Lễ hội đền Bảo Hà - tỉnh Lào Cai |
Lào Cai: Xử lý nghiêm vi phạm
Từ đầu Xuân Bính Thân 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có 31 lễ hội được tổ chức, chủ yếu là các lễ hội dân gian. TP. Lào Cai có lễ hội đền Thượng diễn ra ngày 15 tháng Giêng, thu hút rất đông du khách. Ngoài ra, tại di tích đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên), mặc dù không phải là dịp lễ hội nhưng đây lại là điểm tín ngưỡng thu hút rất đông lượng du khách hành hương trong dịp đầu năm. Đặc biệt năm nay, tại Sa Pa đã khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống cáp treo dài nhất thế giới đưa du khách lên đỉnh Fansipan nên đã thu hút lượng khách du lịch rất lớn trong dịp mùa lễ hội, dẫn tới tình trạng ùn tắc một số ngày đầu trên tuyến đường từ TP. Lào Cai lên Sa Pa.
Để đảm bảo sự thuận tiện nhu cầu của khách du lịch, tuyến xe buýt Lào Cai - Sa Pa được tăng cường và chạy liên tục. Theo đó, giá cước dịch vụ vận tải được quản lý chặt chẽ, niêm yết rõ ràng.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nông Văn Hưng - Giám đốc Sở GTVT Lào Cai cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị vận tải, bến xe khách bố trí cán bộ thực hiện và phối hợp thực hiện kế hoạch bố trí phương tiện; tăng cường, bổ sung hoặc điều tiết phương tiện, bố trí lái xe và nhân viên phục vụ khi có nhu cầu, đồng thời kiểm tra các điều kiện an toàn vận tải, bảo đảm cho nhân dân đi lại được thuận tiện, an toàn.
“Sở GTVT đã quán triệt các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm các quy định trong kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa, có ưu đãi, hỗ trợ và tạo điều kiện cho hành khách là người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ nhỏ và chấp hành nghiêm các quy định về quản lý giá cước vận tải”, ông Hưng nhấn mạnh.
Sở GTVT cũng chỉ đạo TTGT tỉnh tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải tại bến xe khách, đặc biệt về điều kiện phương tiện, người lái, tình trạng nhồi nhét khách trên xe; kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện niêm yết giá cước trên phương tiện và thu giá cước theo đúng giá cước niêm yết, không để xảy ra tình trạng lợi dụng lượng hành khách tăng để tăng giá cao, ép khách; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lập “bến cóc”, các xe không vào bến đón, trả khách; kiểm tra hoạt động vận tải hàng hóa như chở hàng quá khổ, quá tải, vi phạm về phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường.
Phú Thọ: Lập đường dây nóng để giải quyết sự cố kịp thời
Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm TTATGT trong dịp Tết và mùa lễ hội Xuân năm 2016, Sở GTVT Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch cụ thể, bám sát vào điều kiện thực tế của địa phương.
Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ - tỉnh Phú Thọ |
Các đơn vị kinh doanh vận tải đã xây dựng kế hoạch vận tải, chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo TTATGT, đáp ứng kịp thời khi nhu cầu đi lại tăng cao, giải tỏa hành khách và hạn chế tối thiểu UTGT. Trong đó, tập trung xây dựng phương án tổ chức vận tải hợp lý trên cơ sở quay vòng, tăng chuyến trong thời gian phục vụ Tết, lễ hội Xuân 2016.
Các phương tiện đưa ra phục vụ vận chuyển hành khách phải được kiểm tra kỹ thuật, bảo dưỡng sửa chữa, vệ sinh sạch sẽ và được kiểm định, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; bố trí đủ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe các tuyến vận tải, đặc biệt là các tuyến đường dài, đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian làm việc của lái xe; tổ chức cho lái xe ký cam kết không vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; bố trí cán bộ trực để cấp lệnh vận chuyển cho phương tiện theo đúng quy định và giải quyết những công việc cần thiết khác; chấp hành nghiêm quy định về quản lý giá cước vận tải; thực hiện kê khai, niêm yết giá cước trên phương tiện và thu giá cước theo đúng quy định, nghiêm cấm các trường hợp lợi dụng lượng hành khách tăng để tăng giá ở mức cao; chủ động bán vé trước cho hành khách, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong bán vé và phát hành vé.
Sở đã chỉ đạo bến xe trang hoàng, đảm bảo hình thức đẹp và sạch sẽ, tổ chức tốt các dịch vụ phục vụ hành khách và phương tiện, bố trí đầy đủ bảng thông báo về luồng tuyến, chuyến lượt, giờ xe chạy, giá vé hành khách; bố trí đủ đèn chiếu sáng, khu vực vệ sinh, y tế; cán bộ nhân viên phục vụ tại bến phải có thái độ lịch sự, cởi mở, đeo phù hiệu, mặc đồng phục, thực hiện tốt quy trình tác nghiệp khi điều hành xe ra vào bến.
Ông Trịnh Văn Trung - Phó giám đốc Sở GTVT Phú Thọ cho biết: Sở đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để đảm bảo TTATGT. Đặc biệt, Sở GTVT tỉnh Phú Thọ đã công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và giải quyết thông tin phản ánh về hoạt động vận tải, tình hình TTATGT. Đó là các số điện thoại của 1 Phó giám đốc Sở, Trưởng phòng Đăng kiểm, Chánh Thanh tra Sở, giám đốc một số Ban QLDA và các đầu mối khác. Nhờ đó, đến thời điểm này, các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh diễn ra an toàn, giao thông thông suốt, tình hình an ninh trật tự được giữ vững.
Lễ hội chùa Hương: Tập huấn và phân bổ thuyền đón khách đảm bảo TTATGT
Những ngày đầu năm, lễ hội chùa Hương, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội là một trong những điểm đến hấp dẫn và thu hút lượng khách thập phương lớn nhất cả nước. Vào những ngày cao điểm, lượng khách đổ về đây lên đến 60.000 lượt người. Vì vậy, công tác đảm bảo ATGT đường bộ, đường thủy luôn được ban tổ chức lễ hội, các cơ quan chức năng thành phố quan tâm, chú trọng.
Vận tải đường thủy ở chùa Hương được đảm bảo thông suốt |
Được biết, trước thềm Lễ hội chùa Hương 2016, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức kiểm tra thực hiện ATGT trên QL21B từ Ba La (Hà Đông, Hà Nội) đến các điểm đầu mối từ Hà Nam, Hòa Bình vào chùa Hương và lên kế hoạch đảm bảo ATGT đường thủy trên dòng suối Yến.
Với lượng khách và xe cộ được dự báo là tăng đột biến trong những ngày đầu khai hội, Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Công an Hà Nội và huyện Mỹ Đức thường xuyên tổ chức lực lượng TTGT đứng gác ở nhiều chốt trên tuyến đường 21B và bến đò vào chùa Hương để phân làn, phân luồng, giải tỏa UTGT.
Công tác đảm bảo ATGT đường thủy trên dòng suối Yến được huyện Mỹ Đức đặc biệt quan tâm, chú ý. Ông Hoàng Xuân Trường - Đội trưởng Đội TTGT huyện Mỹ Đức cho hay: Ngay từ trước khi diễn ra lễ hội, Đội TTGT huyện Mỹ Đức đã tổ chức phối hợp với Phòng Quản lý Đường thủy của Sở GTVT Hà Nội cùng một số lực lượng chức năng khác đã tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ các tuyến giao thông trên suối, hệ thống giao thông đường thủy như: Biển báo, đèn tín hiệu, các hành lang ATGT đường thủy. Đồng thời, đội cũng triển khai kiểm tra an toàn các vị trí cọc tiêu, phao cứu sinh và tổ chức các phương án cứu hộ, cứu nạn trên suối. Năm nay tiếp tục thực hiện nghiêm việc cấm người dân sử dụng thuyền máy đưa đón khách, gây nguy hiểm trong việc đi lại tham quan.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương cho biết: “Về công tác chuẩn bị đò đưa khách qua suối Yến, năm nay số đò được cho phép hoạt động phục vụ mùa lễ hội xấp xỉ 5.000 phương tiện. Trước thềm lễ hội khoảng một tháng, chúng tôi đều tổ chức tập huấn cho những lái đò. Những bà con lái đò phải đảm bảo yêu cầu hiểu biết, chấp hành tốt Luật Giao thông ĐTNĐ; lắp đặt, trang bị đầy đủ các phao cứu sinh, phao hiệu mới được tham gia lái đò đưa khách. Năm nay, chúng tôi tiếp tục duy trì việc sơn màu xanh cho các đò tham gia đưa khách.”
“Đặc biệt, để tránh tình trạng chèo kéo khách tự phát, gây xung đột giữa khách và người chèo đò, thậm chí là mâu thuẫn và ứng xử thiếu văn hóa giữa những người chèo đò với nhau, Ban Tổ chức đã phân bổ các đò đón chở khách hợp lý, vừa đảm bảo an toàn cho khách, vừa thực hiện công bằng giữa các hộ chèo đò. Vì vậy, năm nay không còn tình trạng chèo kéo, bắt ép khách khi đi đò tham quan”, ông Hậu nhấn mạnh.
Theo Đại tá Lê Xuân Văn - Trưởng Công an huyện Mỹ Đức, chỉ sau hai tuần khai hội chùa Hương, lực lượng Công an huyện Mỹ Đức đã xử lý 52 phương tiện xe mô tô của lái đò dùng để bám đuổi, chèo kéo khách, gây mất trật tự ATGT. Không chỉ đảm bảo giao thông thông suốt trên địa bàn huyện, Công an thành phố tiếp tục chỉ đạo công an các huyện dọc tuyến đường 21B từ Hà Đông đến Ứng Hòa tăng cường tuần tra, giải quyết trật tự ATGT, đảm bảo tuyến đường dẫn vào chùa Hương luôn được thông suốt.
Nam Định: Các lực lượng chức năng cùng vào cuộc
Để đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, đáp ứng kịp thời nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa phát sinh tăng cao trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân Bính Thân năm 2016, bảo đảm giải tỏa hành khách, hỗ trợ hành khách đi lại thuận lợi, an toàn, nhanh chóng, văn minh, lịch sự, các cơ quan hữu quan của tỉnh đã đẩy mạnh truyên truyền pháp luật TTATGT cho người tham gia giao thông, đặc biệt là ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật TTATGT của đội ngũ lái xe khách, xe buýt, xe taxi và người điều khiển phương tiện chở khách qua sông; thực hiện tuyên truyền theo các chủ đề: Không chở hàng quá tải, không chở quá số người quy định trên xe, đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe; điều khiển xe đi đúng phần đường, làn đường; nói không với rượu bia khi lái xe; bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt…
Bên cạnh đó, lực lượng TTGT, phòng Công thương các huyện, Phòng QLĐT TP. Nam Định và chính quyền địa phương cấp xã, phường, thị trấn tập trung giải tỏa các trường hợp vi phạm hành lang ATGT, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường bộ; chú trọng các cửa ngõ ra, vào TP. Nam Định, tuyến quốc lộ, tỉnh lộ huyết mạch, các thị trấn, thị tứ, các khu đông dân cư; giải tỏa việc họp chợ tại một số cầu, đường dọc trên các tuyến đường bộ gây cản trở giao thông và nguy cơ UTGT cao; đảm bảo giao thông tại các điểm vượt sông an toàn; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị vật tư và lực lượng ứng trực khi sự cố xảy ra; đặc biệt quan tâm các cầu yếu, các đoạn đường hư hỏng, sạt lở; kiểm tra, rà soát các nút giao thông, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, sơn vạch kẻ đường, đoạn tuyến, khu vực có nguy cơ UTGT hoặc “điểm đen TNGT”; có phương án bố trí nhân lực ứng trực để kịp thời phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức điều tiết giao thông khi xảy ra ùn tắc; nâng cao điều kiện đảm bảo ATGT tại các nút giao thông, các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ với đường sắt, các đoạn tuyến đang thi công, các tuyến đường cửa ngõ ra vào TP. Nam Định.
Đối với các xe chạy trên tuyến phải thực hiện đầy đủ quy định về niêm yết: Điểm đầu, điểm cuối của tuyến; tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải; biển số xe, giá vé, hành trình chạy xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải và của Sở GTVT Nam Định; niêm yết khẩu hiệu: “Tính mạng con người là trên hết” theo quy định ở vị trí lái xe dễ nhận biết khi điều khiển phương tiện.
Thanh tra Sở phối hợp chặt chẽ với Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (PC64), Phòng QLVT-PTNL và các lực lượng chức năng khác tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm về TTATGT, kiên quyết xử lý vi phạm; phối hợp với Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (PC64) Công an tỉnh và lực lượng có liên quan thực hiện các biện pháp quản lý vận tải và kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm ngay tại khu vực bến xe; kiên quyết không cho xuất bến đối với ô tô chở khách không đảm bảo quy định TTATGT; kiểm tra, xử lý các tụ điểm phức tạp về trật tự công cộng, TTATGT...
Ninh Bình: Chuẩn bị mọi điều kiện để phục vụ lễ hội
Theo thống kê của Ban Tổ chức Lễ hội chùa Bái Đính, trung bình mỗi ngày có từ 13 -15.000 lượt khách về tham quan tại quần thể danh thắng Tràng An - Bái Đính, tuy nhiên tính đến thời điểm này chưa để xảy ra tình trạng UTGT. Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Hoàng Quốc Tuấn - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Phương tiện và người lái - Sở GTVT Ninh Bình cho biết, để đảm bảo TTATGT cho du khách về tham quan danh thắng tại Ninh Bình và đặc biệt là Khu du lịch tâm linh Bái Đính, Sở GTVT Ninh Bình đã tổ chức phân luồng giao thông một cách hợp lý, cộng với sự vào cuộc tích cực của Ban Tổ chức lễ hội đã chuẩn bị đầy đủ bến bãi, phương tiện vận tải, tạo sự ấn tượng cho du khách khi về tham quan tại Ninh Bình.
Khuôn viên chùa Bái Đính - tỉnh Ninh Bình |
Nhằm đảm bảo an toàn cho khách khi du xuân trên sông tại các điểm Tràng An, Bích Động…, gần 3.000 người điều khiển đò đã được Ban ATGT tỉnh tập huấn các kỹ năng tham gia giao thông an toàn, Luật Giao thông ĐTNĐ cũng như phương án sơ, cấp cứu khi xảy tai nạn .
Được biết, trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Sở GTVT Ninh Bình đã đưa vào khai thác tuyến tránh TP. Ninh Bình và khánh thành cầu Trường Yên, góp phần giảm tải cho tuyến QL1 cũng như QL12B.
Quảng Ninh: Chấn chỉnh sai phạm tại các "điểm nóng"
Theo Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh, các sở, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị và Ban ATGT tỉnh đã chú trọng công tác kiểm tra tại các khu vực Vân Đồn, Cô Tô và vận tải khách du lịch trên Vịnh Hạ Long.
Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, lượng người dân đổ về các điểm như: Chùa Lôi Âm (TP. Hạ Long), Ngọa Vân (Đông Triều), Yên Tử (Uông Bí), Cửa Ông… tăng cao, đòi hỏi công tác bảo đảm trật tự ATGT luôn chặt chẽ với tinh thần trách nhiệm cao và áp dụng nhiều giải pháp quyết liệt.
Tại những điểm diễn ra lễ hội, lực lượng chức năng đã bố trí các chốt, trạm để phân luồng, điều tiết giao thông. Đồng thời, lực lượng CSGT phối hợp với công an các địa phương, Cảnh sát 113 tuần tra, xử lý các lỗi vi phạm, đặc biệt chú trọng đến việc xử lý những phương tiện lợi dụng việc chở người dân đi lễ chùa để chở người quá số ghế, tự ý tăng giá vé, chèn ép hành khách…
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh cho biết, các lễ hội tại Quảng Ninh có đặc thù liên quan nhiều đến ĐTNĐ, vì vậy, Ban ATGT tại các thành phố, huyện, xã trực thuộc tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương tăng cường kiểm tra, xuống tận bến giám sát liên tục từng chuyến đò, đảm bảo các phương tiện vận tải thủy chở đúng tải cũng như 100% hành khách lên phương tiện phải mặc áo phao.
Cùng với đó, Công an tỉnh cũng triển khai lực lượng Cảnh sát Đường thủy phối hợp với các lực lượng chức năng khác tăng cường kiểm tra ATGT, kiên quyết xử phạt “mạnh tay” đối với các hành vi vi phạm tại các tuyến vận tải trọng điểm, bến khách ngang sông, điểm du lịch, lễ hội… Đồng thời, các đoàn công tác và lực lượng chức năng tại các “điểm nóng” tập trung chấn chỉnh các sai phạm cũng như tuyên truyền, nhắc nhở. Đến nay, chưa ghi nhận trường hợp vi phạm quy định pháp luật về TTATGT.
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm, ngày 17/02, Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Phòng Cảnh sát Đường thủy - Công an tỉnh và TTGT đã tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm ATGT đường thủy tại bến đò đi chùa Lôi Âm (phường Đại Yên, TP. Hạ Long). Qua kiểm tra cho thấy, công tác bảo đảm ATGT đường thủy như: Yêu cầu hành khách đi đò mặc áo phao, đò xuất, rời bến không chở quá số người quy định… tại bến đò Lôi Âm đều được các chủ đò chấp hành nghiêm chỉnh.
An Giang: Phục vụ tốt bà con Lễ hội vía Bà Chúa xứ Núi Sam
Để đảm bảo công tác ATGT trong những ngày tháng Giêng, lực lượng chức năng TP. Hồ Chí Minh và tỉnh An Giang đã lên kế hoạch cụ thể, triển khai, phối hợp chặt chẽ để người dân tham gia giao thông được thuận lợi.
Lễ hội vía Bà Chúa xứ Núi Sam - tỉnh An Giang |
Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) Cao Xuân Bá cho biết: “Để phân luồng giao thông đảm bảo TTATGT và trật tự công cộng Lễ hội vía Bà Chúa xứ Núi Sam, chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu được nội dung, mục đích và chấp hành nghiêm chỉnh theo kế hoạch phân luồng giao thông; đảm bảo trật tự giao thông và trật tự công cộng, không để xảy ra UTGT và TNGT trên các tuyến đường lễ hội”.
Nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi, dễ dàng, an toàn cho nhân dân trong dịp lễ hội, Sở GTVT An Giang đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người dân thực hiện đúng pháp luật khi tham gia giao thông, trọng tâm là quy tắc giao thông đường bộ nhằm nâng cao hơn nữa ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT; biểu dương kịp thời các hành vi văn hóa của người tham gia giao thông, người thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, tăng cường giáo dục truyền thống, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của người kinh doanh vận tải và lái xe… bằng nhiều hình thức với những nội dung cụ thể.
Ông Ngô Công Thức - Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra, chấn chỉnh lại hoạt động TTATGT ở cơ sở, từng bước nâng cao chất lượng, thiết thực làm cho tình hình TTATGT chuyển biến tích cực từ địa bàn dân cư; đồng thời, bố trí cán bộ phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vận tải công cộng, vận động đội ngũ lái xe, phụ xe làm cam kết tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT, quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải công cộng; chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả việc phối hợp lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, nhất là việc phối hợp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, kiểm soát tải trọng xe và quản lý kinh doanh vận tải.
Xây dựng phương án huy động tối đa các loại phương tiện vận tải hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của nhân dân, giải tỏa khách ùn đọng tại các bến tàu, bến xe không để khách phải ở lại qua đêm; chỉnh trang kết cấu hạ tầng giao thông, rà soát lại hệ thống cọc báo tiêu, biển báo để bổ sung kịp thời, nhất là các đoạn đường thường xảy ra TNGT; thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm ATGT tại các dự án công trình giao thông đang thi công, phải hoàn trả mặt đường để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đi lại trong dịp Tết; không để xảy ra UTGT do thi công công trình.
Đại tá Nguyễn Tấn Phước - Phó giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết: “Chúng tôi đã rà soát và tổ chức giao thông trong địa bàn, trên cơ sở đó tiếp tục phân luồng, tuyến giao thông một cách khoa học, hợp lý, sắp xếp lại điểm chợ, bến, bãi xe, tàu, điểm dịch vụ..., nhất là các bến ô tô khách, xe máy, điểm lên xuống hàng hóa của ô tô tải. Bên cạnh đó, chúng tôi còn đẩy mạnh việc giải tỏa hành lang an toàn đường bộ, các trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông; vận động giải tỏa các trường hợp dựng rạp tổ chức đám tiệc, tụ tập đông người trên đường giao thông hoặc trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ”.
TP. Hồ Chí Minh: Rút kinh nghiệm những năm trước để làm tốt công tác bảo đảm TTATGT
Để đảm bảo công tác TTATGT cho người dân đi lễ rằm tháng Giêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với lực lượng chức năng địa phương ra quân điều tiết, phân luồng trên các tuyến đường trọng điểm có lễ hội nhằm phòng ngừa và giải tỏa kịp thời tình trạng UTGT. Từ kinh nghiệm rút ra những năm trước, năm nay, Phòng PC67 đã phân công, bố trí lực lượng tại các chốt kiểm tra, điều tiết giao thông, hướng dẫn phương tiện đậu đỗ đúng nơi quy định.
Đại úy Trần Thanh Tâm - Phó đội trưởng Đội CSGT Bàn Cờ (thuộc Phòng PC67 Công an TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Vào những ngày rằm tháng Giêng, nhu cầu đi lễ chùa của người dân tăng cao, đặc biệt tại các ngôi chùa lớn. Đa số người dân chấp hành tốt Luật Giao thông, tuy nhiên vẫn còn không ít người dân dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định và một số người buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn, gây UTGT”.
Nắm bắt tình hình trên, để đảm bảo ATGT, Đội CSGT Bàn Cờ đã chủ động phối hợp với lực lượng công an, dân phòng một số quận, phường có những ngôi chùa lớn để đảm bảo lực lượng tại các chốt giao thông trọng yếu, ngã tư nhiều người qua lại để duy trì, đảm bảo tốt công tác ATGT của người dân trên các tuyến đường được thông suốt.
Bình Dương: Kinh doanh vận tải được đảm bảo an toàn
Trong đợt cao điểm của mùa lễ hội năm 2016 bắt đầu từ Tết Nguyên đán kéo dài đến hết tháng Giêng, tại 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Dương, hầu hết các doanh nghiệp vận tải và bến xe khách đều đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Tỉnh Bình Dương là địa phương giáp ranh với TP. Hồ Chí Minh và có nhiều lễ hội rằm tháng Giêng, thu hút hàng nghìn du khách thập phương về tham dự. Trước tình hình đó, Sở GTVT tỉnh Bình Dương đã tiến hành tăng cường lực lượng giữ gìn TTATGT trong các ngày lễ, Tết. Về cơ bản, tình hình ATGT trên địa bàn toàn tỉnh được duy trì ổn định, thông suốt, an toàn.
Thống kê cho thấy, khu vực tỉnh Bình Dương không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Trong ngày cao điểm là 14 và 15 tháng Giêng, toàn bộ địa bàn không xảy ra ùn tắc kéo dài, các tuyến đường trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông. Tất cả các công trình giao thông đều đảm bảo vệ sinh, không để vật liệu cản trở giao thông. Tại các bến xe khách không có hiện tượng tranh giành khách tại bến.
Theo ông Nguyễn Chí Hiếu - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Bương, trong đợt cao điểm mùa lễ hội vừa qua, toàn tỉnh có tổng số lượt xe xuất bến là 4.369 và vận chuyển được 125.712 hành khách. Bình quân 01 chuyến vận chuyển được 28,8 hành khách. Đối với xe buýt có khoảng 17.441 chuyến xuất bến với hơn 300.000 hành khách. Hầu hết các phương tiện vận chuyển khách đảm bảo yêu cầu về phương tiện và người lái.
Bên cạnh đó, để bảo đảm ổn định tình hình an ninh trật tự, Ban ATGT tỉnh cũng đã tăng cường lực lượng thanh, kiểm tra các hoạt động kinh doanh vận tải, không để các phần tử lợi dụng đông người hoạt động, đồng thời tạo sự an tâm cho du khách khi đến với lễ hội, đến với địa phương. Bên cạnh đó, Công an TP. Thủ Dầu Một phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự thành phố, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 và các ngành chức năng của thành phố, tỉnh bảo vệ an ninh trật tự mùa lễ hội. Ngoài ra, các lực lượng còn tăng cường công tác quản lý TTATGT, trật tự đô thị; xử lý các trường hợp mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, gây cản trở giao thông… Do đó, trong thời gian diễn ra lễ hội, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã tạo được ấn tượng tốt đẹp khi không để xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy hay giành giật nhau.
Tây Ninh: Kiểm soát chặt chẽ giá cước vận tải
Tại tỉnh Tây Ninh, hầu hết các hoạt động trong tỉnh đều phục vụ người dân đến tham quan tại Khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Bà Đen. Ông Lê Hồng Tăng - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết: Trong đợt cao điểm mùa lễ hội từ ngày 8/02 đến ngày 15/02, khu di tích thu hút hơn 800.000 khách, tăng 2,06% so với năm 2015. Các dịch vụ thu phí vào cổng, dịch vụ bãi giữ xe 2 bánh, bãi giữ xe ô tô đều được đảm bảo an toàn, không để xảy ra trường hợp bắt chẹt người dân hoặc tăng giá vé gửi xe quá cao. Tuy nhiên, do lượng khách đổ về rất đông nên tình trạng xe ôm tự phát, mua bán hàng rong chèo kéo du khách ảnh hưởng đến trật tự giao thông và đảm bảo an ninh cho khu vực lễ hội.
Hội Linh Sơn Thánh Mẫu (Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh) |
Ông Hồ Ngọc Thới - Trưởng phòng Quản lý vận tải - Phương tiện người lái tỉnh Tây Ninh cho biết: Đối với trách nhiệm của Sở GTVT, thời gian qua, Sở đã có công văn số 1006/SGTVT ngày 18/12/2015 về việc chuẩn bị phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo TTATGT trong mùa lễ hội để gửi đến các đơn vị như bến xe, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở GTVT tỉnh đã tiến hành kiểm tra tại một số bến xe lớn của tỉnh như: Bến xe Tây Ninh, bến xe Tân Châu, bến xe Tân Biên. Những đơn vị chủ lực của tỉnh hoạt động trên các tuyến cố định đã có kế hoạch tăng cường phương tiện, tăng tài chuyến để kịp thời giải tỏa khách trong những ngày cao điểm.
Lực lượng TTGT đã bố trí cán bộ trực để điều tiết, bảo đảm TTATGT tại các đầu mối, cửa ngõ có lưu lượng phương tiện lớn, nhất là khu vực xung quanh Khu du lịch Núi Bà. Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, Sở GTVT đã quyết định mở 2 tuyến xe buýt từ bến xe Tây Ninh và bến xe Hòa Thành đến khu du lịch Núi Bà. Thời gian hoạt động của tuyến xe này bắt đầu từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán đến gần hết tháng Giêng.
Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm của mùa lễ hội, Sở GTVT tỉnh cũng đã siết chặt việc tăng giá cước của các đơn vị kinh doanh vận tải. Có 2 đơn vị đã kê khai không tăng giá vé quá 30%. Riêng đối với các tuyến từ Tây Ninh đi TP. Hồ Chí Minh, Sở GTVT và Sở Tài chính không xem xét giải quyết cho các đơn vị kê khai tăng giá vé. Do nhu cầu đi lại từ TP. Hồ Chí Minh đến địa bàn tỉnh luôn cao, nên việc xem xét không tăng giá vé không chỉ đảm bảo quyền lợi cho hành khách, mà còn giúp cho việc thu hút khách du lịch đến với địa bàn.
Trong mùa lễ hội năm nay, hầu hết người dân đến tham gia lễ hội đều tuân thủ các quy định của pháp luật, cũng như không xảy ra tình trạng gây rối làm mất an ninh trật tự.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.