“Chìa khóa” mở cánh cửa bầu trời hàng không

Tác giả: Việt Cường

saosaosaosaosao
Ứng dụng 21/07/2016 15:39

Đối với lĩnh vực Hàng không, ứng dụng và phát triển KH&CN luôn được chú trọng và được coi là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển.

Bay hieu chuan
Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay (ATTECH) thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cung cấp dịch vụ bay hiệu chuẩn cho ngành Hàng không Việt Nam

KHOA HỌC CÔNG NGHỆ NÂNG CAO NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG QUẢN LÝ DỊCH VỤ

2011 - 2015 là giai đoạn hoạt động quản lý, nghiên cứu ứng dụng của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam phát triển mạnh về chất lượng, trong đó tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giải quyết, bảo đảm mang lại hiệu quả thiết thực các chương trình khoa học và công nghệ; nghiên cứu, ứng dụng và phát triển đồng bộ khoa học và các hướng công nghệ ưu tiên phù hợp với ngành Hàng không dân dụng Việt Nam như: Công nghệ thông tin - truyền thông, công nghệ trong lĩnh vực quản lý bay và môi trường. Bên cạnh đó, Ngành đã xây dựng những đề tài nghiên cứu sâu hơn về ứng dụng nhằm xác lập những luận cứ khoa học, thực tiễn, dần thay thế các sản phẩm ngoại nhập.

Ông Trần Tuấn Linh - Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Môi trường, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngoài hoạt động sản xuất kinh, ngành Hàng không cũng rất chú trọng và quan tâm đến công tác ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ. Từ 02 đề tài khoa học công nghệ đã đưa vào áp dụng thực tế là sản xuất đèn chìm, đèn hiệu ứng dụng công nghệ chiếu sáng LED lắp đặt cho hệ thống đèn phụ trợ dẫn đường sân bay, Ngành tiếp tục đưa vào sản xuất thử nghiệm các sản phẩm nghiên cứu từ các đề tài: “Nghiên cứu chế tạo máy điều dòng kỹ thuật số thông minh (Smart CCR) điều khiển cấp nguồn cho hệ thống đèn hiệu sân bay”, “Nghiên cứu hệ thống chuyển tiếp điện văn chuyển giao theo công nghệ AMHS hàng không” và “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu giám sát hoạt động bay hàng không dân dụng trên cơ sở tích hợp dữ liệu giám sát Radar, ADS-B, ADS-C và kế hoạch bay”.

Giai đoạn 2011 - 2015, hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ đã hướng về cơ sở, nhất là lĩnh vực Quản lý hoạt động bay, Quản lý cảng hàng không, sân bay. Hoạt động đã đóng góp ngày càng rõ nét vào việc nâng cao năng suất, chất lượng quản lý và dịch vụ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, được thể hiện trong một số lĩnh vực:

Đối với lĩnh vực Hàng không, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ luôn được chú trọng và được coi là "chìa khóa" để vươn cao, vươn xa hơn trên bầu trời công nghệ và đó cũng là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển.

Trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ: Đã triển khai 6 đề tài, dự án cấp Bộ. Kết quả các đề tài, dự án trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ phục vụ cho công tác chọn lọc công nghệ, cải tiến công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhất là công nghệ lĩnh vực quản lý bay, tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Kết quả đạt được của các đề tài, dự án công nghiệp phục vụ thiết thực cho phát triển công nghiệp hàng không của Việt Nam, phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Ngành.

Trong lĩnh vực phát triển công nghệ thông tin: Nhiều sản phẩm của các đề tài liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin đã phát huy hiệu quả đưa vào ứng dụng trong thực tế tại các cảng hàng không, sân bay như: Hệ thống lưu chuyển điện văn theo công nghệ AMHS, phần mềm điều khiển hệ thống đèn hiệu biển báo, điều dòng kỹ thuật số, hệ thống tích hợp dữ liệu ra đa, ADS-B, ADS-C...

Việc ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an toàn cho các hoạt động của Ngành. Nhiều phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả như phần mềm thiết kế phương thức bay PANADES, phần mềm slot, phần mềm thi trực tuyến, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành GTVT lĩnh vực Hàng không dân dụng...

Hoạt động phát triển khoa học công nghệ đã khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, tạo động lực thúc đẩy phát triển Ngành bền vững.

XÂY DỰNG TIỀM LỰC TỪ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Trong thời gian tới, Ngành sẽ thực hiện các nhiệm vụ, dự án sản xuất thử nghiệm mang tính chất ứng dụng cao; chủ trì xây dựng, cập nhật, sửa đổi bổ sung kịp thời các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mỗi khi các tổ chức hàng không quốc tế có các văn bản mới ban hành.

Mặt khác, ngành Hàng không dân dụng tiếp tục tập trung kinh phí cho các đề tài nghiên cứu ứng dụng có khả năng áp dụng vào thực tế cao trong các lĩnh vực mũi nhọn phù hợp với khả năng của người Việt Nam như ứng dụng công nghệ thông tin, điều khiển, tự động hóa...

Trong năm 2016, Ngành triển khai Đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thử nghiệm hệ thống giám sát tàu bay và phương tiện trên sân bay theo phương pháp đa điểm công nghệ MLAT”. Đây là công nghệ có độ chính xác cao về vị trí tọa độ, tốc độ cập nhật nhanh, mang nhiều thông tin và sẽ là nguồn dữ liệu chính được khai thác để phục vụ điều hành bay tại sân bay trong tương lai. Đồng thời, Ngành cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hàng không nâng cao khả năng cạnh tranh để đưa sản phẩm, dịch vụ của mình tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường hàng không quốc tế bằng các cơ chế, chính sách khác nhau.

Ngoài hoạt động khoa học công nghệ trong nước, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam còn rất chủ động, tích cực hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ. Đối với các cơ cở, đơn vị trong nước, Ngành sẽ tăng cường hợp tác với các trung tâm, trường, viện nghiên cứu về lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ như: Hợp tác nghiên cứu khoa học, tham gia hội đồng khoa học và công nghệ, hội thảo, triển lãm khoa học và trao đổi, chia sẻ các thông tin, kinh nghiệm trong hoạt động quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.

Để tạo cơ sở nền móng vững chắc, Hàng không dân dụng Việt Nam xác định rõ mục tiêu xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ, đào tạo, sử dụng đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có chuyên môn cao nhằm nâng cao trình độ và bồi dưỡng đội ngũ, cán bộ khoa học và công nghệ của Ngành; tìm kiếm các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến mới, phục vụ cho phát triển ngành Hàng không dân dụng Việt Nam nói riêng và sự nghiệp GTVT nói chung. 

Ý kiến của bạn

Bình luận