Chấn chỉnh hoạt động giao thông đường thủy trên địa bàn Tp.Hà Nội

Tác giả: Công Thành

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 08/12/2017 07:31

Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Khu vực II vừa chủ trì Đoàn liên ngành chấn chỉnh hoạt động cảng, bến thủy nội địa và KSTTPT đường bộ tại Hà Nội.

DSC01983
Đoàn kiểm tra lập biên bản xử phạt bến thủy nội địa vi phạm

Ngăn chặn xe quá tải từ cảng, bến thủy nội địa

Vừa qua, tại Tp. Hà Nội, Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Sơn Tây (thuộc Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực II) đã chủ trì Kế hoạch tuyên truyền, kiểm tra điều kiện hoạt động của cảng, bến thủy nội địa – kiểm soát tải trọng phương tiện (KSTTPT), xử lý đối với các hành vi vi phạm về xếp hàng, chở quá tải trọng cho phép lên phương tiện vận tải đường bộ trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa. Tham gia phối hợp triển khai Kế hoach có các cơ quan, đơn vị chức năng và chính quyền địa phương nơi có cảng, bến thủy nội địa.

Kế hoạch liên ngành này được triển khai nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn Luật Giao thông ĐTNĐ, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản pháp quy về TTATGT liên quan tới các đối tượng tham gia giao thông trên ĐTNĐ và đường bộ.

Mặt khác, đợt liên ngành ra quân kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính nhằm thiết lập và tiến tới ổn định trật tự xã hội, TTATGT ĐTNĐ, đường bộ cũng như hạn chế các vụ TNGT ở mức thấp nhất, ngăn chặn các vụ TNGT do chủ quan của người tham gia giao thông gây ra.

Trong Kế hoạch tăng cường liên ngành này, Đoàn công tác đã thực hiện tuyên truyền luật Giao thông ĐTNĐ, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ĐTNĐ và quy định phát luật về KSTTPT tới 17 chủ cảng, bến trên địa bàn huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây. Qua đó, Đoàn đã phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tự giác chấp hành pháp luật TTATGT ĐTNĐ.

Mặt khác, Đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật đối với 02 trường hợp liên quan đến chủ cảng, bến với số tiền là 7,5 triệu đồng; 03 trường hợp chủ phương tiện thủy với số tiền là 12 triệu đồng; lập biên bản và đề nghị cơ quan có thẩm quyền đưa cảng Chẹ và bến Ông Vinh ra khỏi danh sách quản lý.

DSC01609
Quy chế, quy trình nội bộ về bốc xếp hàng hóa lên xe ô tô ra, vào cảng được treo tại trạm cân của Cảng Hồng Hà (Thị xã Sơn Tây, Tp. Hà Nội)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí GTVT, ông Lê Quang Trung – Trưởng Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Sơn Tây, Trưởng Đoàn kiểm tra cho biết, hầu hết các chủ cảng, bến đã chấp hành các quy định của pháp luật về xếp hàng hóa lên xe ô tô, thực hiện các yêu cầu, chỉ đạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan đến KSTTPT đường bộ, ban hành các văn bản nội bộ về KSTTPT đường bộ, triển khai tổ chức thực hiện quy trình KSTTPT đường bộ ra, vào cảng, bến thủy nội địa. Tuy vậy nhưng vẫn chưa thực sự có chất lượng.

“Việc lập, ký xác nhận vào Giấy vận tải, sổ sách ghi chép còn thiếu nội dung như số xe, ngày - giờ xe vào xếp, dỡ hàng hóa. Đoàn đã xử lý 02 trường hợp chủ bến xếp hàng và để xe ô tô ra khỏi bến vượt quá tải trọng cho phép chở hàng từ 10 – 50%”, ông Lê Quang Trung thông tin.

Hầu hết các cảng và bến có quy mô lớn thì có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đủ nhân lực để triển khai công tác KSTTPT đường bộ, nhưng số đông các bến thủy nội địa hiện nay hoạt động nhỏ lẻ thì chưa có ý thức tự giác cao.

“Nhiều bến thủy nội địa hoạt động theo hình thức Công ty nhưng thực tế lại chỉ hoạt động mang tính gia đình. Chồng làm Giám đốc, vợ làm Phó Giám đốc, con làm Kế toán,…, đi kèm với đó là trình độ văn hóa thấp, ngay cả những thủ tục hành chính thông thường còn khó nắm bắt thì ý thức về đảm bảo ATGT, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông là rất kém”, ông Lê Quang Trung chia sẻ.

Cần quy tụ hiệu lực quản lý Nhà nước đối với bến không phép

Đó là quan điểm của Trưởng Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Sơn Tây, vì hiện nay, các chủ bến trên địa bàn rất có ý thức và rất mong muốn chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc trong việc thuê được đất của Nhà nước, dẫn đến việc bến thiếu điều kiện cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Tức là nhiều bến đã từng có giấy phép, đã đầu tư cơ sở vật chất để hoạt động, nhưng hiện nay, khi giấy phép cũ hết hạn thì không được cấp lại giấy phép nữa.

Cũng chính vì thiếu giấy phép, nên trong năm nay, đã có rất nhiều Đoàn kiểm tra đến lập biên bản xử phạt, đình chỉ hoạt động, nhưng vì mưu sinh và cũng là công ăn việc làm của người lao động tại địa phương nên họ vẫn lén lút hoạt động.

“Qua đợt kiểm tra này, chúng tôi kiến nghị UBND huyện chủ trì thành lập Đoàn kiểm tra mỗi năm một lần gồm các ngành có liên quan đến hoạt động bến thủy nội địa để có thể quy tụ hiệu lực quản lý Nhà nước của các cơ quan hữu quan. Tránh trường hợp có quá nhiều Đoàn kiểm tra của các cơ quan chức năng cùng kiểm tra và cùng xử lý một lỗi của doanh nghiệp, như vậy sẽ tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp cũng như gây chồng chéo trong quản lý Nhà nước”, ông Lê Quang Trung cho hay.

Vấn đề “bến hết phép” mà chưa được cấp lại Giấy phép hoạt động dẫn đến tình trạng hoạt động “chui” đã và đang là một tồn tại lớn trong lĩnh vực ĐTNĐ. Hiện nay, ở nhiều địa phương, số lượng cảng, bến thủy hàng hóa hoạt động không phép diễn ra rất phổ biến. Theo thống kê của Cục ĐTNĐ Việt Nam, tính đến tháng 7/2017, toàn quốc có 8252 bến thủy nội địa, trong đó có tới 1.950 bến hoạt động không phép, chiếm 24%; bến khách ngang sông có 2.526 bến, trong đó bến không phép chiếm 18.5%.

Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động ĐTNĐ để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ, nâng cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ, chấp hành quy định về đầu tư xây dựng, khai thác công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ của các tổ chức, cá nhân; tạo kết nối và phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan và UBND các cấp trong việc quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ.…

Đồng thời, Cục ĐTNĐ Việt Nam tiếp tục đôn đốc UBND các tỉnh khẩn trương ban hành quy hoạch chi tiết hệ thống bến thủy nội địa trên địa bàn của tỉnh để phục vụ cho công tác cấp phép hoạt động bến thủy nội địa được thuận lợi và đạt hiệu quả cao.

Ý kiến của bạn

Bình luận