế nào? Ai đang được hưởng lợi từ “trạm thu phí chui” này? Những người nào sẽ phải chịu trách nhiệm về một “trạm thu phí ma” ngang nhiên mọc ra giữa địa bàn giáp ranh hai xã qua sông Đáy?

Ý kiến của bạn

Bình luận