Trong căn phòng giản dị đầu ngõ xóm Hạ Hồi (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội), ông Khuất Minh Trí - nguyên Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam đã chia sẻ với tôi thông tin về tờ báo Hỏa xa - tờ báo ngành GTVT ra đời ngay sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đó là Báo Hỏa xa năm thứ nhất, số đầu tiên ra ngày thứ sáu, 17/5/1946. Đây là tuần báo, ra thứ sáu hàng tuần, giá bán 0đ50. Tờ báo là cơ quan ngôn luận của Tổng công đoàn Hỏa xa Việt Nam, trụ sở tại nhà số 2A Khâm Thiên, Hà Nội. Còn thư từ, bài viết và ngân phiếu của bạn đọc được gửi đến ông Trần Lưu Trác, 100 phố Hàm Long, TP. Hà Nội.
Trong số ra mắt bạn đọc, bài xã luận trên trang nhất báo Hỏa xa có đoạn viết:
“Hỏa xa ra đời.
Nó sẽ gánh nhiệm vụ trung gian làm cho lãnh đạo và chuyên môn hiểu nhau để cùng chung lưng đấu cật trong công cuộc kiến thiết nước nhà.
Nó sẽ cố gắng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân Hỏa xa.
Nó sẽ tìm tòi các phương pháp huấn luyện chuyên môn cần thiết cho sự hiểu biết về nghề để tiện cho các anh em xe lửa muốn nghiên cứu thêm.
Và Hỏa xa sẽ kiên quyết thẳng thắn nói những điều phải nói dẫu phật lòng một số ít người vẫn hoài nghi, ích kỷ, trục lợi không chịu nhận rằng: Cùng nỗ lực, có thực lòng mới mong lượm được kết quả tốt...”.
“Khi đọc Báo Hỏa xa, chúng tôi không chỉ ngạc nhiên mà còn tự hào vì được thấy ba bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn công nhân Hỏa xa và Công hội Hỏa xa”, - ông Khuất Minh Trí hào hứng kể.
Ngày 31/5/1946, trước khi lên máy bay sang thăm hữu nghị nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi rất nhanh lời dặn công nhân đường sắt vào sổ tay của ông Hà Đăng Ấn - PV tờ Hỏa xa lúc đó: “Đoàn kết, kỷ luật, công tác”. Bút tích 6 chữ vàng ấy cùng chữ ký Hồ Chí Minh đã được đưa lên trang nhất tờ Hỏa xa số 6, ngày 21/6/1946. Còn ông Hà Đăng Ấn sau này cũng trở thành Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt Việt Nam.
Ngày 21/10/1946, công nhân viên chức đường sắt được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chuyến xe lửa đặc biệt từ Hải Phòng về Hà Nội. Hôm đó, mặc dù việc nước rất bận nhưng Người vẫn gửi thư khen ngợi, trong đó có đoạn: “Công việc hỏa xa là công việc quan trọng trong sự kiến thiết nước nhà. Tôi mong anh em Sở Hỏa xa lúc nào cũng đoàn kết, cố gắng để làm tròn nhiệm vụ”.
Chỉ sau một tuần đi trên chuyến tàu đặc biệt này, ngày 27/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ghi vào sổ vàng của công nhân Hỏa xa 2 câu dặn dò: “Mỗi một anh em làm trong xe lửa đều tổ chức, Công hội Hỏa xa phải là kiểu mẫu cho các Công hội khác. Đoàn kết, thân ái ”. Báo Hỏa xa số 26, ngày 08/11/1946 đã đăng bút tích này. Số sau, số 27, ngày 15/11/1946, Báo Hỏa xa lại đăng tiếp bút tích động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Toàn thể công nhân Hỏa xa đoàn kết lại”.
Do thực dân Pháp tăng cường các hoạt động quân sự, đất nước chuẩn bị bước vào toàn quốc kháng chiến, ngày 13/12/1946, Báo Hỏa xa đã tạm dừng sau 31 số phục vụ bạn đọc.
Nói về tờ báo Hỏa xa, ông Khuất Minh Trí cũng cho biết thêm về một cộng tác viên đặc biệt là nhạc sĩ Văn Cao, tác giả Quốc ca, đồng thời cũng là tác giả “Ngành ca” như cách nói hiện nay:
“Theo nghiên cứu của chúng tôi, Báo Hỏa xa cũng được Văn Cao cộng tác ngay từ số đầu tiên với bài thơ “Con tàu 211”. Đặc biệt, Báo Hỏa xa số 2 đã đăng toàn bộ lời và bản nhạc bài hát “Công nhân Việt Nam” của nhạc sĩ Văn Cao.
Do thực dân Pháp tăng cường các hoạt động quân sự, đất nước chuẩn bị bước vào toàn quốc kháng chiến, ngày 13/12/1946, Báo Hỏa xa đã tạm dừng sau 31 số phục vụ bạn đọc. Đến năm 1980 trên cơ sở tờ báo Hỏa xa, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xin xuất bản lại và đổi tên thành Báo Đường sắt Việt Nam. Đến năm 2014, Báo Đường sắt Việt Nam sáp nhập vào Báo Giao thông.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.