Chuẩn bị đầu tư 3 dự án cao tốc lớn hơn 84.000 tỷ đồng

Tác giả: Vũ Thành

saosaosaosaosao

Ba dự án cao tốc có quy mô lên tới hơn 84.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp tới...

 

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Tạo khung kết cấu hạ tầng chiến lược cho đồng bằng sông Cửu Long

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) có chiều dài khoảng 188,2 km. Điểm đầu dự án giao với QL91, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại khu vực cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 44.691 tỷ đồng.

Theo tờ trình của Chính phủ, vùng đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa cao, chưa phát huy và khai thác đúng mức tiềm năng, lợi thế, một phần bởi hệ thống kết cấu hạ tầng chưa phát triển, trong đó có hạ tầng giao thông (HTGT).

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam, là hành lang vận tải trục ngang lớn, quan trọng nhất ở trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực, tạo nên khung kết cấu hạ tầng chiến lược trong vùng.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có giao thông đường thủy chiếm tỷ trọng vận tải cao nhưng tốc độ chậm nên không thích hợp với vận tải hành khách, một số loại hàng hóa có giá trị, yêu cầu thời gian vận tải ngắn. Mạng lưới đường bộ trong vùng hiện đáp ứng dưới 30% khối lượng vận tải hàng hóa và 80% khối lượng vận tải hành khách, nhưng quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, tốc độ hạn chế nên chưa phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Cùng với đó, cảng Trần Đề được quy hoạch đến năm 2030 với năng lực thông qua khoảng 50 - 55 triệu tấn/năm, giai đoạn đến 2050 đạt 130 - 150 triệu tấn/năm, là cảng cửa ngõ, động lực phát triển vùng, chuyển tiếp hàng hóa xuất nhập khẩu sang Campuchia và các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Do vậy, việc đầu tư cao tốc kết nối cửa khẩu Tịnh Biên đến cảng Trần Đề là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận tải.

Với ưu thế năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, thuận tiện, an toàn, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng rút ngắn khoảng cách di chuyển từ Châu Đốc đến cảng Trần Đề khoảng 12 km và 1,5 - 2h so với các quốc lộ hiện hữu; cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đã và đang đầu tư sẽ tạo ra không gian mới để phát triển.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuật

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuật

Khai phá tiềm năng phát triển Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) dài khoảng 117,5 km, điểm đầu tại nút giao giữa QL26B và QL1, khu vực cảng Nam Vân Phong; điểm cuối tại vị trí giao cắt đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 21.935 tỷ đồng.

Chính phủ đánh giá, vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng giàu tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, giao thương, trung chuyển hàng hóa các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia ra biển. Tỉnh Khánh Hòa là trung tâm kinh tế, chính trị lớn trong khu vực Nam Trung bộ, có vùng vịnh gần với tuyến hàng hải quốc tế, có tiềm năng rất lớn để phát triển cảng biển nước sâu, phát triển du lịch và kinh tế biển. Khu kinh tế tổng hợp Vân Phong là một trong ba khu kinh tế trọng điểm của cả nước, trong đó khu Bắc Vân Phong đã được quy hoạch là cảng trung chuyển quốc tế.

Hệ thống kết cấu HTGT kết nối Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung bộ chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải thông thường, chưa có tuyến cao tốc kết nối với các vùng duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam Bộ nên chưa trở thành tiền đề, động lực để khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng Tây Nguyên và khu kinh tế Nam Vân Phong.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải cho Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ; kết nối các tuyến đường bộ trục dọc phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư...

Mặt khác, hệ thống giao thông kết nối Tây Nguyên và Nam Trung bộ không thể phát triển đường thủy, đường sắt, chỉ có hàng không và đường bộ là phương thức vận tải phù hợp. Song, đường bộ hiện chủ yếu tập trung ở hai trục dọc là QL1 và QL14; các trục ngang kết nối giữa Tây Nguyên và Nam Trung bộ có mật độ thấp, quy mô nhỏ, đèo dốc nên không thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa khối lượng lớn.

Các tuyến trục ngang đã và đang được cải tạo, nâng cấp nhưng tốc độ bình quân chỉ khoảng 50 km/h, thời gian từ Đắk Lắk đến Khánh Hòa mất khoảng 3,5 - 4h. Nếu được đầu tư tuyến đường bộ cao tốc sẽ rút ngắn xuống còn 1,5h, đồng thời phát huy hiệu quả đường Hồ Chí Minh, QL1, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường bộ ven biển... đã và đang được đầu tư.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Giải quyết “điểm nghẽn” hạ tầng của vùng Đông Nam bộ

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài khoảng 53,7 km, điểm đầu tại vị trí giao cắt với tuyến tránh QL1 thuộc TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại vị trí giao cắt với QL56 thuộc TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Chính phủ, Đông Nam bộ là vùng kinh tế sôi động nhất cả nước, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách. Với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, mạnh nên nhu cầu vận tải tăng cao, tạo áp lực lên hệ thống kết cấu HTGT, đặc biệt là đường bộ. Song, dư địa về không gian phát triển không còn nhiều, HTGT đang là “điểm nghẽn”, có thể bỏ lỡ cơ hội và các làn sóng đầu tư mới.

Việc vận chuyển hàng hóa, hành khách trên hành lang TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cảng biển cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải chủ yếu bằng phương thức đường bộ thông qua QL51 và đường thủy. Thời gian qua, QL51 được mở rộng, năng lực tối đa đáp ứng 81.000 xe quy đổi/ngày đêm, trong khi lưu lượng giao thông hiện tại đã lên tới 82.376 xe quy đổi/ngày đêm và còn cao hơn trong các giờ cao điểm, mùa lễ hội, du lịch. Vì vậy, việc ùn tắc diễn ra thường xuyên và QL51 được xem là “điểm nghẽn” về hạ tầng, ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng Đông Nam bộ.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: “Nếu tuyến cao tốc đưa vào khai thác, thời gian từ TP. Biên Hòa đến Vũng Tàu rút ngắn từ khoảng 2h xuống còn khoảng 1h. Nếu không sớm đầu tư, tình trạng tắc nghẽn sẽ nghiêm trọng hơn, tác động tiêu cực đến sự phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Mặt khác, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phải cơ bản hoàn thành vào năm 2025 để khai thác đồng bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, gom và giải tỏa hành khách, hàng hóa cho Cảng HKQT Long Thành. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có khoảng 12,6 km đi trùng với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần phải hoàn thành trong năm 2025 để khai thác đồng bộ toàn tuyến, đồng thời kết nối hiệu quả, đồng bộ với Cảng KHQT Long Thành giai đoạn 1, cảng biển Cái Mép - Thị Vải.

Ý kiến của bạn

Bình luận