Chỉ cần 3 năm sẽ lấy bằng đại học?

20/01/2016 06:14

Điểm mới nổi bật của Đề án là hệ thống giáo dục THPT sẽ được phân theo 3 luồng: định hướng chung, kỹ thuật công nghệ và năng khiếu.

Bộ GD-ĐT vừa trình Thủ tướng Chính phủ Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Một trong những điểm đáng chú ý của Đề án là giáo dục từ cấp Tiểu học đến THCS chỉ có một luồng là giáo dục cơ bản với thời gian học tập là 9 năm. Hệ thống giáo dục THPT sẽ có điểm mới là được phân theo 3 luồng: định hướng chung, kỹ thuật công nghệ và năng khiếu với thời gian học là 3 năm.

Như vậy, học sinh từ cấp Tiểu học đến THCS phải học một chương trình giáo dục cơ bản bắt buộc với thời gian là 9 năm nhưng sang đến bậc THPT, các em có thể lựa chọn theo học theo 3 định hướng trên dựa theo sở thích, năng lực phù hợp.

Để làm rõ hơn về Đề án trên, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.

Nguyen-Vinh-Hien-giaoduc.net.vn

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

PV: Xin Thứ trưởng cho biếtĐề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân có đặc điểm mới nổi bật nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam đang dịch chuyển sang hệ thống giáo dục mở, tạo điều kiện học tập suốt đời cho người dân.

Trên tinh thần đó, Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Bộ GD-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ đảm bảo liên thông, liên kết giữa các bậc học, giữa các trình độ trong hệ thống giáo dục quốc dân và tương thích với hệ thống giáo dục quốc tế. Từ đó, người học có thể dễ dàng dịch chuyển giữa các hình thức học tập, giữa các kiến thức khác nhau. Cũng như việc công nhận bằng cấp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới được thuận lợi hơn. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân học tập trong nước và nước ngoài.

Những nét mới trong Đề án được thể hiện cụ thể ở từng cấp học. Ở cấp THPT phân ra 3 luồng: định hướng nghiên cứu, kỹ thuật công nghệ và năng khiếu. Đối với giáo dục nghề nghiệp, trước đây, chúng ta có 2 hệ thống trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề và cao đẳng chuyên nghiệp thì nay thống nhất là trung cấp nghề và cao đẳng nghề.

Đối với đào tạo trình độ bậc cao gồm: cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Ở bậc đại học chia ra 3 định hướng: nghiên cứu, ứng dụng, thực hành. Thời gian đào tạo cũng có thay đổi, được đề xuất thời gian đào tạo từ 3-4 năm thay vì 4-6 năm như hiện nay. Việc đào tạo Tiến sĩ trước đây là 2-4 năm nhưng không có trường hợp nào 2 năm đã hoàn thiện nên Đề án quy định đào tạo 3-4 năm.

Việc xây dựng Đề án dựa trên sự kế thừa hệ thống giáo dục hiện tại và có sự tham khảo, học hỏi kinh nghiệm ở các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, xu hướng phát triển giáo dục quốc tế. Ngoài ra, việc xây dựng Đề án cũng nhằm giúp hệ thống giáo dục của Việt Nam tương thích với hệ thống giáo dục của thế giới cũng như đảm bảo tính liên thông giữa giáo dục trong nước với các nước khác.

PV: Để thực hiện Đề án, xin Thứ trưởng cho biết lộ trình xây dựng cơ sở vật, đội ngũ giáo viên và các yếu tố khác như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Việc hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân phải dựa trên điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện nay và bổ sung trong thời gian tới. Những giáo viên đang giảng dạy như hiện nay sẽ được tập huấn thêm để có thể dạy theo chương trình mới.

Điều quan trọng là chúng ta phải xây dựng lại hệ thống sách giáo khoa để đáp ứng được yêu cầu của chuẩn chất lượng giảng dạy và nguồn nhân lực, chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất cho người học.

Như vậy, đổi mới giáo dục không đặt khối lượng kiến thức là yêu cầu bắt buộc mà  yêu cầu cao hơn về phát huy năng lực học tập toàn diện, tự học, áp dụng vào thực tiễn đối với học sinh. Cùng với đó, các trường phải có sự đổi mới về kiểm tra đánh giá theo tiêu chí vì sự tiến bộ và phẩm chất, năng lực của người học.

PV: Một trong những điểm đáng chú ý là hệ thống giáo dục THPT sẽ được phân theo 3 luồng: định hướng chung, kỹ thuật công nghệ và năng khiếu với thời gian học là 3 năm. Tuy nhiên, Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông chưa hề đề cập đến việc biên soạn sách theo 3 định hướng trên. Liệu sắp tới Bộ GD-ĐT có phải chỉnh sửa gì không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Điều này đã được cân nhắc trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Chúng ta chủ trương có nhiều môn học, trong đó có những môn học bắt buộc, tự chọn và môn học bắt buộc có sự phân hóa theo các mức độ khác nhau. Học sinh có quyền lựa chọn học tập để định hướng nghề nghiệp trong tương lai theo 3 luồng định hướng: chung, kỹ thuật công nghệ và năng khiếu. 

Như vậy, chúng ta đảm bảo phân luồng học sinh một cách linh hoạt chứ không nhất thiết phải xây dựng trường mới riêng. Cùng với hệ thống trường phổ thông và trường năng khiếu như hiện nay, các trường đại học, doanh nghiệp cũng có thể xây dựng hệ thống trường học theo định hướng riêng của họ nhưng điều này không bắt buộc.

Dạy tự chọn, bỏ phân ban

PV: Thưa Thứ trưởng, có ý kiến lo ngại việc phân luồng học sinh THPT theo 3 định hướng như là đào tạo phân ban nhưng theo hình thức khác. Thứ trưởng có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Việc phân ban đang thực hiện ở cấp THPT và cho học sinh tự chọn định hướng theo như Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân có điểm giống nhau là phân hóa học sinh theo luồng khác nhau. 

Tuy nhiên, giữa phân ban và định hướng học sinh có những sự khác biệt. Nếu học sinh chọn học phân ban thì phải học những môn theo ban đó đã quy định và không thể chuyển đổi giữa ban này sang ban khác được. Nhà trường phải sắp xếp giáo viên, học sinh học theo ban nào thì ổn định từ lớp 10 cho đến hết lớp 12.

Còn đối với việc cho học sinh tự chọn theo 3 luồng: định hướng chung, kỹ thuật công nghệ và năng khiếu sẽ linh hoạt hơn. Các nhóm học sinh đã chọn theo từng định hướng khác nhau vẫn có thể học các môn chung cùng với nhau. Nếu học sinh muốn chuyển đổi định hướng này sang định hướng khác thì có thể chỉ chuyển đổi một số môn chứ không nhất thiết phải thay đổi cả ban như học phân ban.

Với hình thức phân luồng học sinh theo 3 định hướng, các trường không nhất thiết phải đồng loạt thay đổi giống nhau mà tùy theo điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên khác nhau mà đáp ứng nhu cầu dạy học khác nhau. Khi bắt đầu thực hiện việc giảng dạy theo tự chọn định hướng, việc đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh có thể còn hạn chế. Tuy nhiên, khi nhà trường ngày càng phát triển với việc huy động các tổ chức xã hội, giáo viên ở các nơi cùng tham gia đào tạo thì sẽ ngày càng đáp ứng nhu cầu học tập theo định hướng của học sinh.

Có thể nói, với việc dạy học phân ban nhưng các cơ sở giáo dục lại không đồng loạt thay đổi đồng bộ về cách thức kiểm tra, đánh giá, thi cử nên việc dạy và học theo hình thức này không thành công.

Với việc cho học sinh tự chọn theo 3 luồng định hướng theo như Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, cùng với việc đổi mới chương trình sách giáo khoa; tập huấn, nâng cao chất lượng giáo viên, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương, trường học thực hiện đổi đồng bộ về cách thức kiểm tra, đánh giá, thi cử. Như vậy, việc chuyển đổi dạy học theo phân ban sang giảng dạy lựa chọn định hướng của học sinh sẽ mềm mại, linh hoạt hơn.

PV: Nếu thực hiện phân luồng học sinh theo 3 định hướng như Đề án thì sẽ xảy ra tình trạng học sinh lựa chọn học học một định hướng nhiều hơn hẳn các định hướng còn lại. Như vậy, các trường học rất khó khăn trong việc sắp xếp giáo viên, giờ dạy học, cơ sở vật chất để giảng dạy. Bộ GD-ĐT đã tính đến việc giải quyết vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Khi nhà trường chưa đáp ứng được các yêu cầu của học sinh thì họ phải có sự dàn xếp, bố trí sao cho hợp lý. Còn nếu khi trường học được đầu tư để phát triển lên thì điều kiện để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh sẽ được tăng hơn.

PV: Thứ trưởng có thể cho biết việc thực hiện phân luồng học sinh THPT theo 3 định hướng trên sẽ được thực hiện đồng loạt hay thí điểm trước?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Chúng ta sẽ thực hiện đồng loạt ở các địa phương nhưng mức độ, tính chất có sự khác nhau tùy theo từng vùng, từng trường.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết lộ trình thực hiện Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và kinh phí để thực hiện Đề án này?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Nếu Đề án được Chính phủ phê duyệt thì Bộ GD-ĐT sẽ cho thực hiện ngay. Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân không phải là một đề án cụ thể nên không thể nói đến kinh phí mà chỉ là cái khung cho từng đề án cụ thể thực hiện tiếp theo.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!./.

Ý kiến của bạn

Bình luận