Chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam: Có nên ưu tiên doanh nghiệp quân đội?

Đường bộ 30/08/2022 14:59

Dự án cao tốc Bắc - Nam dù chưa tiến hành lựa chọn nhà thầu nhưng hiện đã có nhiều doanh nghiệp "xếp hàng" xin chỉ định thầu, chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân.

Chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam: Có nên ưu tiên doanh nghiệp quân đội? - Ảnh 1.

Thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp làm văn bản gửi Chính phủ, bộ, ngành liên quan để xin được chỉ định làm cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đoạn Mai Sơn - QL45

Nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn "xí phần"

Còn khoảng gần 3 tháng nữa, chủ đầu tư các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) mới tiến hành công tác lựa chọn nhà thầu để tổ chức triển khai thi công. Theo nghị quyết của Chính phủ, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thay vì đấu thầu như dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Điều đáng nói, đến thời điểm này, việc phân chia quy mô gói thầu và các tiêu chí để lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định vẫn chưa được cơ quan chức năng công bố nhưng thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp làm văn bản gửi Chính phủ, bộ, ngành liên quan để… xí chỗ. Điển hình, doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường đề xuất được chỉ định cho thi công đoạn cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng, Tập đoàn Trường Thịnh xin được chỉ định tham gia thi công đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ.

Bên cạnh đó, các nhà thầu khác cũng xin chỉ định thầu để thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2: Trung Nam, Him Lam, Sơn Hải,… Ngay cả một doanh nghiệp quân đội là Công ty Xây dựng 384 thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cũng vừa phát văn bản gửi Bộ GTVT và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh xin chỉ định dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ.

Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, PGS.TS.Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, một số dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua khu vực có tính chất quan trọng về an ninh, quốc phòng nên chỉ định các nhà thầu của Bộ Quốc phòng thực hiện.

Tuy nhiên, theo PGS.TS.Trần Chủng, nhà thầu được chỉ định phải đảm bảo các tiêu chí về năng lực tài chính, năng lực chuyên môn, năng lực về máy móc thiết bị, nhân lực và kinh nghiệm các công trình tương tự từng tha giam gia.

"Cá nhân tôi rất tin tưởng vào năng lực tổ chức và tính kỷ luật của các doanh nghiệp quân đội. Đối với những đoạn tuyến có tính chất nhạy cảm về chính trị, an ninh quốc gia, khi doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng được chỉ định làm nhà thầu chúng ta sẽ yên tâm hơn", ông Chủng chia sẻ.

Chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam: Có nên ưu tiên doanh nghiệp quân đội? - Ảnh 2.

Binh đoàn 12 đang tham gia thi công nhiều dự án trọng điểm quốc gia từ các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đến công trình thủy điện mở rộng Thủy điện Hoà Bình, Thủy điện Ialy,...

Chia gói thầu lớn, sớm khắc phục bất cập đơn giá, định mức

Đề cập đến vấn đề này, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chia sẻ với PV Tạp chí GTVT: "Một trong những ưu việt lớn nhất của doanh nghiệp quân đội là việc điều hành tổng thể chung từ lãnh đạo Bộ Quốc phòng nên có thể tập hợp được lực lượng rất lớn, hùng hậu về nhân lực, thiết bị, tài chính để giải quyết ngay những vấn đề về tiến độ. Hơn nữa, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam hiện nay cũng có nhiều doanh nghiệp quân đội đã có thâm niên, kinh nghiệm, thậm chí còn là nhà thầu chủ lực ở nhiều đoạn tuyến".

Mặt khác, tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua một số địa bàn nhạy cảm liên quan đến an ninh, chủ quyền biên giới, các doanh nghiệp quân đội sẽ dễ dàng tiếp cận và thực hiện hơn so với các doanh nghiệp tư nhân và đảm bảo được các yếu tố về an ninh quốc phòng. "Đặc biệt, các doanh nghiệp quân đội có tinh thần kỷ luật rất cao, đã nói là làm", Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc chia sẻ.

Chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam: Có nên ưu tiên doanh nghiệp quân đội? - Ảnh 3.

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc

Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc cho rằng, đã là doanh nghiệp dù là quân đội hay tư nhân hay thì tính hiệu quả vẫn phải đặt lên hàng đầu. "Điều quan trọng của các dự án giao thông hiện nay, trong đó có cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là việc cơ quan chức năng cần sớm điều chỉnh đơn giá, định mức cho đường cao tốc để phù hợp với tình hình thực tiễn. Nếu được như vậy thì tiến độ, chất lượng của các dự án sẽ được đảm bảo, kể cả khi chỉ định thầu giảm 5% dự toán thì nhà thầu vẫn có thể làm tốt", Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc kiến nghị.

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12, Tống giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn
12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 nên chia thành 12 gói thầu và giao cho các nhà thầu lớn, có năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, nguồn lực con người đứng đầu chịu trách nhiệm

Ngoài ra, Tư lệnh Binh đoàn 12 cho rằng, trước khi triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, các cơ quan có liên quan cần rút kinh nghiệm từ những tồn tại, bất cập của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, các mỏ vật liệu cần giao cho nhà thầu được chỉ định và chỉ nên để một nhà thầu đảm nhiệm thi công một gói thầu nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

Đồng quan điểm, Thượng tá Nguyễn Đăng Thuận - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty 36 cũng cho rằng, trong số những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông hiện nay, các doanh nghiệp quân đội có nhiều ưu việt.

"Điều dễ nhận thấy nhất là kỷ luật của các đơn vị quân đội, tính thống nhất cao, những vấn đề tiêu cực hiếm khi xảy ra. Đặc biệt, khi tham gia vào bất cứ dự án nào, dù có khó khăn đến mấy thì cũng không bao giờ có tình trạng doanh nghiệp quân đội "chạy làng", "bỏ của chạy lấy người". Đấy là điểm khác biệt giữa doanh nghiệp quan đội với doanh nghiệp tư nhân", ông Thuận chia sẻ.

Ông Thuận cũng cho rằng, khi triển khai xây dựng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, cơ quan chức năng cần thiết phải có những thay đổi so với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, đặc biệt là cần phải phân chia dự án thành các gói thầu quy mô lớn và giao cho một nhà thầu lớn có đủ kinh nghiệm, năng lực đảm nhiệm thi công.

Theo ông Thuận, điều này sẽ rất tốt cho công tác quản lý và tính đồng bộ, ổn định chất lượng của công trình. Bởi, trong công tác quản lý, càng ít nhà thầu làm thì càng ít đầu mối, từ đó sẽ dễ dàng quản lý hơn.

Hơn nữa, về mặt chất lượng, các nhà thầu lớn sở hữu máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại cùng với tay nghề, kinh nghiệm cao, quy cách tổ chức, quản lý tốt hơn sẽ giúp đảm bảo chất lượng tốt hơn.

"Chẳng hạn, trong quá trình khai thác vận hành tuyến đường xảy ra tình trạng lún, nứt sẽ rất khó xác định lỗi sai của đơn vị thi công mặt đường hay đơn vị đắp nền đường. Nhà thầu làm mặt đường thì đổ lỗi cho đơn vị làm nền đường, ngược lại, ông làm nền đường lại đổ cho ông thi công mặt đường làm sai".

Khi đã giao cho một nhà thầu làm toàn bộ gói thầu, nếu có vấn đề gì xảy ra về mặt chất lượng công trình, nhà thầu đó sẽ phải chịu trách toàn bộ trách nhiệm
Thượng tá Nguyễn Đăng Thuận


Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng, sử dụng toàn bộ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Chính phủ và Bộ GTVT đặt mục tiêu khởi công toàn bộ dự án trong cuối năm 2022. Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được chia thành 12 dự án thành phần, gồm các đoạn: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.