Ở nước ta, hệ thống chiếu sáng công cộng đang bị lạc hậu dẫn tới các thiết bị chiếu sáng chưa phát huy hết hiệu quả và gây ra sự lãng phí lớn |
Hệ thống chiếu sáng là một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng trong mỗi đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn trên thế giới. Tuy nhiên, tại các đô thị ở nước ta hiện nay, hệ thống chiếu sáng công cộng là lĩnh vực đang bị lạc hậu dẫn tới việc các thiết bị chiếu sáng chưa phát huy hết hiệu quả và gây ra sự lãng phí lớn.
Người tham gia giao thông ở Hà Nội có lẽ không quá lạ với hình ảnh đèn cao áp trên đường đã bật sáng khi trời còn sáng, thậm chí còn đang có nắng. Ngược lại, ở thời điểm chuyển mùa, trời đã tối hoặc sáng sớm sương mù, cần thiết phải có ánh sáng từ đèn thì người đi đường tù mù bởi đèn chưa được bật.
Điều kỳ lạ này xuất phát từ việc đèn đường đang được cố định giờ bật tắt và sự điều chỉnh về giờ giấc sử dụng đèn đường không được kịp thời, linh hoạt.
Anh Nguyễn Thanh Hùng, ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ về những khó khăn gặp phải khi lái xe bởi hệ thống chiếu sáng chưa phù hợp:
"Hệ thống đèn cổ điển của chúng ta đang bật tắt theo giờ nên những lúc chuyển giao mùa, thì thời tiết lúc 5-7h là tối rất nhanh nhưng tôi lại chưa thấy đèn đường bật lên, trong khi có lúc trời sáng thì đèn đường lại bật khiến mình lái xe bị chói mắt. Hoặc những thời điểm mà nếu tối hẳn thì đèn ô tô sáng có thể nhìn rõ đường nhưng chưa tối hẳn mà lại có đèn đường thì bị chói mắt".
Được biết, theo quy định của Thành phố Hà Nội, thời gian vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng được thực hiện như sau: Mùa hè (từ ngày16/4 đến ngày 15/10) bật lúc 18h30 và tắt lúc 5h ngày hôm sau; mùa đông (từ ngày 16/10 đến ngày 15/4) bật lúc 17h30 và tắt lúc 6h ngày hôm sau. Tuy nhiên, việc tắt mở đèn đường cố định như vậy là không linh hoạt và phù hợp tình hình thời tiết cũng như điều kiện giao thông thực tế của đô thị.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, Nguyên cán bộ Phòng CSGT, CATP Hà Nội đánh giá về những ảnh hưởng của hệ thống đèn đường hiện nay tới người tham gia giao thông:
"Theo quy định thì đã cài đặt và mặc định việc bật tắt đèn để phục vụ việc đi lại của người dân. Nhưng nếu cố định như vậy thì khi thời tiết thay đổi, trời tối sớm sẽ dẫn tới việc người dân đi lại gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra".
Thực tế việc sử dụng hệ thống chiếu sáng như vừa nêu không những không phát huy được hết hiệu quả phục vụ người dân đô thị mà còn gây ra sự lãng phí rất lớn. Bởi trong khi cả nước đang cùng nhau thực hiện khẩu hiệu tiết kiệm điện thì hàng trăm bóng đèn công cộng thắp sáng mà không để làm gì là vô cùng lãng phí.
Việc các dãy đèn thắp sáng giữa ban ngày không chỉ là lãng phí điện mà còn làm giảm tuổi thọ bóng đèn công cộng… và gây bức xúc cho người dân. Vì thế, đề nghị các đơn vị chức năng liên quan cần sớm kiểm tra và chấn chỉnh lại hoạt động thắp sáng đèn điện trên các trục đường của Thành phố, tránh sự lãng phí không cần thiết như hiện tại.
Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nêu ý kiến đề xuất:
"Bất cập hiện nay là thời gian bật tắt đèn không căn cứ vào thời tiết nên ảnh hưởng tới việc đi lại. Chúng tôi nghĩ rằng Thành phố cần đầu tư công nghệ tốt hơn đề điều khiển hệ thống chiếu sáng hiện nay để phục vụ người dân tốt và cũng nâng cao tiết kiệm năng lượng".
Chiếu sáng đô thị hiện nay không chỉ là đảm bảo ánh sáng phục vụ hoạt động giao thông, an ninh an toàn mà nó còn hướng tới giá trị thẩm mỹ, làm đẹp cảnh quan đô thị. Chia sẻ quan điểm cùng VOV Giao thông về chủ đề này là Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, một thành phố có hệ thống chiếu sáng hiện đại sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân đô thị, tạo ra và trở thành một yếu tố quảng bá hình ảnh đô thị đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững.
PV: Thưa kiến trúc sư, theo ông đâu là những hạn chế còn tồn tại của hệ thống chiếu sáng đô thị hiện nay?
Ông Trần Huy Ánh: Chúng ta biết rằng hệ thống đèn đường hiện nay theo những nghiên cứu đô thị của chúng tôi thì nó hoạt động khá độc lập về mặt nguồn điện và hệ thống đèn đường trong mạng lưới điện chung của Thành phố.
Dù ở Hà Nội đã có nhiều cải thiện về chọn loại đèn, màu ánh sáng, kích thước cột, chao chụp tuy nhiên việc bật tắt đèn trong các mùa khác nhau thì vẫn cổ điển so với những thay đổi khá nhanh chóng của các thiết bị ánh sáng tự động hóa hiện nay.
Công ty chiếu sáng đèn đường có giờ bật tắt đèn vào mùa đông và mùa hè khác nhau nhưng do thời tiết bất thường, biến chuyển quá nhanh mà hệ thống đèn đường không có cảm biến nên không theo kịp được, thành ra vẫn có độ kênh khi hệ thống đèn đường không đáp ứng được nhu cầu và độ an toàn cho người đi đường.
PV: Vậy xin ông cho biết, đâu là những nguyên nhân khiến việc sử dụng hệ thống đèn đường vẫn đang lạc hậu và các đô thị gặp khó khăn để hiện đại hóa?
Ông Trần Huy Ánh: Hệ thống chiếu sáng ở đô thị văn minh có thiết kế đồng bộ, ở mỗi đường phố và vị trí đều có thiết kế chiếu sáng chuyên nghiệp. Trong khi đó hệ thống chiếu sáng ở Hà Nội chủ yếu dựa vào hệ thống chiếu sáng có từ những năm 20 do người Pháp xây dựng nên việc xây dựng lại hệ thống cột đèn trước cửa nhà dân hiện nay là rất khó khăn.
Ở các vị trí ngã ba, ngã tư thì việc chiếu sáng được tổ chức tốt hơn. Tuy vậy, việc chiếu sáng này vẫn còn đơn giản và sự tiến hóa của nó so với sự phát hiện của công nghệ chiếu sáng so với các Thành phố trên thế giới là khá chậm chạp".
PV: Xin được cảm ơn những ý kiến của ông với chương trình hôm nay!
Hà Nội cũng như nhiều đô thị lớn ở nước ta đã có sự quan tâm thực hiện việc chỉnh trang đô thị, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng hợp lý. Tuy nhiên vẫn có sự lãng phí và không hiệu quả do hệ thống chiếu sáng còn khá lạc hậu.
Trong khi đó, trước những hiện tượng chiếu sáng đô thị gây phản cảm, tốn kém thì người dân muốn phản ánh với cơ quan chức năng nhưng không biết phản ánh với ai. Vậy, quản lý chiếu sáng đô thị, đang được giao cho những đơn vị nào?
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.