Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Đề án được xây dựng với mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Chính phủ phê duyệt đề án hỗ trợ 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo |
Một số nội dung đáng chú ý của Đề án bao gồm: Xây dựng Cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; Xây dựng các Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các Bộ, ngành, địa phương; Tổ chức sự kiện Ngày hội khởi nghiệp công nghệ quốc gia với quy mô quốc tế và các sự kiện khởi nghiệp quy mô địa phương, liên kết viện trường; Tiếp tục triển khai Đề án Thương mại hoá công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam; Nghiên cứu, đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
Nhóm đối tượng thuộc diện hỗ trợ của Đề án gồm:
- Cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp lần đầu.
- Tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất - kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động hiệu quả, đáp ứng các tiêu chí: Người đứng đầu có ít nhất 1 năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn đầu tư, tài chính và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; tổ chức có ít nhất 1 năm hoạt động, cung cấp dịch vụ cho ít nhất 10 nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đã đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư được ít nhất 1 tỷ đồng cho các nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; có quy trình hỗ trợ khởi nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thỏa thuận hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài về đầu tư, đào tạo, huấn luyện, tư vấn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp tham gia Đề án sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như: Hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trả tiền công lao động trực tiếp và sử dụng các dịch vụ; Hỗ trợ một phần chi phí truyền thông trên các phương tiện đại chúng; Được giới thiệu đối tác, nhà đầu tư; Được đào tạo, huấn luyện về khởi nghiệp, marketing, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, khai thác thông tin công nghệ, sáng chế, thanh toán, tài chính, đánh giá, định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ...
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được tư vấn về pháp lý, sở hữu trí tuệ, đầu tư, cách thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ...
Với các nội dung trên, Đề án kỳ vọng các doanh nghiệp thành công có thể thu hút được “1.000 tỷ đồng đến năm 2020” và “2.000 tỷ đồng đến năm 2025” vốn đầu tư từ xã hội, cộng đồng, không phải là nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước. Từ đó, thể hiện rõ vai trò Nhà nước là đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp ban đầu nhưng luôn cần có các nhà đầu tư tư nhân, cộng đồng xã hội đầu tư tiếp theo mới có thể thực sự nâng cao tính hiệu quả và bền vững của việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.