Thủ khoa Y đa khoa, Đại học Hà Nội khóa 2013-2019. Ảnh: Tú Anh |
Minh Hiếu tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Y đa khoa, Đại học Y Hà Nội khóa 2013-2019, trở thành thủ khoa với điểm tổng kết 8.48/10. Những ngày này, Hiếu bắt đầu theo học Bác sĩ nội trú chuyên ngành Hồi sức cấp cứu. Tiếp tục 3 năm lấy giảng đường, bệnh viện là nhà, chàng trai Hà Nội dáng thư sinh, đôi mắt to ẩn sau cặp kính cận cười bảo "theo nghề y là phải học cả đời".
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ba năm cấp ba Hiếu học lớp chuyên Vật lý trường THPT Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, Hiếu không thật sự đam mê ngành nghề gì, cũng không định hướng cụ thể gì cho tương lai. Gần đến kỳ thi THPT quốc gia, Hiếu thử làm bài trắc nghiệm tính cách, cân nhắc điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để lựa chọn ngành nghề phù hợp. Cuối cùng em chọn thi Đại học Y Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đạt 29 điểm (Toán 9, Hóa và Sinh 10), 26,5 điểm khối A, Hiếu chọn Y đa khoa, ngành "hot" nhất của Đại học Y Hà Nội, dù trong gia đình không ai theo nghề này. Xác định học y đa khoa vất vả, nhưng năm đầu tiên Hiếu vẫn choáng ngợp bởi lượng kiến thức, hình thức thi và dạy học tại trường.
"Năm nhất học môn Giải phẫu, mình lần đầu biết đến thi chạy trạm, tức là sinh viên phải chạy qua các bàn mô hình để điền 10 chi tiết. Tính ra mỗi chi tiết chỉ có 18 giây trả lời nên đòi hỏi sinh viên phải ghi nhớ chính xác và phản xạ nhanh", Hiếu kể và cho hay vẫn thấy áp lực khi nhớ lại.
Số lượng sách cần học một năm tại trường y bằng tổng số sách ba năm học THPT, lại phải ghi nhớ chính xác nên chàng trai sinh năm 1995 phải trầy trật học thuộc. Hai năm đầu đại học, ngoài sáng và chiều đi học, phần lớn thời gian còn lại Hiếu dành ở nhà học bài.
Để hấp thụ lượng kiến thức khổng lồ, Hiếu áp dụng chiến thuật học đến đâu hiểu, ghi nhớ ngay đến đó. Trên lớp, nam sinh nghe giảng rồi tóm tắt kiến thức từ hàng chục trang xuống còn mười mấy dòng, điểm nào chưa rõ thì hỏi ngay thầy cô. Tối về nhà, Hiếu sẽ học thuộc lại bài học trên lớp hôm đó, tìm video về chủ đề học để ghi nhớ bằng hình ảnh.
Hiếu thường tìm kiếm nguồn tài liệu chuyên ngành từ thư viện. Tự tin đạt 890 điểm TOEIC tiếng Anh, Hiếu vẫn gặp khó khi đọc tài liệu bởi có nhiều từ chuyên ngành nên tự khắc phục bằng cách tìm hình ảnh, video liên quan đến những cụm từ này và đọc phần dễ trước. Lúc rảnh rỗi hoặc căng thẳng vì học tập, nam sinh sẽ chạy bộ tại công viên gần nhà để đầu óc thư thái, nghỉ ngơi.
Nhớ lại 6 năm đại học, Hiếu ấn tượng nhất là những ngày đi lâm sàng tại bệnh viện, tiếp xúc với bệnh nhân. Từ năm ba, lịch trình của sinh viên y là sáng ở viện, chiều học lý thuyết trên trường, tối đi trực bệnh viện. Chàng trai chia sẻ những ngày đầu, bệnh nhân thường tỏ ra khó chịu vì bị hỏi thăm bệnh tình, triệu chứng từ hàng chục sinh viên. Dù niềm nở trò chuyện, Hiếu vẫn chẳng thu được gì.
Nam sinh quyết định tiếp cận bệnh nhân vào buổi tối khi bác sĩ và sinh viên đi thăm khám ít hơn. Vừa trực vừa thăm khám bệnh nhân nên Hiếu phải thức cả đêm, nhiều hôm may mắn được ngủ lúc 3h sáng. Nhưng nhờ đó, nam sinh có cơ hội thực hành nhiều hơn, tiếp xúc những bệnh mới chưa được học.
Qua bốn năm học, bạn bè hầu như đã ra trường, kiếm việc làm và nhận những tháng lương đầu tiên, nhưng Hiếu vẫn miệt mài trên giảng đường, vào bệnh viện trò chuyện với bệnh nhân. "Mình vẫn không thấy nuối tiếc vì đã chọn y. Khó khăn chỉ có thể giải quyết bằng cách cố gắng hơn nữa mà thôi", Hiếu nói.
Cho đến bây giờ, dù đã tiếp xúc không ít người bệnh, Hiếu vẫn không thể quên câu chuyện bệnh nhân nam nghiện rượu phải nhập viện vì viêm tuỵ cấp. Đó là lần thứ 7 bệnh nhân vào viện do nghiện rượu nặng, mỗi ngày uống từ nửa đến một lít rượu. Việc điều trị khiến gia đình lâm vào kiệt quệ, nhưng sau đó bệnh nhân tiếp tục quay lại con đường cũ.
Tiếp xúc với bệnh nhân này, Hiếu bị mắng bằng lời lẽ thô tục. Bất ngờ và xấu hổ, nam sinh chọn cách tảng lờ, tập trung thăm khám cho người khác, nhưng lòng trĩu nặng bởi câu hỏi liệu việc điều trị có giúp giải quyết vấn đề khi bệnh nhân không hợp tác? Dần dần đi viện nhiều, gặp cả trăm hoàn cảnh, Hiếu xác định nhiệm vụ của bác sĩ là cứu người, không nên để cảm xúc chi phối.
Mùa hè năm 2018, Hiếu bắt đầu thực hiện khóa luận với đề tài "Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân có biến chứng hô hấp sau phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội". Khâu khó nhất là tìm bệnh án có đặc điểm phù hợp với đề tài. Trong nửa tháng, Hiếu ngồi lỳ từ 8h đến 5h chiều trong kho lưu trữ hồ sơ của bệnh viện để tìm kiếm bệnh án.
Nhưng sau đó vì bận rộn với việc học, đi lâm sàng, Hiếu chỉ có thể dành 2-3 tiếng mỗi tuần để viết khóa luận và mất một năm hoàn thành. Được thầy Phạm Quang Minh (giảng viên bộ môn Gây mê hồi sức) khích lệ, Hiếu đã trình bày lại nghiên cứu dưới dạng bài báo và được đăng trên tạp chí Y học Việt Nam.
Đánh giá về học trò, thầy Minh cho rằng Hiếu cẩn thận, thông minh, tác phong làm việc và học tập chỉn chu. Trong quá trình học tập và làm khóa luận, những điều thầy muốn truyền đạt hoặc gây ý tưởng, Hiếu đều nhanh chóng nắm bắt và thực hiện tốt. "Tôi tin rằng bài khóa luận của em sẽ là tài liệu hữu ích cho những người làm việc và tìm hiểu về đề tài lâm sàng, cận lâm sàng", thầy Minh nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.