Các chỉ tiêu đạt được sau khi thử nghiệm
Đại diện Cảng HKQT Nội Bài cho hay, sau thành công của việc triển khai thử nghiệm khai thác thực tế mô hình ra quyết định A-CDM tại Cảng HKQT Nội Bài lần 2 từ ngày 25/7/2023 đến ngày 31/10/2023 với tổng số gần 28 ngàn lượt chuyến bay trong khung giờ áp dụng A-CDM cất hạ cánh an toàn, Cục Hàng không Việt Nam ban hành Quyết định chấp thuận triển khai áp dụng chính thức mô hình A-CDM giai đoạn 1 từ ngày 1/2/2024 cho tất cả chuyến bay nội địa và quốc tế đi/đến qua Cảng.
Trước đó, trong 2 lần thử nghiệm thực tế, mô hình A-CDM tại Cảng HKQT Nôi Bài đã được áp dụng trong nhiều tình huống và điều kiện khai thác nhau từ điều kiện khai thác bình thường cho đến các tình huống bất thường (tàu bay bị trục trặc kỹ thuật, phục vụ chuyến bay VIP, điều kiện khai thác trong tầm nhìn hạn chế…) do đó có nhiều chỉ tiêu đã được lượng hóa để tính toán hiệu quả của A-CDM, cụ thể như sau:
Thứ nhất, độ tuân thủ thời gian rời vị trí mục tiêu (TOBT) của mỗi chuyến bay trong giai đoạn thử nghiệm đạt trung bình 98,7%. Tỷ lệ này cho biết trạng thái thực tế tàu bay sẵn sàng để rời khỏi vị trí đỗ đạt gần như tuyệt đối, cho thấy mức độ chính xác, kịp thời trong công tác phục vụ cho một chuyến bay của đơn vị phục vụ mặt đất và hãng hàng không dựa trên kế hoạch đã được đưa ra trước đó. Hệ thống A-CDM Portal đã tự động tính toán TOBT có độ chính xác cao đã giảm áp lực cập nhật thủ công của các đơn vị mặt đất và hãng hàng không.
"Những kết quả bước đầu đạt được của việc áp dụng mô hình A-CDM tại Cảng HKQT Nội Bài được các chuyên gia hàng không nước ngoài đánh giá cao. Hy vọng tất cả mọi mắt xích trong dây chuyền phục vụ bay tại Cảng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để phát huy những thành quả đó, đưa hệ thống vận hành thông suốt, hiệu quả, góp phần nâng cao công tác điều hành hoạt động bay tại Cảng HKQT Nội Bài.
Ông Tô Tử Hà, Giám đốc Cảng HKQT Nội Bài
Thứ hai, độ tuân thủ thời gian cho phép nổ máy mục tiêu (TSAT) của mỗi chuyến bay trong giai đoạn thử nghiệm trung bình đạt 96,2%. Chỉ số này cho thấy mức độ tuân thủ giờ cho phép nổ máy theo trình tự khởi hành đã được đưa ra bởi cơ quan không lưu cũng như việc xin cấp huấn lệnh của tổ lái trong khung TSAT tiêu chuẩn +/- 5 phút được thực hiện rất nghiêm túc và chính xác.
Thứ ba, chỉ số thời gian lăn của tàu bay trong khung giờ thử nghiệm thực tế A-CDM được ghi nhận giảm so với cao điểm năm 2023 khi chưa áp dụng hệ thống. Theo tính toán thời gian tàu bay lăn vào vị trí đỗ của chuyến bay giảm trung bình trên 30 giây và thời gian lăn ra để cất cánh, giảm gần 3 phút; điều này đã giúp các hãng hàng không tiết kiệm nhiên liệu tàu bay, giảm thiểu khí CO2 ra môi trường. Kết quả các chỉ số liên quan đến thời gian lăn đã thể hiện rõ lợi ích do A-CDM mang lại, đặc biệt là đối với các hãng hàng không và cơ quan không lưu.
Với A-CDM, các đơn vị được lợi gì?
Thực tiễn áp dụng thử nghiệm thực tế mô hình A-CDM tại NIA đã cho thấy chi tiết các nhóm lợi ích đối với cảng hàng không, với hãng hàng không, với đơn vị phục vụ mặt đất, với cơ quan quản lý bay và với hành khách.
Một số hình ảnh tại Trung tâm AOCC (Cảng HKQT Nội Bài), nơi các mắt xích kết nối qua A-CDM portal để cùng chia sẻ nền tảng dữ liệu chung (ảnh: Phan Công)
Đối với cơ quan quản lý bay: khi áp dụng A-CDM lực lượng kiểm soát viên không lưu (KSVKL) giảm tần suất liên lạc với tổ bay do thông tin giờ dự kiến nổ máy đã được hiển thị trên hệ thống dành riêng cho phi công, dẫn đến giảm khối lượng công việc cho kiểm soát viên không lưu. Các dữ liệu của chuyến bay được cập nhật liên tục và theo thời gian thực, giúp kiểm soát viên không lưu nắm rõ tiến trình quay đầu của từng chuyến bay thông qua hệ thống A-CDM portal giúp KSVKL ra quyết định chính xác, kịp thời và minh bạch.
Đối với hãng hàng không và đơn vị phục vụ mặt đất: Tiết kiệm chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến bay nhờ tối ưu hiệu quả khai thác và giảm thời gian lăn của tàu bay. Thêm vào đó, thông tin, dữ liệu của các chuyến bay đã được cung cấp đầy đủ hơn, chính xác hơn, tuân thủ các quy trình khai thác tốt hơn so với khi chưa triển khai A-CDM; Thông tin được phối hợp chia sẻ, mang tính thông suốt, rõ ràng, minh bạch giữa các đơn vị. Các đơn vị sử dụng dữ liệu chuyến bay hiệu quả, cải thiện khả năng dự đoán, kiểm soát tốt quy trình quay đầu của chuyến bay.
Đối với cảng hàng không, sân bay: Khi triển khai A-CDM tối ưu được hạ tầng cảng hàng không, nâng cao hiệu quả khai thác tại sân bay, giảm khí thải CO2 ra môi trường đồng thời nâng cao vị thế sân bay trong khu vực và thế giới.
Đối với hành khách, rõ ràng với tỷ lệ đúng giờ đối với các chuyến bay áp dụng A-CDM tại NIA trong thời gian qua, hành khách sẽ có những trải nghiệm tốt hơn, do tàu bay giảm thời gian lăn, thời gian dừng chờ, hạn chế bay vòng…, đồng thời công tác phục vụ hành lý, hàng hóa của chuyến bay sẽ được cải thiện tốt hơn,… do các chuyến bay được lập kế hoạch tốt, có thông tin rõ ràng, được tối ưu hóa các khâu trong quá trình khai thác nhờ A-CDM.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.