Ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo nội dung, kiến nghị Bộ GTVT giải quyết một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực GTVT trên địa bàn tỉnh. |
Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Lê Đình Thọ, lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Bộ GTVT: Vụ Kế hoạch Đầu tư, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP), Tổng cục ĐBVN, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông. Đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao và đại diện các Sở, Ngành thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 7 Dự án đang được Bộ GTVT thực hiện đầu tư; trong đó có 4 Dự án đang thi công bao gồm: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan, Dự án nâng cấp các cầu yếu và các đoạn đầu tư bổ sung tuyến QL1, Dự án nâng cấp mở rộng QL49B, QL49A (đến nay đã tạm dừng do chưa cân đối được nguồn vốn) và 3 dự án mở rộng Hầm Hải Vân, 3 dự án mở rộng Hầm Phước Tượng – Phú Gia. Công tác GPMB, hỗ trợ thực hiện đầu tư, đảm bảo ANTT, ATGT được các Sở, ngành, lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu theo kế hoạch đã đề ra.
Cùng với đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm tốt công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực GTVT như việc triển khai thực hiện các Quy hoạch phát triển vận tải hành khách đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Thực hiện nghiêm công tác hoạt động kinh doanh vận tải, siết chặt việc KSTTX theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kiềm chế và đẩy lùi TNGT, do vậy 8 tháng đầu năm 2016, TNGT giảm cả 3 tiêu chí: Xảy ra 315 vụ, làm chết 101 người, bị thương 298 người; so với cùng kỳ năm 2015 giảm 28 vụ, giảm 7 người chết và giảm 14 người bị thương; TNGT đường thủy và tai nạn đặc biệt nghiêm trọng không xảy ra.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu giải đáp những kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế |
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế có đủ các loại hình giao thông chủ yếu: Đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường sắt và đường không. Trong đó, hệ thống giao thông đối ngoại (quốc lộ, cảng biển, hàng không) giữ vai trò chủ đạo và hỗ trợ đắc lực cho hệ thống giao thông đối nội của Tỉnh. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn chế, đầu tư chưa đồng bộ nên hiệu quả khai thác chưa cao, gây khó khăn cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh và liên vùng.
Đối với một số đoạn QL1 (qua thị xã Hương Trà và thị xã Hương Thủy) chưa được mở rộng đồng bộ với quy mô QL1 các tuyến QL49A, QL49B do hạn chế, gián đoạn về bố trí nguồn lực đầu tư nên mới thực hiện đầu tư một số đoạn xung yếu, chưa hoàn chỉnh, làm giảm hiệu quả , đầu tư, khai thác, gây khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hưởng đến điều kiện sống của người dân vùng dự án đi qua, đặc biệt là các hộ nằm trong diện di dời, giải tỏa.
Đối với đường hàng không, sân bay Quốc tế Phú Bài được thiết kế với công suất 1,5 triệu hành khách/năm, nhưng đến nay, sản lượng khai thác tại cảng cơ bản được lấp đầy; năm 2015 lượng khách thông qua cảng đạt 1,3 triệu hành khách; tốc độ tăng trưởng trung bình hành khách trong giai đoạn 2010-2015 đạt 11-13%/năm; dự báo trong năm 2016 sẽ đạt công suất thiết kế 1.5 triệu hành khách/năm và đến năm 2020 sẽ đạt 2,5 - 3,0 triệu hành khách/năm. Hiện nay, sân bay Phú Bài đã thực hiện thường kỳ các chuyến bay quốc tế đến Băng Cốc,Thái Lan. Đồng thời một số đối tác đang có kế hoạch xúc tiến mở mới các tuyến bay đến Singapore, Myanmar.. .Tuy nhiên, do hệ thống hạ tầng, nhà ga phục vụ khách quốc tế chưa có nên công tác quản lý, phục vụ gặp nhiều khó khăn, mất nhiều công sức, thời gian, làm giảm niềm tin, uy tín của ngành và địa phương đối với nhà đầu tư và hành khách, đặc biệt là du khách quốc tế.
Do đó, để giúp địa phương phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển đất nước, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ GTVT xem xét bổ sung các hạng mục mở rộng mặt đường QL1 đoạn qua thị xã Hương Thủy và đoạn qua thị xã Hương Trà vào Dự án mở rộng QL1 theo hình thức hợp đồng BOT. Đối với QL49A, UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT bố trí vốn mở rộng đoạn Km15+210 đến Km18+00 dài 2,79km (từ giao QL1 - Nghẹo Giằng Xây đến Đàn Nam Giao) và đoạn Km18+00-Km38+00 (từ Đàn Nam Giao đến thị trấn Bình Điền). Kiểm tra và sửa chữa đảm bảo an toàn cầu Phú Xuân trên địa bàn thành phố Huế. Đồng thời mong muốn sớm đầu tư mới Nhà ga hành khách quốc tế Cảng hàng không Phú Bài, đường lăn và đường cất hạ cánh số 2 nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu vận tải thực tế và quy hoạch được duyệt.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế |
Giải đáp các kiến nghị của lãnh đạo Thừa Thiên Huế, lãnh đạo các Vụ, Tổng cục, Cục đều cho rằng theo quy hoạch phải đến giai đoạn sau 2030, sân bay Phú Bài mới cần đầu tư đường cất hạ cánh thứ hai, khuyến cáo của ICAO cũng cho thấy chỉ khi có trên 10 triệu lượt khách/ năm sân bay mới cần có đường băng thứ 2. Trước mắt, đại diện các cơ quan của Bộ cho rằng có thể xem xét xây dựng một đường lăn song song với đường băng số 1 để tăng hiệu suất sử dụng, đặc biệt vào giờ cao điểm. Đối với các dự án đường bộ hiện nay đang rất khó khăn về vốn, Bộ cũng hết sức quan tâm và sẽ xem xét bố trí trong nguồn vốn trung hạn cũng như bố trí thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT trên các tuyến quốc lộ qua tỉnh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa ủng hộ việc đầu tư xây dựng nhà ga hành khách quốc tế cảng hàng không Phú Bài. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng trong điều kiện hiện nay đầu tư đường băng số 2 là chưa cần thiết. Bộ trưởng đề nghị Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục HKVN sớm có sự đánh giá lại lưu lượng máy bay cất hạ cánh hiện nay. Đồng thời, Ban Quản lý các dự án đối tác công tư lập đề án kêu gọi đầu tư nhà ga quốc tế sân bay Phú Bài để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Cục HKVN xem xét dự kiến nguồn vốn, mức đầu tư để xây dựng đường lăn. Trước mắt tỉnh có thể ứng vốn để đầu tư hạng mục này và ngân sách sẽ trả lại sau. Đối với các đề nghị trong lĩnh vực đường bộ, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu Tổng cục ĐBVN và Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông sớm đánh giá chất lượng cũng như đề ra các giải pháp thích hợp đảm bảo an toàn và khai thác hiệu quả.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.